THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2004/CT-TTg | Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ ĐẨY MẠNH GIẢI NGÂN NGUỒN VỐN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA)
Nhờ thành công của đường lối đổi mới và chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá của Đảng và Nhà nước, nước ta đã vận động, thu hút được một lượng đáng kể vốn ODA phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 1993 đến nay, cam kết ODA năm sau cao hơn năm trước, đạt tổng lượng 25,34 tỷ USD. Nguồn vốn ODA đã được sử dụng để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; giải quyết các vấn đề xã hội như xoá đói, giảm nghèo; phát triển y tế, giáo dục và khoa học, công nghệ; bảo vệ môi trường; cải cách hành chính, luật pháp; hỗ trợ một số lĩnh vực sản xuất. Nhiều công trình đầu tư bằng vốn ODA đã được đưa vào sử dụng, góp phần tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về ODA được tăng cường và từng bước đi vào nề nếp. Hệ thống các cơ quan quản lý ODA ở các cấp được hình thành. Năng lực cán bộ quản lý ODA ở Trung ương và cơ sở đã được nâng cao một bước.
Tuy nhiên, tình hình giải ngân nguồn vốn ODA trong thời gian qua mới chỉ đạt 70 - 80% kế hoạch đề ra, thấp hơn mức giải ngân trung bình của các nước tiếp nhận ODA trong khu vực. Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ quan của ta là chính; đó là tình trạng thiếu quy hoạch và chính sách đồng bộ trong việc thu hút và sử dụng ODA; quy trình và thủ tục thẩm định và phê duyệt chương trình, dự án còn phức tạp và thiếu minh bạch; công tác đền bù, di dân và giải phóng mặt bằng kéo dài và có nhiều bất cập; thủ tục hành chính còn rườm rà, phải qua nhiều cửa, nhiều khâu; lãnh đạo một số Bộ, cơ quan và địa phương chưa chỉ đạo ráo riết và đôn đốc, kiểm tra sát sao quá trình thực hiện; năng lực cán bộ quản lý ODA ở các cấp nhìn chung còn yếu...
Xuất phát từ thực tế trên, để đẩy mạnh giải ngân ODA trong năm 2004 và các năm sau, phấn đấu đạt mức giải ngân ODA bình quân hàng năm chí ít bằng mức của khu vực, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn ODA phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho các Bộ, cơ quan Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Các cơ quan chức năng phải rà soát ngay toàn bộ các văn bản pháp quy có liên quan đến quản lý nhà nước về ODA và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ những giải pháp cần thiết để điều chỉnh, bổ sung nhằm nâng cao tính pháp lý cũng như tính đồng bộ của các văn bản này với các văn bản pháp quy khác liên quan tới công tác quản lý đầu tư và xây dựng.
2. Các Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện ngay việc rà soát kế hoạch phân bổ vốn đầu tư năm 2004 để bảo đảm đủ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA.
3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tích cực giải quyết vấn đề cấp đất và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chương trình, dự án ODA trên địa bàn; có kế hoạch xây dựng các khu tái định cư độc lập để chủ động trong việc giải phóng mặt bằng, bảo đảm khởi công và hoàn thành chương trình, dự án theo đúng tiến độ đã được thoả thuận giữa ta và nhà tài trợ.
4. Các cơ quan chủ chương trình, dự án phải kiện toàn và tăng cường năng lực cán bộ cũng như năng lực quản lý điều hành của các Ban Quản lý dự án ODA và bảo đảm cán bộ cho các đơn vị này; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh hệ thống định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ quốc tế.
5. Các cơ quan quản lý nhà nước về ODA cần tăng cường phối hợp với nhau và với Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố trong quá trình quản lý và điều phối ODA, trong đó cần đề ra định chế thích hợp để khuyến khích các đơn vị thực hiện tốt các dự án ODA và cảnh báo các đơn vị yếu kém. Năng lực giải ngân các chương trình, dự án ODA của cơ quan, đơn vị thực hiện cần được coi là tiêu chí để thẩm định và phê duyệt chương trình, dự án của cơ quan, đơn vị đó.
6. Theo sự phân công của Chính phủ, các cơ quan chức năng cần tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra các dự án ODA kết hợp với công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đầu tư; tiến hành đánh giá các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA sau khi đã kết thúc xây dựng; lựa chọn một số công trình để cùng với các nhà tài trợ tổ chức đánh giá chung; tăng cường hợp tác với nhà tài trợ để đẩy mạnh giải ngân vốn ODA.
Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ nói trên, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành thực hiện một số công việc cụ thể sau:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp quy liên quan tới quản lý nhà nước về ODA. Trước mắt, trong qúy II năm 2004 trình Thủ tướng Chính phủ những kiến nghị bổ sung và sửa đổi Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý và sử dụng ODA theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị này.
2. Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình chỉnh sửa Nghị định số 22/1998/NĐ-CP và dự thảo Nghị định về thi hành Luật Đất đai để trình Chính phủ ban hành ngay sau khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực.
3. Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung các nội dung liên quan đến phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán của các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA vào các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng theo hướng chặt chẽ song tránh phiền hà, thủ tục rườm rà.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát và bảo đảm đủ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA trong kế hoạch năm 2004; sửa đổi cách giao chỉ tiêu kế hoạch vốn đối ứng để áp dụng trong kế hoạch 2005 nhằm bảo đảm để các Bộ, cơ quan và tỉnh, thành phố linh hoạt phân bổ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA theo đúng tiến độ thực hiện đã thoả thuận với nhà tài trợ.
5. Bộ Tài chính ban hành trong qúy III năm 2004 các văn bản cần thiết để tinh giản hoá các quy trình, thủ tục kiểm soát chi, thanh toán khối lượng hoàn thành, thủ tục giải ngân vốn ODA và vốn đối ứng; rà soát để cải thiện một bước các định mức chi tiêu của các Ban Quản lý dự án.
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hợp tác với các Bộ, cơ quan, địa phương và các nhà tài trợ triển khai trong qúy III năm 2004 Chương trình đào tạo tăng cường năng lực cho các Ban Quản lý dự án ODA.
7. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng Tổ liên ngành, với thành viên là cán bộ cấp Vụ đại diện cho các Bộ : Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ, để giao ban định kỳ bắt đầu từ qúy II năm 2004 nhằm phát hiện và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án ODA, tổng hợp kết quả giao ban báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho các Bộ, cơ quan, tỉnh và thành phố có liên quan nắm thông tin và có biện pháp cải tiến ở đơn vị và địa phương mình.
8. Trong tháng 6 năm 2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về ODA và các nhà tài trợ xây dựng kế hoạch hành động về hài hoà quy trình và thủ tục ODA, tập trung vào các khâu thẩm định và phê duyệt chương trình, dự án, đấu thầu, kế hoạch giải ngân, theo dõi và đánh giá chương trình, dự án, chế độ báo cáo về tình hình thực hiện chương trình, dự án ODA.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi và báo cáo định kỳ Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.