UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/CT-UBND | Hà Nam, ngày 28 tháng 11 năm 2012 |
V/V NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG THỰC THI NHIỆM VỤ, CÔNG VỤ GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính, đặc biệt là việc giải quyết các thủ tục hành chính đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện; bước đầu được phát huy và góp phần giải quyết kịp thời những yêu cầu, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp, cải thiện môi trường hợp tác, đầu tư và kinh doanh trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước ở một số cơ quan, đơn vị còn lỏng lẻo; trách nhiệm, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt; hiệu quả làm việc thấp; giải quyết hồ sơ còn chậm trễ, chưa theo quy trình quy định; còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc giải quyết các thủ tục hành chính còn hạn chế, chưa kịp thời, hiệu quả thấp, gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức và công dân.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả về cải cách hành chính đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính, trước hết nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ góp phần xây dựng nền hành chính trong sạch, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu: Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Thủ trưởng các đơn vị, địa phương) tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục quán triệt và tuyên truyền thực hiện nghiêm Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước; Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương.
2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính theo quy định, đảm bảo đơn giản về hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết công việc; thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai, minh bạch hồ sơ, quy trình, thời gian giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức; ghi rõ họ tên, chức vụ của cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền giải quyết công việc để các tổ chức, cá nhân biết, giám sát thực hiện. Trong thi hành công vụ yêu cầu cán bộ, công chức phải tôn trọng, tận tụy phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp. Mọi phản ánh của tổ chức, doanh nghiệp và người dân về ứng xử, biểu hiện tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính phải được Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tiếp nhận, xác minh làm rõ và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thiết lập số điện thoại đường dây nóng; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp công khai số điện thoại đường dây nóng tại bộ phận tiếp nhận thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị để tiếp nhận phản ánh của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính.
3. Cán bộ, công chức, viên chức khi giao tiếp, giải quyết hồ sơ, công việc của tổ chức, công dân phải nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục; giải quyết hồ sơ nhanh hơn so với thời gian theo quy định nếu có thể; hướng dẫn tổ chức, công dân tận tình, chu đáo và ứng xử trong giao tiếp văn minh, lịch sự; không để tổ chức, công dân đi lại nhiều lần; không gây khó khăn, phiền hà, thiếu tinh thần trách nhiệm, “vô cảm” khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.
4. Người đứng đầu đơn vị, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý. Xử lý kịp thời, nghiêm minh cá nhân vi phạm; kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân, nhất là các vụ việc bức xúc, phức tạp, kéo dài. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ cán bộ, công chức trong việc thực hiện nội quy, quy chế làm việc, các quy trình giải quyết hồ sơ, công việc. Kịp thời xử lý, ngăn chặn cán bộ, công chức có các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, nhũng nhiễu, gây khó khăn, lợi dụng vị trí công việc được giao để mưu lợi cá nhân. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để cán bộ, công chức của đơn vị mình vi phạm hoặc có thái độ “vô cảm” trong giải quyết các thủ tục hành chính.
5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Nam xây dựng các chuyên đề về nội dung cải cách hành chính, phối hợp với các đơn vị, địa phương phát hiện và góp ý, phê phán trước công luận những hành vi vi phạm, gây sách nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính; đồng thời, cổ vũ, động viên kịp thời những điển hình tốt về tinh thần và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ.
6. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, cá nhân phối hợp tuyên truyền, giám sát và phản ánh kịp thời những trường hợp vi phạm của các cơ quan, đơn vị, các cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến tổ chức và công dân.
7. Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ hàng quý, sáu tháng, hàng năm, các đơn vị, địa phương tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện (qua Sở Nội vụ).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
| CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.