ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/CT-UBND | Thanh Hóa, ngày 28 tháng 04 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG LAO ĐỘNG CƯ TRÚ BẤT HỢP PHÁP TẠI HÀN QUỐC VỀ NƯỚC VÀ LAO ĐỘNG VỀ NƯỚC ĐÚNG THỜI HẠN
Thực hiện thỏa thuận giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc về tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động là người nước ngoài của Hàn Quốc (EPS). Trong những năm qua, người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS đã được tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính, chi phí thấp, thu nhập tương đối cao; số lao động của tỉnh đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS ngày càng tăng, tính đến nay Thanh Hóa có gần 5.000 lao động đã và đang làm việc tại Hàn Quốc. Hàng năm, số tiền mà lao động làm việc tại Hàn Quốc gửi về cho gia đình khoảng hơn 40 triệu USD (chiếm khoảng 42% tổng số tiền lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về).
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc tự ý đổi chỗ làm việc, không về nước đúng thời hạn theo hợp đồng, ở lại Hàn Quốc làm việc và cư trú bất hợp pháp. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Trong đó, Thanh Hóa là một trong những tỉnh đứng đầu toàn quốc về tình trạng nêu trên với 898 lao động đang cư trú bất hợp pháp. Trong thời gian tới, nếu không khắc phục tình trạng này Thanh Hóa có thể là một trong những tỉnh sẽ bị hạn chế lao động tham gia vào thị trường lao động Hàn Quốc.
Để nhanh chóng khắc phục tình trạng trên, đồng thời triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 30/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc; tạo cơ hội cho những người lao động đang có nguyện vọng, đủ điều kiện được đi làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì, phối hợp với các ngành, UBND các cấp tổ chức tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin bằng nhiều hình thức về chính sách, pháp luật xuất khẩu lao động và các quy định hướng dẫn chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc; cung cấp các thông tin về tình hình lao động Thanh Hóa làm việc tại Hàn Quốc, những chính sách ưu đãi đối với lao động trung thành mẫu mực và lao động hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn.
- Thường xuyên cung cấp danh sách, địa chỉ người lao động đang cư trú bất hợp pháp, người lao động sắp hết hạn hợp đồng lao động theo chương trình EPS cho UBND các huyện, thị xã, thành phố để chỉ đạo, triển khai thực hiện.
- Phối hợp với chính quyền địa phương nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về tay nghề, ngoại ngữ và ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động.
2. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về những chính sách pháp luật, chế tài xử lý đối với người lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc để người dân biết và chấp hành.
3. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Chỉ đạo các ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện theo thẩm quyền việc xử lý vi phạm hành chính đối với người lao động vi phạm quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc ban và thông tin rộng rãi trong dư luận.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể xã hội, tổ chức tuyên truyền, vận động, tư vấn đến tận các gia đình có con, em và người thân làm việc tại Hàn Quốc, yêu cầu các gia đình cam kết vận động con, em và người thân thực hiện đúng các quy định của pháp luật và các cam kết trong hợp đồng, không ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đồng thời niêm yết danh sách những lao động đang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa thôn, bản và thường xuyên thông báo trên hệ thống Đài truyền thanh.
Các địa phương có tỷ lệ lao động ở lại bất hợp pháp cao tại Hàn Quốc, cần đặt mục tiêu cụ thể đến hết quý II năm 2016 giảm xuống dưới 30%. Đưa nội dung vận động người lao động về nước đúng hạn vào kế hoạch công tác và định kỳ đánh giá kết quả thực hiện.
- Theo dõi và tổng hợp tình hình về nước của người lao động thuộc địa phương và báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa).
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh; Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo, đôn đốc Mặt trận tổ quốc huyện và các tổ chức hội, đoàn thể cấp huyện, xã phối hợp với chính quyền địa phương cùng cấp đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, quán triệt tới đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tuyên truyền, vận động các gia đình có con, em và người thân đang lao động và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước và lao động về nước đúng hạn.
Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị; định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình và kết quả thực hiện./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.