THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 235-TTg | Hà Nội, ngày 27 tháng 08 năm 1971 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG ĐỜI SỐNG CỦA ĐỒNG BÀO VÙNG BỊ LŨ, LỤT
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Hiện nay, trong các vùng bị lũ lụt, đời sống nhân dân có những khó khăn với mức độ khác nhau tùy theo hoàn cảnh từng nơi. Để giải quyết tình hình khó khăn trước mắt của đồng bào, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho Uỷ ban hành chính các cấp khẩn trương thi hành các công việc sau đây:
1. Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành phố và huyện phải nắm chắc tình hình các vùng bị ngập lụt, nhất là các vùng bị lũ lụt nghiêm trọng, để phát hiện các vấn đề và kịp thời giải quyết những khó khăn trong đời sống của nhân dân.
Yêu cầu trong những ngày trước mắt là phải gấp rút giải quyết vấn đề ăn, ở, phòng bệnh chữa bệnh cho đồng bào theo phương châm vận động nhân dân tương trợ lẫn nhau, sử dụng các quỹ lương thực của hợp tác xã, của xã để giúp dân có lương ăn. Nơi nào thật cần thiết thì có thể sử dụng lực lượng của Nhà nước tại chỗ để cứu tế ngay cho nhân dân, tuyệt đối không được để xảy ra chết đói. Nơi nào đồng bào bị mất hết áo quần, thì tạm cấp vải hoặc áo quần may sẵn. Đồng thời phải có kế hoạch phòng bệnh, chữa bệnh, nơi nào có bệnh, phải kịp thời chữa chạy, không được để xảy ra nạn dịch. Đối với trâu, bò, lợn phải cố gắng bảo vệ và duy trì, nếu nơi nào không có thức ăn, phải giúp đỡ thức ăn trong phạm vi cần thiết.
Uỷ ban hành chính các xã phải có tinh thần trách nhiệm cao, tích cực và kịp thời giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, theo phương hướng chung nói trên. Nơi nào cần có sự giúp đỡ của Nhà nước, thì báo cáo lên Uỷ ban hành chính huyện và huyện phải kịp thời giải quyết cho xã.
2. Khi tình hình đã tạm ổn định, phải khẩn trương tiếp tục giải quyết các khó khăn cho đồng bào để sớm ổn định đời sống và đẩy mạnh sản xuất theo hướng sau đây:
a) Về lương thực và công cụ sản xuất. Việc giải quyết lương thực sau lũ lụt cho các vùng bị thiếu ăn, không những để nhanh chóng giúp đồng bào khắc phục nạn thiếu đói, mà còn tạo điều kiện để đồng bào yên tâm sản xuất, không vì lo chạy bữa ăn mà gây ra tình trạng lộn xộn về quản lý lao động và làm hỗn loạn giá cả, thị trường.
Vì vậy, sau khi đã vận động nhân dân cho nhau vay mượn và sử dụng các loại quỹ của hợp tác xã cho xã viên vay, hoặc vận động hợp tác xã này cho hợp tác xã khác vay mượn mà vẫn chưa giải quyết được lương ăn cho xã viên trong thời gian vài tháng, thì chính quyền địa phương phải xét và đề nghị Nhà nước cho hợp tác xã vay để hợp tác xã cho xã viên vay ăn trong 2 tháng, với mức bình quân mỗi tháng 13kg lương thực (quy thóc) cho một nhân khẩu. Việc này do Uỷ ban hành chính xã đề nghị, huyện xét giải quyết, sau đó báo cáo lên tỉnh.
Đàn gia súc sau lũ lụt cũng ở tình trạng thiếu thức ăn và bệnh tật đe doạ. Vì vậy, cần phải tích cực bảo vệ và duy trì đàn gia súc. Nơi nào không có thức ăn, Nhà nước phải tạm trợ cấp để giải quyết thức ăn cho lợn, trâu, bò. Uỷ ban hành chính huyện phải chịu trách nhiệm xét duyệt kỹ vấn đề này và báo cáo Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố giải quyết.
Việc giải quyết lương thực cho đồng bào và thức ăn cho gia súc phải hết sức tận dụng các loại lương thực bị ngập lụt ẩm ướt.
