ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/CT-UB-VX | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 04 năm 1994 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC ĐIỀU TRA, SƯU TẬP NHỮNG HY SINH TỔN THẤT CỦA NHÂN DÂN TA TRONG CÔNG CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG XÂM LƯỢC VÀ HẬU QUẢ CỦA CHIẾN TRANH.
Trong hơn 30 năm, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã anh dũng đứng lên đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, từ phát xít Nhật, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bọn bành trướng bá quyền, giành lại độc lập, thống nhất nước nhà.
Để đổi lấy độc lập, tự do, nhân dân ta đã chịu đựng sự hy sinh, tổn thất vô cùng to lớn về người và tài sản, môi trường và phải gánh chịu hậu quả chiến tranh nghiêm trọng và lâu dài.
Thành phố Sài Gòn - Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh) nơi đầu não, sào huyệt của mọi kẻ thù; nơi phát khởi chiến tranh đầu tiên, cũng là nơi kết thúc cuối cùng, nên sự hy sinh tổn thất của nhân dân thành phố ta là hết sức lớn.
Xuất phát từ mục đích, ý nghĩa và yêu cầu nói trên. Từ năm 1966, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có chỉ thị về điều tra tội ác chiến tranh của các đế quốc xâm lược để có những bằng chứng cụ thể phục vụ cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với nhân dân ta, đặc biệt đối với các thế hệ nối tiếp thấy được âm mưu thâm độc, bản chất xảo quyệt của chủ nghĩa đế quốc, thấy được truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta chống xâm lược, bảo vệ độc lập và chủ quyền Tổ quốc. Từ đó, nâng cao hơn nữa tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới do Đảng ta đề ra. Đồng thời cũng có ý nghĩa thiết thực đối với công tác đấu tranh chính trị, ngoại giao ; tranh thủ viện trợ nhân đạo của các cá nhân và tổ chức trong nước và quốc tế. Để xúc tiến công tác điều tra này, đến nay, Chính phủ đã ra nhiều chỉ thị, nghị định, quyết định.
Gần đây, theo Quyết định 187/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ ) chuyển giao nhiệm vụ Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh xâm lược cho Bộ Lao động Thương binh xã hội và đôn đốc các địa phương triển khai. Bộ Lao động Thương binh xã hội đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện và chính thức giao nhiệm vụ cho các Sở Lao động Thương binh và xã hội. Tuy nhiên, thành phố Hồ Chí Minh chúng ta mới thực hiện được một phần.
Để triển khai quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ ) và sự chỉ đạo của Bộ Lao động Thương binh xã hội về công tác điều tra sưu tập sự hy sinh tổn thất trong chiến tranh, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện làm tốt một số việc sau đây :
1- Tổ chức phổ biến rộng rãi cho tất cả cán bộ công nhân viên và nhân dân trong toàn thành phố mục đích, ý nghĩa yêu cầu bức thiết về sự điều tra tổn thất trong chiến tranh và hậu quả. Đó là một bộ phận công tác hết sức quan trọng, không thể bỏ qua được, không thể để cho nó phai mờ theo thời gian. Qua đó, động viên mọi người tự nguyện tích cực tham gia đóng góp công sức, phát hiện, sưu tầm nhằm giúp cho Ban Điều tra tổn thất và hậu quả chiến tranh của thành phố và chính quyền các cấp hoàn thành tốt công tác này.
2- Sở Lao động Thương binh và xã hội thành lập một bộ phận công tác điều tra hậu quả chiến tranh có mời cộng tác viên có năng lực, vạch kế hoạch , chương trình, đề cương cụ thể tiến hành từng bước các khâu điều tra, nắm tình hình, tập họp tư liệu hiện vật, chứng tích, tổng hợp biên soạn sự ký về những hy sinh mất mát do chiến tranh gây ra và hậu quả của nó.
Trước mắt cần chuẩn bị các tài liệu tổ chức hội nghị quán triệt công tác này cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các ban, ngành, đoàn thể cấp thành phố , quận, huyện.
Vì công việc rộng lớn, có liên quan nhiều ngành, Sở Lao động Thương binh xã hội cần trực tiếp trao đổi hợp đồng cụ thể với Ban Khoa học xã hội, Sở Văn hóa thông tin , Công an thành phố , Bộ Chỉ huy quân sự thành phố , Sở Y tế, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Cục Thống kê, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân, Liên đoàn Lao động… để có kế hoạch , hợp đồng công tác tốt.
Ngoài việc điều tra sưu tập xoay quanh chủ đề nạn nhân chiến tranh, Sở Lao động Thương binh xã hội cần phối hợp với Ủy ban Khoa học xã hội và các ngành chức năng chỉ đạo một số chuyên đề như:
- Những cuộc thảm sát lớn, điển hình, những cuộc bắn giết, đốt phá mang tính chất hủy diệt.
- Chuyên đề gom dân, bắt dân.
- Về Việt Nam hóa chiến tranh.
- Hậu quả văn hóa thực dân, lối sống đồi trụy.
- Chuyên đề về tù đày, tra tấn…
3- Chúng ta tiến hành công tác điều tra, sưu tập sự tổn thất của nhân dân trong chiến tranh. Sau khi chiến tranh kết thúc gần 20 năm, sẽ gặp nhiều khó khăn trở ngại, nhiều sự tích lùi xa cả 40 năm, địa bàn điều tra lại rộng. Do đó đòi hỏi chúng ta phải hết sức kiên trì, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, giữa thành phố và các quận, huyện, các xã, phường ; đặc biệt là sự giúp đỡ của các cán bộ lão thành cách mạng để việc điều tra sưu tập của chúng ta đạt kết quả tốt.
4- Phấn đấu hoàn thành cơ bản công tác này trong 2 năm 1994 - 1995.
Trên đây là những nội dung cơ bản trong việc triển khai thực hiện công tác điều tra sưu tập những hy sinh tổn thất của nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh chống xâm lược và hậu quả chiến tranh. Quá trình thực hiện có gì vướng mắc hoặc phát sinh mới, yêu cầu Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện báo cáo về Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố để chỉ đạo tiếp.
(Lưu ý: Văn bản này không công bố công khai trên báo, đài).
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.