ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/CT-UB-KT | TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 5 năm 1996 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP HUY ĐỘNG VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG
Trong những năm qua, nhất là sau khi có Nghị quyết 08/NQ-TU ngày 28/11/1992 của Thành ủy về xây dựng cơ sở hạ tầng, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch đô thị, thiết lập trật tự kỷ cương trong quản lý xây dựng, đề ra một số giải pháp huy động vốn từ nhiều nguồn như : tiết kiệm chi thường xuyên để tăng thêm nguồn ngân sách cho đầu tư phát triển ; phụ thu tiền điện ; phát hành trái phiếu công trình ; liên doanh và đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài v.v… Nhiều quận, huyện đã chủ động sáng tạo, huy động các nguồn lực để xây dựng nhà ở, sửa chữa vĩa hè, đường hẻm, thủy lợi nội đồng, nâng cấp công trình phúc lợi… Bằng nhiều phương thức, bình quân mỗi năm huy động được khoảng trên 1.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư và xấp xỉ khoảng 4,5% GDP. Với những kết quả rất quan trọng đó, đã góp phần hạn chế sự xuống cấp và có bước phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, còn rất thấp so với nhu cầu đang đòi hỏi cấp bách và năng lực đóng góp, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng của các thành phần kinh tế và các tầng lớp dân cư.
Để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến năm 2000, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 15% trở lên, xử lý hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với văn minh đô thị và bảo vệ môi trường, bình quân mỗi năm thành phố cần phải đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD cho đầu tư phát triển, trong đó ít nhất dành khoảng 500 triệu USD cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện những việc sau:
I.- PHƯƠNG HƯỚNG CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH TẠO VỐN XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG :
1/ Tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, dành vốn ngân sách hàng năm chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
- Kế hoạch hàng năm phải dành tối thiểu 30% tổng chi ngân sách thành phố cho xây dựng cơ sở hạ tầng;
- Các quận, huyện, sở, ngành hàng năm phải đăng ký tiết kiệm chi thường xuyên ít nhất là 5%. Tiền tiết kiệm được để lại đầu tư cơ sở hạ tầng ngay tại địa bàn quận, huyện và tại sở, ngành.
2/ Lập dự án tiền khả thi những công trình hạ tầng thiết yếu có qui mô lớn, kết cấu phức tạp, có khả năng khai thác và hoàn vốn để thu hút đầu tư cả vốn trong nước và vốn nước ngoài dưới hình thức B.O.T, B.O.O và vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài F.D.I.
3/ Đối với các công trình khó thu hồi vốn như cải tạo kênh rạch, xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm môi trường… cần lập dự án để đăng ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) theo chương trình viện trợ O.D.A hoặc vay các tổ chức quốc tế với lãi suất chấp nhận được.
4/ Sử dụng tiền cho thuê đất của các doanh nghiệp để đầu tư hạ tầng theo dự án.
5/ Xổ số kiến thiết xây dựng công trình công cộng (trường học, bệnh viện).
6/ Phụ thu, phí, lệ phí trong các lĩnh vực điện, cấp và thoát nước, vệ sinh đô thị, xây dựng, địa chính, nhà đất v.v…
7/ Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong các lĩnh vực xây dựng và sửa chữa vỉa hè, đường hẻm, đường nhỏ nội thành, đường làng nông thôn, thủy lợi nhỏ theo phương thức Nhà nước đầu tư 30-50% ngân sách, phần còn lại do nhân dân đóng góp để làm theo từng dự án.
8/ Huy động vốn đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh rồi cho thuê đất theo Nghị định 192/CP ngày 28/12/1994 của Chính phủ, để phát triển doanh nghiệp ở khu công nghiệp và nhà các loại ở khu đô thị mới.
II.- TỔ CHỨC THỰC HIỆN :
1/ Các sở, ngành, quận, huyện theo phân công, phân cấp khẩn trương xây dựng ngay từng dự án đầu tư (bao gồm phương án kỹ thuật và phương án tạo vốn), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện, Ủy ban Kế hoạch thành phố, Ủy ban Hợp tác đầu tư thành phố, Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn và đôn đốc thực hiện theo quy định hiện hành ;
2/ Ủy ban Kế hoạch thành phố chủ trì phối hợp với Ủy ban Hợp tác đầu tư, Kiến trúc sư trưởng, Sở Xây dựng, Sở Giao thông công chánh, Sở Tài chánh và các ngành liên quan lập từng dự án đầu tư bằng nguồn vốn nước ngoài (FDI, ODA), các tổ chức tài chánh quốc tế,… để xây dựng hạ tầng; giúp Ủy ban nhân dân thành phố phân bổ ngân sách hàng năm trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng ;
3/ Sở Tài chánh chủ trì phối hợp với Ủy ban Kế hoạch thành phố, Sở Giáo dục, Sở Y tế và các quận, huyện lập đề án phát hành xổ số kiến thiết xây dựng trường học, bệnh viện ; phối hợp với Cục Thuế, Sở Xây dựng, Sở Giao thông công chánh, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kế hoạch và các ngành có liên quan soạn thảo văn bản về thu phí, lệ phí, phụ thu trên các lĩnh vực như giao thông, xây dựng, đầu tư, nhà ở, vệ sinh công cộng… xây dựng chính sách tiết kiệm để thông qua Hội đồng nhân dân thành phố và Chính phủ để thực hiện ;
4/ Viện Kinh tế chủ trì phối hợp với Ủy ban kế hoạch, Sở Tài chính hoàn thiện đề án thành lập Quỹ đầu tư phát triển đô thị và quy chế hoạt động để trình Bộ Tài chánh và các ngành liên quan ở Trung ương cho thực hiện ;
Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác đầu tư kiểm tra đôn đốc thực hiện chỉ thị này và hàng tháng phảo báo cáo tiến độ thực hiện cho Ủy ban nhân dân thành phố.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.