BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 21-CT/TW | Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2018 |
CHỈ THỊ
CỦA BAN BÍ THƯ
VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHỤ NỮ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X, công tác phụ nữ đã được các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm triển khai và đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới có chuyển biến tích cực. Hệ thống luật pháp, chính sách đối với phụ nữ và bình đẳng giới từng bước được hoàn thiện, có nhiều tiến bộ. Phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện có hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện còn hạn chế, thiếu các chính sách hỗ trợ cho nhóm phụ nữ đặc thù; giáo dục gia đình chưa được quan tâm đúng mức; nhiều chỉ tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác cán bộ nữ chưa đạt; vẫn còn định kiến giới. Tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ chậm đổi mới; vẫn còn tình trạng "hành chính hoá" hoạt động, "công chức hoá" cán bộ.
Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do nhận thức, trách nhiệm của một số cấp uỷ, chính quyền, nhất là của người đứng đầu còn chưa đầy đủ; còn thiếu văn bản chỉ đạo và biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; vai trò tham mưu của Hội Liên hiệp Phụ nữ một số nơi còn hạn chế; Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở một số bộ, ngành, địa phương hoạt động chưa hiệu quả...
Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, để tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1- Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X. Tuyên truyền sâu rộng trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn của phụ nữ, về công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
2- Hoàn thiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện. Nghiên cứu sửa đổi Luật Bình đẳng giới, các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách liên quan tới phụ nữ, bình đẳng giới, gia đình và trẻ em.
Xây dựng và thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư, chuyển đổi nghề. Khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thành lập hợp tác xã, tổ liên kết do phụ nữ làm chủ. Tạo điều kiện để phụ nữ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học, tiếp cận với khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước.
Đổi mới, kiện toàn bộ máy thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới, gia đình và trẻ em, bảo đảm liên thông, tinh gọn, hiệu quả. Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, giữa các cơ quan quản lý nhà nước với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
3- Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, khát vọng của đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, nữ trí thức, nữ cán bộ khoa học, nữ doanh nhân...
Đẩy mạnh việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ; quan tâm vấn đề dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Xây dựng chương trình giáo dục quốc gia về gia đình, chú trọng giáo dục sớm, giáo dục tiền hôn nhân. Phát triển hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, xử lý nghiêm minh các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái.
4- Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác cán bộ nữ; quan tâm tạo nguồn cán bộ nữ trẻ, nữ dân tộc thiểu số. Hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển đối với một số nhóm phụ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phù hợp trong từng giai đoạn. Nghiên cứu tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm lao động nữ phù hợp với pháp luật về lao động và quá trình phát triển của đất nước.
5- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, toàn diện của cấp uỷ đối với tổ chức và hoạt động của hội. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm bảo đảm cho các cấp hội tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giám sát, phản biện xã hội; đảm nhiệm một số nhiệm vụ trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Định kỳ hằng năm, cấp uỷ chủ trì làm việc với hội liên hiệp phụ nữ cùng cấp và tổ chức đối thoại trực tiếp với phụ nữ để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc và những vấn đề đặt ra trong công tác phụ nữ và tổ chức hội ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ; tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, chuyên nghiệp, đa dạng hoá hình thức tập hợp, hướng về cơ sở, gắn với các vấn đề thiết thân của phụ nữ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ hội có đủ phẩm chất, năng lực, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, giỏi vận động phụ nữ; tích cực tạo nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị.
6- Tổ chức thực hiện
- Cấp uỷ, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp quán triệt sâu sắc và triển khai các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị này.
- Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em; chú ý lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng hệ thống pháp luật; tăng cường giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về phụ nữ và bình đẳng giới.
- Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
- Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham mưu đề xuất việc bổ sung, hoàn thiện quy định về công tác cán bộ nữ tuân thủ đúng các quy định của Đảng và Nhà nước.
- Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới; tuyên truyền việc triển khai thực hiện Chỉ thị; kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo.
- Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các ban đảng ở Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng giúp Ban Bí thư theo dõi việc thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.
Nơi nhận: | T/M BAN BÍ THƯ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.