ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/CT-UBND | Hải Phòng, ngày 09 tháng 09 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC CÓ HIỆU QUẢ CÁC GIẢI PHÁP, CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ MỘT SỐ MẶT HÀNG THIẾT YẾU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Trong năm 2019, Quốc hội đã đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm khoảng 4%. Trên cơ sở đánh giá các yếu tố có thể tác động lên mặt bằng giá năm 2019 và căn cứ các kịch bản điều hành giá đã thống nhất, Chính phủ quyết tâm điều hành giá với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, trong khoảng từ 3,3% đến 3,9%, kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6%-1,8%.
Ngày 03/7/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá để đánh giá kết quả công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm 2019 và đã có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 226/TB-VPCP ngày 04/7/2019 của Văn phòng Chính phủ: Từ nay đến cuối năm 2019, Ban Chỉ đạo điều hành giá quyết tâm thực hiện điều hành điều hành giá theo đúng mục tiêu đã đề ra từ đầu năm “kiểm soát lạm phát bình quân trong mức từ 3,3 - 3,9%, kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%”.
Để thực hiện triển khai quyết liệt và hiệu quả theo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 226/TB-VPCP ngày 04/7/2019; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ sau:
1. Chủ động theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, chủ động rà soát, cân đối cung cầu để bình ổn thị trường; đặc biệt trong dịp lễ, Tết, đảm bảo lượng cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều người dân lao động.
Phân tích, tính toán, đề xuất các kịch bản điều hành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý, đảm bảo việc điều chỉnh giá với liều lượng, thời điểm hợp lý tương ứng với các kỳ điều hành, tránh điều chỉnh tập trung vào một thời điểm trong năm; công khai, minh bạch các chính sách điều hành giá và công tác thu, chi giá hàng hóa.
2. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chỉ đạo điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu; cụ thể:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân các quận, huyện theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng nông sản, thực phẩm; cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu đặc biệt là lúa gạo, thịt gia cầm, gia súc, thủy hải sản, nước mắm,... nhằm bình ổn thị trường nhất là trong các thời điểm lễ, Tết. Riêng đối với các mặt hàng thịt lợn có hướng dẫn chỉ đạo ngành chăn nuôi tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, chỉ đạo tái đàn gắn với chọn lọc con giống chất lượng cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; chú trọng công tác truyền thông về nguồn cung, giá cả để hạn chế yếu tố tăng giá do tâm lý hoặc yếu tố đầu cơ.
- Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và Ủy ban nhân dân các quận, huyện chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, giám sát các hoạt động của thương lái, kết nối các doanh nghiệp chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn với đơn vị phân phối lớn thịt lợn để giảm chi phí lưu thông và khâu phân phối bán lẻ.
- Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát các văn bản quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo đúng quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16/10/2018 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ và các quy định hiện hành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn và xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm của cơ quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng lạm thu.
- Sở Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và thuốc chữa bệnh cho người tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố theo quy định.
- Chú trọng rà soát các yếu tố chi phí, đánh giá kỹ tác động lên mặt bằng giá tại địa bàn thành phố, tránh điều chỉnh tăng giá khi chưa có đủ điều kiện phù hợp đối với các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố. Đẩy mạnh kiểm soát việc thực hiện công tác niêm yết giá, kê khai giá và kiểm tra xử lý vi phạm phạm luật về giá tại địa bàn; gồm:
+ Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý: Bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố theo quy định của Luật Đất đai; giá sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công và hàng hóa, dịch vụ được đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, kinh doanh sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường; giá dịch vụ đo đạc, lập bản đồ địa chính.
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý: Giá rừng (bao gồm rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu; giá cho thuê tài sản Nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng thủy lợi đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; giá sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công và hàng hóa, dịch vụ được đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, kinh doanh sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp; giá nước sạch sinh hoạt nông thôn; giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; giá dịch vụ sử dụng cảng cá được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý.
+ Sở Xây dựng quản lý: Giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công vụ được đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước; giá bán hoặc giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật về nhà ở; giá sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công và hàng hóa, dịch vụ được đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, kinh doanh sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực xây dựng, đô thị; giá nước sạch sinh hoạt đô thị; giá dịch vụ mai táng; giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
+ Sở Giao thông vận tải quản lý: Giá cho thuê tài sản Nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; giá sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công và hàng hóa, dịch vụ được đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, kinh doanh sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; giá cước vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá; giá dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; giá dịch vụ sử dụng đường bộ do địa phương quản lý các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh; dịch vụ sử dụng đò, phà được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, do địa phương quản lý; dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; giá dịch vụ sử dụng đò, phà được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, do địa phương quản lý; dịch vụ sử dụng cảng, nhà ga (bao gồm dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container, dịch vụ lai dắt thuộc khu vực cảng biển) do địa phương quản lý; dịch vụ sử dụng cảng, nhà ga (bao gồm cảng, bến thủy nội địa (trừ cảng cá)) được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, do địa phương quản lý.
+ Sở Công Thương quản lý: Mức trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa thuộc danh mục được trợ giá, trợ cước vận chuyển chi từ ngân sách nhà nước; mức giá bán lẻ hàng hóa được trợ giá, trợ cước vận chuyển; giá cước vận chuyển cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc danh mục được trợ giá phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
+ Sở Tài chính quản lý: Giá nhà để tính lệ phí trước bạ; giá tính thuế tài nguyên.
+ Sở Thông tin và Truyền thông quản lý: Giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động sử dụng chung trên địa bàn thành phố.
- Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ban Điều hành giá về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu của Chính phủ đề ra, quyết tâm điều hành giá với mục tiêu “kiểm soát lạm phát bình quân trong mức từ 3,3 - 3,9%, kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%”.
Yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị và Ủy ban nhân dân các quận, huyện nghiêm túc thực hiện./.
| CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.