CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 220-CT | Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 1982 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT, THU MUA VÀ QUẢN LÝ MUỐI
Sáu tháng đầu năm 1982, trong điều kiện có nhiều khó khăn, ngành muối đã sản xuất được 328 000 tấn, đạt 50,5% kế hoạch năm 1982, so với cùng kỳ năm 1981 đạt 138%.
Hiện nay nhu cầu về muối cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu rất lớn. Để đáp ứng các nhu cầu đó, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng chỉ thị các Bộ Công nghiệp thực phẩm, Lương thực, Tài chính, Nội thương, ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, các ngành có liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh có đồng muối cần làm tốt các công tác dưới đây:
1. Đẩy mạnh sản xuất muối, sản xuất thạch cao trong lưu trình sản xuất muối phơi nước, sản xuất các hóa chất từ nước ót, phải bảo đảm thực hiện kế hoạch sản xuất muối năm 1982 là 650.000 tấn, chuẩn bị tốt mọi điều kiện để thực hiện kế hoạch năm 1983 và kế hoạch năm 1984, 1985 đạt sản lượng 1 triệu tấn muối/năm.
Phương hướng cụ thể là:
- Ở các tỉnh miền Bắc phải sản xuất muối đủ nhu cầu cho sản xuất , tiêu dùng ở miền Bắc và tăng dự trữ cho Nhà nước.
- Ở các tỉnh phía Nam phải đảm bảo muối cho tiêu dùng, công nghiệp và xuất khẩu.
Trong những năm tới, việc phát triển sản xuất muối để xuất khẩu là nhu cầu cấp bách. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần xem xét phương án sản xuất muối xuất khẩu của Bộ Công nghiệp thực phẩm để cân đối tiền vốn, vật tư, ghi vào kế hoạch Nhà nước để thực hiện.
Đối với đồng muối phơi nước ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, Bộ Công nghiệp thực phẩm phải triển khai việc áp dụng kỹ thuật sản xuất muối có thu hoạch cao để tăng chất lượng muối và giảm bớt lượng thạch cao phải nhập hàng năm. Đối với các đồng muối mới, sản xuất tập trung ở miền Nam nhất thiết phải có khu vực sản xuất thạch cao, tiến tới đưa kế hoạch sản xuất thạch cao thành chỉ tiêu Nhà nước.
Đẩy mạnh sản xuất các hóa chất từ nước ót bằng phương pháp thủ công và cơ giới; trước mắt, sản xuất các hóa chất cần thiết như ma nhê, kali, sun phát cho các nhu cầu trong nước. Bộ Công nghiệp thực phẩm cần hoàn thành sớm việc xác định tiêu chuẩn Nhà nước về chất lượng sản phẩm muối, giá muối theo tiêu chuẩn chất lượng, trình Nhà nước ban hành.
2. Tăng cường quản lý sản xuất, thu mua, thực hiện tốt việc Nhà nước độc quyền kinh doanh muối.
Bộ Công nghiệp thực phầm có trách nhiệm nắm lại toàn bộ diện tích, năng suất, sản lượng và lao động làm muối; chỉ đạo các tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất; thực hiện các biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, giải quyết khó khăn về sản xuất, đời sống hiện nay. Trên cơ sở đó bố trí kế hoạch đầu tư mở rộng diện tích để thu hút lao động trong sản xuất muối, không để lao động làm muối bỏ đi khai hoang, sản xuất nông nghiệp hoặc làm các nghề khác.
Củng cố và phát triển các xí nghiệp quốc doanh sản xuất và chế biến muối; bảo đảm sản xuất, kinh doanh muối có lãi. Chỉ đạo việc sản xuất muối tinh, muối trộn I-ốt để bán cho nhân dân.
Trực tiếp chỉ đạo quản lý sản xuất thu mua ở các tỉnh có sản lượng muối hàng hóa lớn như Hà Nam Ninh, Nghệ Tĩnh, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải, Đồng Nai... để nắm hầu hết sản lượng muối cung cấp cho tiêu dùng, công nghiệp, dự trữ Nhà nước và xuất khẩu, không để phân tán như hiện nay.
Hướng dẫn các hợp tác xã sản xuất muối ở miền Bắc thực sự đi vào khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động; thực hiện khoán trên cả ba khâu:
- Khoán sản lượng theo diện tích và kế hoạch Nhà nước giao,
- Khoán chi phí sản xuất
- Khoán thời gian sử dụng và bảo quản thiết bị vật tư.
Tiến hành củng cố các hợp tác xã sản xuất muối ở miền Nam, hướng dẫn, giúp đỡ hợp tác xã trong việc quản lý, chỉ đạo sản xuất, sắp xếp lao động, phân phối ăn chia... xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa trong nghề muối.
Hướng dẫn các đơn vị sản xuất kinh doanh muối thực sự đi vào hạch toán kinh tế, khuyến khích tăng năng suất lao động, tăng sản lượng hạ giá thành.
Chỉ đạo các cơ sở của mình và giúp đỡ các địa phương quản lý tốt và thu mua hết sản lượng muối sản xuất ra, bảo đảm Nhà nước nắm độc quyền thu mua và phân phối muối, chống đầu cơ, buôn lậy muối.
3. Về phân công quản lý ngành sản xuất kinh doanh muối:
Trong khi chưa có sự cải tiến về tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh muối, Bộ Công nghiệp thực phẩm vẫn chịu trách nhiệm khâu sản xuất và khâu thu mua muối để:
- Giao cho các ngành sản xuất công nghiệp, chăn nuôi, chế biến hải sản...