Về công cụ sản xuất, Nhà nước phải tổ chức cung cấp ngay cho các hợp tác xã và gia đình xã viên, trước mắt có thể bán chịu, nơi nào xét thấy thật sự bị mất thì có thể cho không.
b) Về mặc. Sau khi đã tạm cấp, nếu xét thấy nơi nào đồng bào mất mát nhiều, cần tổ chức cho ngành nội thương đem vải hoặc áo quần may sẵn đến bán thêm cho đồng bào, theo đề nghị của địa phương.
c) Về nhà ở. Đối với nhà ở của nhân dân bị đổ nát, phải tổ chức giúp nhau sửa chữa nhà hoặc làm lại theo mức độ tạm ổn để bảo đảm sản xuất và đời sống. Phải vận động nhân dân ở những nơi không bị ngập lụt giúp đỡ vùng bị ngập lụt các loại vật liệu có sẵn ở địa phương. Nơi nào cần, Nhà nước có thể bán chịu chất lợp như giấy dầu, nilông, bao tải, vỏ thùng, v.v…
d) Về phòng bệnh, chữa bệnh. Phải hướng dẫn ngay cho nhân dân các biện pháp tăng cường vệ sinh phòng bệnh, nhất là về ăn uống sạch, ở sạch. Nơi nào phát sinh nạn dịch, phải lập tức dập tắt. Phải tổ chức ngay việc tiếp tế thuốc men, huy động lực lượng y tế đến tăng cường cho các vùng bị lũ lụt; tổ chức việc phát thuốc phòng bệnh cho các vùng này; phải sớm tu bổ, khôi phục lại các cơ sở y tế của xã, huyện bị hư hại trong lũ lụt.
đ) Về các mặt khác. Ngoài việc giải quyết các vấn đề ăn , mặc, nhà ở, phòng bệnh chữa bệnh, cần quan tâm giải quyết các nhu cầu thiết yếu khác trong đời sống như dầu đèn, nồi niêu, bát đĩa, chăn chiếu, chất đốt v.v… Đối với những người thật túng thiếu, thì có thể bán chịu.
3. Đi đôi với việc giải quyết các khó khăn trong đời sống, phải kịp thời ngăn chặn và trừng trị bọn buôn lậu, ăn cắp của công, bọn trộm cướp và bọn đầu cơ lợi dụng lúc khó khăn mà bóc lột; phải trừng trị rất nghiêm khắc bọn lưu manh, bọn phá hoại. Phải đề cao cảnh giác, tích cực ngăn chặn những luận điệu phản tuyên truyền của địch và bọn phản động.
4. Việc giải quyết khó khăn cho đồng bào bị nạn lũ lụt phải được kết hợp chặt chẽ với việc khôi phục và đẩy mạnh sản xuất. Uỷ ban Nông nghiệp trung ương sẽ có hướng dẫn cụ thể về phương hướng khôi phục sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, các địa phương phải chuẩn bị gấp giống và làm mạ, sức kéo, nông cụ, tháo nước chống úng, hàn khẩu đê bị vỡ, v.v… để các nơi bị lũ lụt tranh thủ thời gian tiếp tục cấy hoặc cấy lại lúa mùa với tốc độ nhanh nhất. Phải đẩy mạnh sản xuất rau, mầu ngắn ngày ở tất cả các nơi, để giải quyết thức ăn cho người và cho gia súc. Phải tìm mọi cách ra sức bảo vệ đàn gia súc, nhất là trâu, bò và lợn.
Trong khi thực hiện các chủ trương trên, phải chiếu cố thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có người đi chiến đấu xa, phải quan tâm chăm sóc trẻ em, cụ già, người tàn tật và phụ nữ có thai.
Giải quyết khó khăn trước cho đồng bào ở các vùng bị lũ lụt là trách nhiệm rất nghiêm túc của Đảng, của chính quyền các cấp và các hợp tác xã nông nghiệp. Phải đề cao tinh thần tự lực cánh sinh, lấy việc vận động đoàn kết tương trợ trong nhân dân để giải quyết khó khăn là chính, không được ỷ lại vào Nhà nước. Nhưng các cơ quan chính quyền các cấp phải quan tâm giải quyết kịp thời các yêu cầu cấp thiết của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho các địa phương phải chỉ đạo chặt chẽ để làm cho tốt những công việc nói trên. Mỗi cấp chính quyền phải tổ chức ngay một bộ phận chuyên trách giúp Uỷ ban hành chính chăm lo việc giải quyết các khó khăn trong đời sống của nhân dân ở các vùng bị lũ lụt, Uỷ ban hành chính tỉnh và thành phố phải thường xuyên báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về tình hình thi hành chỉ thị này.
Chỉ thị này phải được phổ biến ngay xuống cán bộ các cấp huyện, xã để thi hành.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.