ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/CT-UBND | Quảng Bình, ngày 27 tháng 11 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TẬP TRUNG TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VỤ ĐÔNG XUÂN
Hiện nay, thời tiết đang ở giai đoạn chuyển mùa, cùng với việc tái đàn và vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm sẽ tăng mạnh vào các tháng trước và sau Tết Nguyên đán làm tăng nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan. Trong khi đó, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật ở một số địa phương thiếu quyết liệt, còn tồn tại, hạn chế như: việc tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi chưa được triển khai đầy đủ, chưa kiểm soát triệt để hoạt động giết mổ động vật, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục có những diễn biến phức tạp... Nguy cơ dịch bệnh xảy ra trên diện rộng là rất cao, nhất là dịch tả lợn Châu Phi, làm ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi và khả năng cung ứng thực phẩm trong thời gian tới.
Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra; thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại cuộc họp về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn những tháng cuối năm 2019 (Thông báo số 399/TB-VPCP ngày 19/11/2019 của Văn phòng Chính phủ); Chỉ thị số 8256/CT-BNN-TY ngày 01/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. UBND các huyện, thành phố, thị xã
- Tiếp tục huy động nguồn lực, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn, kiên quyết xử lý không để dịch kéo dài, lan rộng, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn.
- Rà soát, tổ chức thực hiện tiêm phòng bổ sung đợt 2 năm 2019, trong đó chú trọng vùng có ổ dịch cũ, có nguy cơ cao; tập trung triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 3 năm 2019 theo Công văn số 1840/UBND-KT ngày 06/11/2019 của UBND tỉnh.
- Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm nhằm phát hiện sớm, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh ở diện hẹp; chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã, khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác báo cáo số liệu dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không khai báo làm dịch bệnh lây lan, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng, các trường hợp gian lận, trục lợi chính sách hỗ trợ của nhà nước.
- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ không được kiểm soát, nghiêm cấm việc buôn bán không đúng địa điểm quy định.
- Khẩn trương xây dựng, bố trí kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật năm 2020. Dự trữ hóa chất bằng nguồn ngân sách của địa phương để chủ động xử lý môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã tiếp tục tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở với hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, nguy cơ, tác hại của dịch bệnh động vật, đồng thời định hướng dư luận để bảo vệ sản xuất.
- Đẩy mạnh sản xuất các loại vật nuôi, nuôi trồng thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn và phát triển đàn lợn của địa phương; khuyến khích áp dụng giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng các chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn.
- Thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống gia súc, gia cầm tại địa phương; báo cáo tình hình, diễn biến bệnh dịch về Sở Nông nghiệp và PTNT (cơ quan thường trực) để tổng hợp báo cáo.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Chỉ thị số 8256/CT-BNN-TY nêu trên; thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo yêu cầu; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý những nội dung vượt thẩm quyền.
- Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, các cơ sở buôn bán, giết mổ, đặc biệt tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào địa bàn theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
- Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao và địa phương bị ảnh hưởng lớn về thời tiết (lũ lụt, rét đậm, rét hại...) để phát hiện sớm, cảnh báo, hướng dẫn xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh.
- Hướng dẫn các địa phương thực hiện tái đàn lợn theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và tình hình thực tiễn của địa phương; xây dựng phương án phát triển các đối tượng vật nuôi khác nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm thay thế nguồn thịt lợn trong điều kiện dịch tả lợn Châu Phi đang còn diễn biến phức tạp.
- Phối hợp với Cục Thống kê, Cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố, thị xã nắm bắt, thông tin kịp thời nguồn cung và giá thịt lợn trên địa bàn tỉnh.
- Thành lập các Đoàn công tác do Lãnh đạo các Sở, các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở làm trưởng đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở.
- Khẩn trương xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2020 để đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ban, ngành, địa phương chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm với các hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng để người dân nhận thức đúng về dịch bệnh, chủ động tự thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi và cộng đồng.
4. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình
Ưu tiên thời lượng phát sóng, số trang báo đăng tải các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để người dân hiểu và thực hiện, đặc biệt tập trung vào các nhóm nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, địa phương bị ảnh hưởng lớn về thời tiết.
5. Sở Tài chính
Trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT kịp thời tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định.
6. Ban chỉ đạo 389 tỉnh, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh
Phối hợp thực hiện công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán hàng hóa là động vật, sản phẩm động vật trái phép trên địa bàn.
7. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh
Chỉ đạo các thành viên Ban chỉ đạo, các sở ngành, đơn vị, UBND cấp huyện, cấp xã và các lực lượng chuyên môn chăn nuôi thú y tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
8. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tích cực, chủ động tham gia thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến truyền tải thông tin, biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong vụ Đông Xuân đến hội viên, người dân để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.