- Giao cho Bộ Nội thương để bán cho nhân dân và dự trữ Nhà nước.
- Giao cho Bộ Ngoại thương để xuất khẩu. ủy ban nhân dân các tỉnh có sản xuất muối cần chỉ đạo sản xuất, giải quyết đời sống cho nhân dân làm muối và quản lý việc phân phối muối trong phạm vi địa phương như Chỉ thị số 31-TTg ngày 7-2-1981 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Về một số nguyên tắc cần được áp dụng nhằm khuyến khích và đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân làm muối:
a) Về vật tư: Căn cứ vào các định mức kinh tế kỹ thuật đã được ban hành, Nhà nước bảo đảm bán đủ các vật tư chủ yếu cho dân làm muối theo giá quy định của Nhà nước; ủy ban nhân dân địa phương (tỉnh, huyện) có trách nhiệm bán các vật tư khác phục vụ sản xuất muối theo giá quy định của địa phương.
Ủy ban Kế hoạch Nhà nước căn cứ vào kế hoạch sản xuất, cấp đủ khối lượng vật tư hàng năm theo định mức cho Bộ Công nghiệp thực phẩm để ngành muối có đủ vật tư chủ yếu bán cho dân.
b) Về lương thực: Muối do dân sản xuất ra, Nhà nước thu mua toàn bộ theo giá quy định. Bộ Công nghiệp thực phẩm căn cứ vào kế hoạch Nhà nước giao hàng năm về sản lượng muối, lập kế hoạch lương thực bán cho dân làm muối trình Nhà nước duyệt. Căn cứ vào kế hoạch lương thực này, Bộ Lương thực dành riêng quỹ lương thực để bảo đảm lương thực cho dân làm muối một cách có kế hoạch, đầy đủ, kịp thời và ổn định; gắn việc bán lương thực với việc thực hiện kế hoạch Nhà nước về sản xuất, thu mua muối.
Việc dành lương thực làm quỹ lương thực bán cho dân làm muối phải tiến hành ngay trong kế hoạch sản xuất năm 1982 này. Số lương thực còn thiếu nợ của dân đầu năm, Bộ Lương thực phải bán ngay, không để ảnh hưởng đến sản xuất.
c) Về giá muối: Ủy ban Vật giá Nhà nước cùng Bộ Công nghiệp thực phẩm, Bộ Tài chính, Bộ Nội thương tính toán lại chi phí sản xuất tăng do việc quy định lại giá bán vật tư của Nhà nước để tính lại giá mua muối cho dân; tính toán lại thặng số, chiết khấu; xác định lại giá khai hoang và giá vượt mức kế hoạch nhằm khuyến khích nhân dân bỏ vốn đầu tư khai hoang mở rộng diện tích sản xuất, thâm canh tăng năng suất để vượt mức kế hoạch Nhà nước giao.
Các việc trên phải hoàn thành và trình Nhà nước ban hành ngay trong tháng 8 này.
d) Về đời sống: Bảo đảm các chế độ về bán đường, vải bảo hộ lao động theo Chỉ thị số 184-V3 ngày 17-1-1981 của Thủ tướng Chính phủ. Ngành Thương nghiệp của các địa phương có đồng muối cần dành hàng tiêu dùng, chất đốt, chất lợp và các mặt hàng cần thiết như thuốc phòng và chữa bệnh, chăn màn, áo rét, ni lông, nón lá, đồ dùng gia đình... để bán cho dân làm muối.
- Ủy ban nhân dân tỉnh phải quan tâm giải quyết cấp đất ở, đất trồng rau, chăn nuôi và tổ chức tốt đời sống vật chất và văn hóa cho nhân dân vùng sản xuất muối.
e) Về đầu tư xây dựng đồng muối: Bộ Công nghiệp thực phẩm có trách nhiệm nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quyết định thay thế Quyết định số 144-TTg ngày 17-5-1972 của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với tình hình mới và theo đúng phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung ương và địa phương cùng làm.
5. Những việc phải giải quyết trong năm 1982:
- Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung chính sách thuế muối, quy định cụ thể tỷ lệ trích nộp cho ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) để ban hành.
- Ngân hàng Nhà nước trả hết số tiền mua muối năm 1981 còn nợ của hợp tác xã, có kế hoạch giải quyết kịp thời về tiền mặt để trả tiền mua muối cho dân, không để tình trạng nợ kéo dài như hiện nay.
- Bộ Nội thương, Bộ Giao thông vận tải phối hợp vận chuyển ngay số muối ứ đọng ở đồng muối hiện nay để cung cấp cho trung du, miền núi và dự trữ quốc gia, không được để ứ đọng có thể bị mưa, bão làm hao hụt.
- Bộ Lao động cùng Bộ Công nghiệp thực phẩm nghiên cứu xếp lao động sản xuất muối trong khu vực Nhà nước bao gồm sản xuất, chế biến muối, sản xuất thạch cao, hóa chất... vào ngành công nghiệp hóa chất để người lao động ngành muối được hưởng các chế độ chung của Nhà nước đối với ngành nghề này.
- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần cân đối và cấp thêm vật tư bổ sung cho tu sửa, cho phòng chống bão lụt và cho gối vụ sản xuất năm 1983 để ngành muối thực hiện tốt kế hoạch sản xuất năm 1982 và chuẩn bị cho kế hoạch năm 1983.
Căn cứ Chỉ thị này, các Bộ Công nghiệp thực phẩm, Lương thực, Nội thương, Tài chính, ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Vật giá Nhà nước và các ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình hướng dẫn cụ thể thực hiện và báo cáo kết quả lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
| Đỗ Mười (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.