THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2003/CT-TTg | Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 2003 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THỰC HIỆN QUYỀN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP
Thực hiện quyền tự chủ tài chính là điều kiện quan trọng và cần thiết để đơn vị sự nghiệp phát huy các nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động sự nghiệp phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần nâng cao đời sống cán bộ, viên chức và người lao động trong các đơn vị sự nghiệp.
Trong thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện việc giao quyền tự chủ tài chính cho một số đơn vị sự nghiệp có thu theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 về chế độ tài chính áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp có thu đã tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động sự nghiệp (dịch vụ công) đồng thời vẫn bảo đảm thực hiện tốt chính sách đối với các đối tượng chính sách xã hội và người nghèo. Tuy nhiên, tiến độ triển khai thực hiện còn chậm, số đơn vị sự nghiệp có thu áp dụng chế độ tài chính theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP nói trên chưa nhiều. Nguyên nhân là một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quán triệt nội dung Nghị định này để chủ động chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đến từng đơn vị sự nghiệp có thu.
Để đẩy mạnh công tác thực hiện quyền tự chủ tài chính, đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, sử dụng biên chế và trả lương đối với cán bộ, viên chức trong đơn vị, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Các Bộ, ngành, địa phương phải coi việc thực hiện quyền tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tự chủ về tài chính, về sử dụng biên chế và trả lương cho các đơn vị sự nghiệp là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2003 và năm 2004.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng tạo điều kiện và tăng cường tính tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, coi đây là tiền đề cần thiết để đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý tài chính, quản lý biên chế, tiền lương và thu nhập trong các đơn vị sự nghiệp. Tập trung vào sửa đổi, bổ sung chế độ về quản lý biên chế; vay tín dụng; chế độ thu, phân phối và sử dụng các khoản thu, các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền, đặc biệt là học phí, viện phí để tạo nguồn thực hiện chế độ tiền lương theo quy định tại Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần làm ngay các công việc sau:
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 trong cơ quan, đơn vị và địa phương để thủ trưởng và cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị sự nghiệp hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới; tổ chức thực hiện và định kỳ hàng năm gửi báo cáo thực hiện cho Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch và lộ trình hoàn thành việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu, đồng thời, xác định rõ mức độ tự bảo đảm nguồn thực hiện cải cách tiền lương đối với từng đơn vị sự nghiệp có thu.
c) Ban hành văn bản hướng dẫn, quản lý thuộc thẩm quyền để tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp thực hiện đổi mới cơ chế quản lý về sử dụng lao động, trả lương và tự chủ kinh phí hoạt động theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002.
d) Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hướng dẫn cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có nguồn thu thấp hoặc không có thu ngoài kinh phí ngân sách nhà nước cấp, theo hướng nhà nước giao ổn định kinh phí hoạt động thường xuyên từ ngân sách nhà nước trong định kỳ 3 năm, khuyến khích các đơn vị phấn đấu tăng thu, sử dụng kinh phí tiết kiệm để tăng thu nhập cho người lao động, trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ được giao và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động sự nghiệp (dịch vụ công).
4. Bộ trưởng các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa - Thông tin, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao, ngoài việc thực hiện các nội dung nêu trên, phải tiến hành các công việc sau:
a) Hướng dẫn triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phân loại, giao quyền tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý từ Trung ương đến cơ sở.
b) Xây dựng kế hoạch và các giải pháp thực hiện để tăng dần số lượng đơn vị có khả năng bảo đảm kinh phí hoạt động (trong đó có tiền lương).
c) Xây dựng đề án tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 đối với tất cả các đơn vị sự nghiệp (có thu và không có thu) thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ thẩm định trước khi triển khai thực hiện.
Riêng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách để người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng thuộc diện chính sách xã hội được hưởng các dịch vụ miễn phí do Nhà nước đài thọ khi các đơn vị sự nghiệp thực hiện chế độ tiền lương theo quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002.
5. Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, hàng năm đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp, những kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
6. Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện đổi mới cơ chế quản lý biên chế và trả lương gắn với việc thực hiện quyền tự chủ tài chính; thẩm định đề án tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp của các Bộ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
| Nguyễn Tấn Dũng (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.