ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/CT-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 8 năm 2020 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 94/2019/QH14 CỦA QUỐC HỘI VỀ KHOANH NỢ TIỀN THUẾ, XÓA NỢ TIỀN PHẠT CHẬM NỘP, TIỀN CHẬM NỘP ĐỐI VỚI NGƯỜI NỘP THUẾ KHÔNG CÒN KHẢ NĂNG NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Thời gian qua, công tác quản lý thu của ngành Thuế đã đạt được những kết quả tích cực, công cuộc cải cách và hiện đại hóa đạt kết quả khả quan. Ngành Thuế đã từng bước thực hiện tốt công tác quản lý nợ thuế, tình hình nợ đọng đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước xử lý dứt điểm được các khoản nợ cũ, hạn chế phát sinh nợ mới, tăng cường hiệu quả trong chỉ đạo điều hành công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh nói chung, công tác quản lý nợ thuế nói riêng, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội của tỉnh nhà trong những năm qua.
Ngày 26 tháng 11 năm 2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là Nghị quyết). Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Nghị quyết của Quốc hội là văn bản quy định pháp luật, cơ sở pháp lý quan trọng cho thực hiện xử lý nợ không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, trong đó có quy định về nguyên tắc, đối tượng được xử lý, các biện pháp xử lý, thẩm quyền xử lý nợ và vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xử lý nợ.
Đây là Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xử lý nợ đọng không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, việc triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ thuế của Quốc hội là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế trong năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, việc xử lý xóa nợ phải đảm bảo chặt chẽ; căn cứ vào từng đối tượng, đáp ứng các điều kiện xử lý cụ thể về hồ sơ, thủ tục và liên quan đến nhiều đối tượng nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản, không còn sản xuất kinh doanh, không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; đặt ra yêu cầu trong công tác tổ chức triển khai thực hiện cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo, tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, chính quyền các cấp ở địa phương.
Để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả và thống nhất trong tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Cục Thuế tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các báo, đài tại địa phương để tuyên truyền, phổ biến kịp thời những nội dung Nghị quyết của Quốc hội, Thông tư số 69/2020/TT-BTC ngày 15/7/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 để các cơ quan, doanh nghiệp và mọi người dân hiểu, thực hiện và giám sát việc thực hiện;
- Rà soát, phân loại nợ theo từng địa bàn, theo từng đối tượng được xử lý nợ đảm bảo chính xác và lập văn bản xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đã đăng ký giữa cơ quan quản lý thuế với UBND cấp xã về việc người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc để trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý nợ;
- Tổ chức tập huấn, đào tạo các nội dung của Nghị quyết xử lý nợ và các văn bản hướng dẫn; hồ sơ, thủ tục hành chính, quy trình xử lý cho cán bộ thuế để triển khai nghiêm túc, đảm bảo thực hiện có kết quả Nghị quyết xử lý nợ của Quốc hội. Công khai các quy trình, thủ tục về xử lý nợ để người nộp thuế thuận tiện trong việc nghiên cứu, triển khai thực hiện và giám sát công chức thuế thực hiện; triển khai đồng bộ các nghiệp vụ quản lý thuế trên môi trường mạng;
- Tổ chức bộ phận lập thủ tục, hồ sơ xử lý nợ; thường xuyên rà soát, nắm bắt các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị cũng như trong thời gian đầu thực hiện Nghị quyết để xử lý ngay các vướng mắc phát sinh tại địa phương. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế để tháo gỡ kịp thời.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết xử lý nợ của Quốc hội và văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký kinh doanh:
- Cung cấp cho cơ quan quản lý thuế thông tin về việc người nộp thuế có quyết định giải thể; các quyết định hoặc thông báo về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh;
- Phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh; phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc thực hiện thu hồi lại số nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đã được xóa nợ khi người nộp thuế quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp thành lập cơ sở, kinh doanh mới.
4. Công an tỉnh:
- Thực hiện tốt quy chế phối hợp trong phòng, chống trốn thuế, chây ỳ không nộp tiền thuế, chiếm đoạt tiền thuế, không chấp hành các biện pháp cưỡng chế thuế; phối hợp với cơ quan Thuế rà soát hồ sơ người nộp thuế đã chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc đi khỏi nơi cư trú;
- Phối hợp với cơ quan Thuế xác minh thông tin người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.
5. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố, thị xã và các huyện:
Cung cấp cho cơ quan quản lý thuế thông tin và kết quả sau khi tuyên án đối với người nộp thuế liên quan đến trách nhiệm hình sự, bị tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; Thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Quyết định mở thủ tục phá sản, Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
6. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế:
Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc kết nối, cung cấp thông tin với cơ quan quản lý thuế liên quan đến giao dịch qua ngân hàng của tổ chức, cá nhân và phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định.
7. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế:
- Chỉ đạo UBND cấp xã, phường, thị trấn thực hiện xác nhận người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; cung cấp giấy chứng tử, giấy báo tử hoặc các giấy tờ thay cho giấy báo tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch, văn bản xác nhận về việc người nộp thuế đã chết của UBND xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế chết; phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ kịp thời cho cơ quan Thuế trong việc lập hồ sơ xử lý nợ và xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc.
- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế địa phương trong việc tuyên truyền triển khai Nghị quyết xử lý nợ của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài Chính.
Thực hiện thành công Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo tiền đề tốt để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong thời gian đến; UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.