THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 230-TTg | Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 1977 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ AN TOÀN ĐƯỜNG DÂY THÔNG TIN LIÊN LẠC.
Đường dây thông tin liên lạc là công cụ quan trọng phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác hàng ngày, hàng giờ của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, phục vụ cho việc thông tin của nhân dân trong nước cũng như ra ngoài nước. Gián đoạn thông tin liên lạc sẽ làm trở ngại cho việc truyền tin tức, mệnh lệnh từ trên xuống dưới và ngược lại, có khi gây nên những tổn thất nghiêm trọng.
Trong những năm qua, đường dây thông tin liên lạc đã được phát triển rộng khắp từ trung ương đến các địa phương và đã phát huy tác dụng, nhưng tình hình đường dây thông tin liên lạc chưa thật ổn định, hiện tượng đường dây bị cắt trộm, buộc chập, ném vỡ sứ còn xảy ra nhiều nơi. Bọn phá hoại, bọn lưu manh lợi dụng sơ hở của ta trong công tác quản lý và bảo vệ đường dây đã có những hành động lấy cắp, phá hoại, làm gián đoạn thông tin liên lạc; một số thiếu niên, học sinh do nghịch ngợm cũng đã ném vỡ sứ, buộc chập dây hoặc cắt đứt dây.
Sở dĩ có tình trạng trên là do các ngành, các địa phương chưa thấy hết tầm quan trọng của đường dây thông tin liên lạc, chưa chấp hành triệt để các chỉ thị, luật lệ của Đảng và Nhà nước về bảo vệ đường dây thông tin liên lạc, chưa có những biện pháp có hiệu quả nhằm ngăn chặn việc phá hoại đường dây thông tin liên lạc. Việc xử lý các vụ phá hoại, cắt trộm dây thông tin nhiều khi chưa đúng mức.
Để bảo vệ an toàn đường dây thông tin liên lạc, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho các Bộ, các ngành, Ủy ban nhân dân các cấp làm tốt các việc sau đây:
1. Ủy ban nhân dân các cấp và các ngành từ trung ương đến cơ sở đều có trách nhiệm bảo vệ tuyệt đối an toàn các tuyến đường dây thông tin liên lạc đi qua địa phương, đơn vị, cơ quan mình.
Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cấp xã, có trách nhiệm chỉ đạo các ngành chuyên môn tiến hành công tác tuyên truyền giáo dục quần chúng, làm cho mọi người dân, mọi cán bộ, công nhân viên các cơ quan hiểu rõ luật pháp Nhà nước và tầm quan trọng của việc bảo đảm đường dây thông tin trong suốt để mọi người tham gia tích cực vào công tác bảo vệ đường dây thông tin liên lạc; giao nhiệm vụ cho các đơn vị dân quân cơ sở, các đội bảo vệ thủy nông thường xuyên phối hợp với lực lượng bảo dưỡng và bảo vệ đường dây của bưu điện tuần tra canh gác bảo vệ an toàn các tuyến đường dây thông tin liên lạc.
2. Tổng cục Bưu điện có trách nhiệm kiện toàn tổ chức bảo dưỡng và bảo vệ đường dây của ngành, thường xuyên kiểm tra đôn đốc lực lượng này làm tròn trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ của các xã trong việc tuần tra canh gác bảo vệ đường dây. Tổng cục cần hướng dẫn các tổ chức bưu điện cơ sở thường xuyên phối hợp với lực lượng công an cùng cấp đề xuất với cấp ủy và chính quyền địa phương biện pháp tăng cường bảo vệ đường dây và cung cấp tình hình, tham gia điều tra, xác minh khi có sự việc xảy ra. Đồng thời, cần liên hệ với cơ quan công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân các cấp để đề nghị các cơ quan đó xử lý kịp thời và nghiêm khắc những kẻ phá hoại hoặc lấy cắp đường dây theo sắc lệnh trừng trị các tội phản cách mạng ngày 30-10-1967 và pháp lệnh trừng trị các tội phạm xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 21-10-1970.
3. Cơ quan công an các cấp có trách nhiệm giúp cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương có kế hoạch củng cố tổ chức và công tác bảo vệ đường dây thông tin, phối hợp với bưu điện đẩy mạnh phong trào bảo vệ đường dây thông tin liên lạc với phong trào bảo vệ an xã hội. Mặt khác, cần quản lý chặt chẽ các loại đối tượng chính trị, lưu manh, trộm cắp, các ổ tiêu thụ, chứa chấp trái phép các loại dây thông tin liên lạc. Đối với những vụ cắt trộm, phá hoại đường dây phải nghiên cứu, điều tra làm rõ từng vụ, tìm cho ra thủ phạm có kết luận rõ ràng để viện kiểm sát và toà án xử lý, thường xuyên tiến hành rút kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp bảo vệ đường dây thông tin liên lạc có hiệu quả hơn.
4. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan quân sự địa phương nhất là cấp xã tổ chức lực lương dân quân là công tác bảo vệ đường dây theo chỉ thị số 27-CT/TW ngày 8-3-1965 của Ban bí thư trung ương Đảng; chỉ đạo các cơ quan quân sự tỉnh và huyện có kế hoạch tuần tra bảo vệ thật tốt ở những địa bàn xung yếu có các tuyến đường dây quan trọng, hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ đường dây của xã và của bưu điện.
5. Bộ Giáo dục phối hợp với Đoàn thanh niên Công sản Hồ Chí Minh có kế hoạch hướng dẫn các trường học tiến hành giáo dục học sinh về ý thức bảo vệ đường dây thông tin liên lạc, không nghịch ngợm ném vỡ sứ, làm chập dây, cắt đứt dây, chặt cáp; động viên học sinh giúp đỡ các cơ quan Nhà nước điều tra phát hiện những kẻ phá hoại hoặc lấy cắp đường dây thông tin.
6. Bộ Nội vụ và Tổng cục Bưu điện cùng với Ủy ban nhân dân các tỉnh, do Bộ Nội vụ chỉ trì, tiến hành kiểm điểm việc bảo vệ an toàn đường dây thông tin liên lạc trong thời gian qua và tình hình thực hiện các chỉ thị và quyết định của Đảng và Nhà nước về vấn đề này, đồng thời bàn biện pháp khắc phục và định rõ trách nhiệm của mỗi bên trong công tác này.
Bảo vệ an toàn đường dây thông tin liên lạc để bảo đảm thông tin thông suốt là một công tác rất quan trọng và cấp bách, yêu cầu Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị này nhằm chấm dứt tình trạng cắt trộm, buộc chập và các hình thức phá hoại khác đối với đường dây thông tin liên lạc.
Tổng cục Bưu điện và Bộ nội vụ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này và cuối mỗi quý phải tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả công tác này lên Thủ tướng Chính phủ.
| K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ. |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.