BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 19-CT/TW | Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC DẠY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn bước đầu đã có chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả. Chính sách mới về dạy nghề cho lao động nông thôn được ban hành tương đối đồng bộ, phù hợp với điều kiện của đất nước. Đã xây dựng thành công một số mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn làm cơ sở để triển khai nhân rộng; số lao động nông thôn được học nghề ngày càng tăng. Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, được xuất khẩu lao động hoặc chuyển nghề. Qua đó, đã góp phần hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ có hiệu quả, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Việc triển khai công tác này còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế; thiếu định hướng dài hạn, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới, nhất là quy hoạch sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thị trường. Một số nơi, dạy nghề còn chạy theo số lượng; chất lượng thấp, chưa phù hợp với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động. Tư vấn, hướng nghiệp học nghề với điều kiện, khả năng của mình và nhu cầu của xã hội. Mạng lưới cơ sở dạy nghề còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về dạy nghề thiếu về số lượng và yếu về nghiệp vụ. Công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến về dạy nghề cho lao động nông thôn chưa sát thực tế, chưa phong phú về hình thức.
Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên chủ yếu là do: nhận thức của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền về vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đầy đủ. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương không xác định chỉ tiêu, giải pháp cụ thể cho công tác này; chưa quan tâm đầu tư đúng mức; thiếu chính sách cụ thể để huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan trong tổ chức thực hiện chưa chặt chẽ.
Đào tạo nghề, dạy nghề cho lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng có vai trò quan trọng việc phát huy nguồn lực phục vụ sự nghiệp dạy nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và xây dựng nông thôn mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:
1. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của công tác dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm.
2. Chiến lược, kế hoạch, quy hoạch dạy nghề lao động nông thôn phải xuất phát từ nhu cầu của người học, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và của xã hội; phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sản xuất và quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tiếp tục đổi mới hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng hệ thống trường dạy nghề theo hướng hiện đại, chuẩn hóa. Tập trung dạy nghề cho thanh niên nông thôn đáp ứng yêu cầu lao động của các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyển nghề; dạy nghề cho bộ phận nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Chú trọng dạy nghề cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách và lao động ở vùng đô thị hóa. Nội dung dạy nghề chủ yếu là dạy thực hành và được thực hiện tại nơi sản xuất. Thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương và phù hợp với điều kiện của người học nghề. Không tổ chức dạy nghề khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề.
3. Ban cán sự đảng Chính phủ, ban cán sự đảng của bộ, ngành Trung ương có liên quan phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thành công đột phát chiến lược về phát triển nhanh nguồn lực của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020. Sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách và đảm bảo nguồn lực để triển khai thực hiện; thường xuyên kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo tình hình thực hiện.
4. Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác dạy nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ chính trị của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp. các Tỉnh ủy, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường chỉ đạo cấp cơ sở trong việc xây dựng và thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch 5 năm và hằng năm về dạy nghề cho lao động nông thôn, có các chỉ tiêu cụ thể về số lượng, chất lượng, cơ cấu lao động để tổ chức triển khai, theo dõi, đánh giá. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề; phấn đấu lao động sau học nghề có việc làm mứi hoặc tiếp tục làm nghề cũ có hiệu quả cao hơn đạt ít nhất 70% trong giai đoạn 2011 – 2015, 80% trong giai đoạn 2016 – 2020. Chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương phối hộ chặt chẽ, tăng cường các điều kiện bảo đảm và quản lý chất lượng dạy nghề. Huy động các tổ chức chính trị - xã hội, khuyến khích các đoàn thể nhân dân, doanh nghiệp và người dân có đủ điều kiện tích cực tham gia vào công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về dạy nghề. Xây dựng và nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác dạy nghề.
5. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức thành viên chủ động tham gia thực hiện chương trình dạy nghề cho lao đông nông thôn với các hình thức phù hợp; tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước phổ biến, tuyên truyền, tư vấn dạy nghề cho các đoàn viên, hội viên, cộng tác viên; biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Thường xuyên giám sát việc thực hiện và kịp thời tập hợp ý kiến của nhân dân về công tác này để phản ánh, kiến nghị với các tổ chức đảng và cơ quan nhà nước đề ra biện pháp chỉ đạo phù hợp.
6. Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng và Ban cán sự đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, theo dõi, kiểm tra và định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo Ban Bí thư tình hình thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này phổ biến và quán triệt đến chi bộ và đảng viên để thực hiện.
| T/M BAN BÍ THƯ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.