ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2010/CT-UBND | Hà Tĩnh, ngày 12 tháng 10 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp, đạt hiệu quả. Nhiều ngành, địa phương đã sử dụng các hình thức PBGDPL phong phú; nội dung tuyên truyền sát với thực tế, đơn giản, dễ áp dụng. Đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật thường xuyên được kiện toàn, bổ sung, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ. Cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để phục vụ công tác PBGDPL đã được quan tâm chú trọng. Các cấp, các ngành đã tăng cường sự phối hợp để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, góp phần quan trọng vào việc ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ít cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác PBGDPL; việc tuyên truyền, phổ biến một số văn bản pháp luật mới ở cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biển ngang còn hạn chế; Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL ít cho nên việc tuyên truyền pháp luật ở một số đơn vị, địa phương triển khai chưa đồng bộ, kịp thời...
Để đáp ứng yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
1. Tiếp tục tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách Tư pháp đến 2020; Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012; Quyết định số 31/2008/QĐ-UBND ngày 10/9/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình PBGDPL từ năm 2008 đến năm 2012. Đặc biệt, cần xác định rõ công tác PBGDPL là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Tổ chức tốt việc học tập, nghiên cứu, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, sớm đưa các nội dung Nghị quyết vào cuộc sống.
2. Xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của đơn vị, địa phương và triển khai thực hiện có hiệu quả. Việc xây dựng Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật phải cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ của ngành, địa phương, giải quyết những yêu cầu bức xúc trong thực tiễn, nhất là các nội dung liên quan đến chế độ chính sách, giải phóng mặt bằng, thuế, đất đai, nhà ở, đầu tư, hải quan, tài chính...
3. Nâng cao vai trò Thường trực Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp, các ngành, phát huy tinh thần trách nhiệm của từng thành viên; tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp, phân công, phân nhiệm cụ thể, có chế độ kiểm tra, báo cáo thường xuyên; củng cố, rà soát đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật theo hướng tinh gọn về số lượng và nâng cao chất lượng.
4. Bảo đảm 100% cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang được học tập, nghiên cứu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, gắn việc nghiên cứu, học tập và chấp hành pháp luật với việc đánh giá cán bộ công chức, bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm.
5. Tổ chức rà soát để kịp thời củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ hòa giải cơ sở, giải quyết kịp thời các vi phạm, tranh chấp nhỏ ngay từ cơ sở, duy trì sự đoàn kết và giữ gìn các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong nhân dân; hạn chế khiếu nại vượt cấp, tranh chấp kéo dài để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
6. Các cấp chính quyền, các đơn vị, trường học cần quan tâm đầu tư cấp kinh phí trang bị sách pháp luật mới theo quy định, phục vụ cho nhu cầu tra cứu của cán bộ công chức, viên chức và nhu cầu tìm hiểu của nhân dân.
7. Tổ chức triển khai thực hiện các văn bản pháp luật mới ban hành, tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày như: Luật Giao thông, Luật Khiếu nại Tố cáo, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Đất đai, Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo hiểm xã hội, Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Pháp lệnh Người có công với cách mạng...
8. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công khai các trình tự thủ tục, hướng dẫn cụ thể các quy định pháp luật lên website của ngành, đơn vị, tổ chức hoặc thông qua website của tỉnh nhằm cải cách hành chính, tạo sự thuận lợi, đơn giản và minh bạch, phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
9. Yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; thành viên Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL các cấp tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này.
Giao Sở Tư pháp - cơ quan Thường trực của Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL tỉnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị và tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp phối hợp với chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.