THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 192-TTg | Hà Nội, ngày 03 tháng 07 năm 1972 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC BỔ SUNG MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN LÁI XE Ô TÔ VẬN TẢI TRONG THỜI CHIẾN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải trong tình hình hiện nay, nhất là vận tải ô tô đang hoạt động trên các tuyến đường ra tiền tuyến bị địch đánh phá ác liệt, có tầm quan trọng đặc biệt. Nhiệm vụ đó đòi hỏi mỗi công nhân, viên chức ngành giao thông vận tải phải nêu cao tinh thần phấn đấu dũng cảm như chiến sĩ ngoài mặt trận để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu và sản xuất trong tình hình mới.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, một mặt các ngành, các cấp phải làm tốt công tác tổ chức và tăng cường công tác giáo dục tư tưởng cho cán bộ, công nhân, viên chức, mặt khác phải hết sức chăm lo tổ chức đời sống để tạo mọi điều kiện thuân lợi giúp cho công nhân, viên chức ngành giao thông vận tải hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, sau khi trao đổi với các ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung một số chế độ sau đây áp dụng cho công nhân lái xe ô tô vận tải và những cán bộ, công nhân viên làm nhiệm vụ thường xuyên trên xe đang hoạt động trên các tuyến đường vận tải ô tô từ Thanh hóa trở vào.
1. Về trang bị.
a) Trang bị cho mỗi người lao động gồm công nhân lái xe và phụ lái xe, cán bộ, công nhân thường xuyên đi theo xe (đội trưởng, đội phó, cán bộ kỹ thuật, công nhân sửa chữa):
- 1 Bộ quần áo vải, thời hạn sử dụng đối với công nhân lái xe, phụ lái xe và thợ sửa chữa xe là 9 tháng, đối với cán bộ thường xuyên đi theo xe là 18 tháng;
- 1 đôi giầy vải, thời hạn sử dụng: 18 tháng;
- 1 mũ vải (có lưỡi trai), thời hạn sử dụng: 18 tháng;
- 1 võng bạt, thời hạn sử dụng: 4 năm;
- 1 bao đựng gạo, thời hạn sử dụng: 1 năm;
- 3 mét ni lông che mưa, thời hạn sử dụng: 2 năm;
- 1 mũ sắt;
- 1 bi đông đựng nước;
b) Trang bị cho mỗi xe ô tô:
- 2 xoong nhôm cỡ 18-24, nếu thiếu xoong thì thay thế bằng cặp lồng nhôm,
- 1 xẻng quân dụng;
- 1 cuốc chim;
- 1 dao rựa;
- 1 đèn pin (dùng 1 tháng);
- 1 túi thuốc cấp cứu phòng không;
- 1 túi đựng phiếu vận chuyển.
Những vật dụng nói trên được cấp phát rồi, nếu bị địch đánh hỏng, cháy hoặc mất, có sự xác nhận của thủ trưởng đơn vị thì được cấp phát lại cái khác.
2. Về tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm
a) Lương thực:
- Lái xe và phụ lái xe, thợ sửa chữa lưu động thường xuyên đi theo xe hưởng tiêu chuẩn mỗi tháng 21 kilôgam lương thực.
- Cán bộ thường xuyên đi theo xe hưởng tiêu chuẩn mỗi tháng 18 kilôgam lương thực.
Hàng tháng mỗi người được mua 2 kilôgam lương khô dự trữ, tính trong phạm vi tiêu chuẩn lương thực nói trên.
Các định lượng nói trên chưa tính phần lương thực theo chế độ bồi dưỡng hiện vật ca đêm.
b) Thực phẩm:
- Lái xe và phụ lái xe được cung cấp thêm thực phẩm cho bằng 1kg200 thịt và 0kg500 đường mỗi tháng, chưa kể tiêu chuẩn bồi dưỡng thêm theo quy định của Bộ Nội thương tại công văn số 212-NT/KD ngày 05/05/1972.
- Đối với thợ sửa chữa lưu động và cán bộ thường xuyên đi theo xe, ngoài tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm hiện đang được hưởng, cũng được bồi dưỡng thêm theo quy định của Bộ Nội thương tại công văn số 212-NT/KD ngày 05/05/1972.
3. Về phụ cấp đi đường.
Mức phụ cấp đi đường của lái xe ô tô vận tải trước đây quy định 0đ80 nay được nâng lên 1đ20 cho mỗi ngày hoạt động vận tải trên đường. Khoản phụ cấp này áp dụng cho cả công nhân sửa chữa, cán bộ thường xuyên đi theo xe. Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải sẽ hướng dẫn cụ thể việc thi hành khoản phụ cấp này.
4. Trách nhiệm của các ngành.
- Bộ Lương thực và thực phẩm, Bộ Nội thương cần chuẩn bị lực lượng hàng hóa, tăng cường tổ chức mạng lưới phân phối và chỉ đạo các cơ quan thương nghiệp của địa phương nhằm bảo đảm cung cấp theo các chỉ tiêu chuẩn bị định lượng và chế độ bồi dưỡng đối với lái xe ô tô và công nhân viên chức ngành vận tải ô-tô theo những quy định tại chỉ thị này.
- Bộ Giao thông vận tải phải cải tiến và tăng cường tổ chức vận tải ở trên các tuyến, hết sức chăm lo công tác tổ chức đời sống để thực hiện các chế độ đã quy định đối với công nhân, viên chức ngành vận tải ô tô.
Các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính, Lương thực và thực phẩm, Nội thương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn việc thi hành chỉ thị này để vừa bảo đảm đời sống cho công nhân, viên chức, vừa bảo đảm quản lý một cách chặt chẽ.
5. Phạm vi và đối tưọng thi hành.
Chỉ thị này được áp dụng thống nhất đối với công nhân lái xe, phụ lái xe vận tải ô tô, thợ sửa chữa và cán bộ thường xuyên đi theo xe (đội trưởng và đội phó, cán bộ kỹ thuật) thuộc ngành vận tải ô tô của Trung ương và địa phương đang hoạt động trên các tuyến đường ô tô từ Thanh Hóa trở vào và vận chuyển hàng theo kế hoạch của Ban Điều hòa vận tải các cấp.
Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 1972.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.