ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/CT-UBND | Hải Phòng, ngày 12 tháng 07 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG NỢ CÔNG
Thời gian qua, thực hiện quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, việc quản lý và sử dụng nợ công đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nợ công là nguồn vốn cần thiết và rất quan trọng để bổ sung vốn cho các công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị trên địa bàn thành phố như: Dự án xây dựng mở rộng Khu bay - Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi; bự án xây dựng tuyến đường Đông Khê 2, giai đoạn 1 (từ ngã tư Văn Cao - Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đường Lê Lợi); Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm; Dự án phát triển hệ thống giao thông đô thị thành phố Hải Phòng; Dự án nâng cấp đô thị; các dự án phát triển đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, ... Các dự án khi hoàn thành sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng cường khả năng kết nối về thương mại, du lịch, văn hóa, tạo thêm việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng cường cơ sở vật chất trên nhiều lĩnh vực, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước đưa Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế vùng và cả nước.
Công tác quản lý nợ có nhiều chuyển biến, đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn các nghĩa vụ trả nợ theo cam kết.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Áp lực tăng vay nợ cho đầu tư phát triển rất lớn thúc đẩy gia tăng nợ công; việc sử dụng các khoản vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn làm phát sinh rủi ro tái cấp vốn và tạo ra áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Đối tượng sử dụng nợ công chủ yếu là các dự án, công trình đầu tư cơ sở hạ tầng không tạo được nguồn thu hoàn trả; chủ yếu theo cơ chế nhà nước đầu tư vốn, làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của ngân sách thành phố. Năng lực của một số chủ dự án còn hạn chế, chưa thực hiện tốt các khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, ký kết các hợp đồng xây lắp, mua sắm trang thiết bị và dịch vụ tư vấn, công tác đền bù, di dân và giải phóng mặt bằng làm chậm tiến độ dự án, giảm hiệu quả đầu tư. Trách nhiệm quản lý, sử dụng, báo cáo thực hiện nợ công của các chủ dự án còn chưa được chú trọng đúng mức, chưa cụ thể. Việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu bổ sung hợp đồng dẫn đến tăng vay nợ, gây áp lực gia tăng nợ công. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa tạo được sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân.
Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Văn bản số 786/TTg-KTTH ngày 11/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu:
1. Tập trung thực hiện tốt các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công
- Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Tính đúng tính đủ nợ công theo quy định, đảm bảo trong giới hạn cho phép. Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch. Rà soát, thẩm định, đánh giá tác động lên nợ công của các chương trình, dự án sử dụng vốn vay của thành phố ngay từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn vay.
- Tập trung bố trí vốn vay cho các dự án trọng điểm, dự án có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố, không bố trí vốn vay cho các dự án nhỏ, lẻ của quận, huyện.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
- Cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn (các khoản vay mới cho đầu tư phát triển, kể cả vay cho mục tiêu cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ chủ yếu phải có kỳ hạn từ 05 năm trở lên) để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công (bao gồm các loại rủi ro về tỷ giá, lãi suất, thanh khoản, tái cấp vốn và tín dụng).
- Chủ động bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, đảm bảo trả nợ đúng hạn.
2. Tổ chức thực hiện:
2.1. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan:
- Thẩm định chặt chẽ, đánh giá tác động của các khoản vay mới lên nợ công, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định và đảm bảo khả năng trả nợ vốn vay trong giới hạn quy định, nhất là khả năng trả nợ trực tiếp của ngân sách thành phố.
- Đề xuất thực hiện cân đối ngân sách nhà nước tích cực, tăng cường kỷ cương, kỷ luật thu, chi ngân sách nhà nước; đề xuất ưu tiên bố trí trong cân đối ngân sách nhà nước và phần vượt thu theo dự toán để trả nợ, giảm nợ công.
2.2. Cục Thuế thành phố, Cục Hải quan Hải Phòng tăng cường công tác kiểm tra đối với việc sử dụng máy móc, thiết bị nhập khẩu theo dự án vay ODA, vay ưu đãi từ nhà tài trợ và vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh.
2.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:
- Tổng hợp, xác định, đề xuất cụ thể danh mục các chương trình, dự án dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn vay công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020, đánh giá tác động lên nợ công và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của ngân sách thành phố, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
- Đôn đốc các Chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian hoàn vốn để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và giảm thiểu chi phí vay. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện.
- Công khai, minh bạch thông tin về nợ công.
2.4. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các Chủ đầu tư dự án:
- Chỉ đạo, tổ chức tốt việc thực hiện dự án, nhất là khâu chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, thẩm định, quy hoạch, kế hoạch, quyết định đầu tư, thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, dự án công trình, lựa chọn nhà thầu, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả công trình.
- Không đề xuất điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, hợp đồng sử dụng nguồn vốn vay công. Trường hợp được phép điều chỉnh theo quy định thì phải thực hiện thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, đảm bảo đủ vốn đối ứng trong dự toán trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
- Trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản vay lại được bảo lãnh, bố trí đủ mức vốn chủ sở hữu tối thiểu theo quy định, kiềm chế gia tăng nợ xấu, hạn chế tối đa phát sinh nợ quá hạn, đảm bảo thực hiện theo đúng các cam kết.
- Có trách nhiệm báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, số liệu về huy động, sử dụng vốn vay, hoàn trả các khoản nợ cho vay lại được bảo lãnh gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
2.5. Các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan tới việc sử dụng vốn vay công chịu trách nhiệm trước pháp luật, phải tuân thủ nghiêm túc và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
2.6. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ và sử dụng nguồn vốn vay nợ công, đặc biệt là việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, bố trí vốn chủ sở hữu, tình hình sử dụng vốn vay, thu hồi và trả nợ công. Tổ chức việc công bố công khai các kết luận thanh tra, kiểm tra, thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật Đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố chế tài xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý, sử dụng nợ công.
Việc tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công là yêu cầu quan trọng, cấp thiết. Yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.