ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 03 năm 1990 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG HÈ 1990 CHO HỌC SINH
Tổ chức các hoạt động hè cho học sinh và thầy cô giáo là những công việc lớn đòi hỏi sự góp sức tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng các hoạt động hè. Do vậy, cần có sự phân công trách nhiệm cho từng ngành cụ thể, xác định rõ đối tượng, nội dung và phương thức tập họp cũng như công tác chỉ đạo.
Trên tinh thần đó, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo việc tổ chức hoạt động hè 1990 cho học sinh như sau :
I. XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG.
Đối tượng tham gia các hoạt động hè là các cháu thiếu nhi và học sinh phổ thông.
II. XÁC ĐỊNH NỘI DUNG VÀ LOẠI HÌNH HOẠT ĐỘNG.
Hè là dịp các cháu nghỉ ngơi sau 9 tháng miệt mài sách vở. Do đó, các hoạt động hè cần tổ chức sao cho nhẹ nhàng, tươi vui, bổ ích theo phương châm “chơi mà học”.
1/ Hoạt động vui chơi, giải trí : Gồm các loại hình thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ mang tính quần chúng rộng rãi như đá banh, đá cầu, bóng ném, cầu lông, điền kinh, bóng bàn, thể dục buổi sáng, tiếng hát khu phố, xem phim, xem kịch, tham quan cắm trại, đọc báo Đội, các cuộc thi kể chuyện, thi tìm hiểu về Bác Hồ, sinh hoạt đội nhóm chuyên…
2/ Hoạt động lao động : Gồm lao động giúp đỡ gia đình và lao động công ích mang tính xã hội như : làm sạch đẹp khu phố; công tác Trần Quốc Toản; giúp bạn nghèo, giúp gia đình khó khăn, thăm bộ đội thương bệnh binh…
3/ Hoạt động học tập : Tham gia học các lớp năng khiếu, rèn luyện kỹ năng hoạt động, học thêm các môn yếu, ôn tập để chuẩn bị năm học mới…
Các loại hình hoạt động trên hướng theo chủ đề “NHỚ ƠN BÁC - LÀM THEO LỜI BÁC”.
III. PHƯƠNG THỨC TẬP HỌP.
Tùy chức năng của mình, các ngành, các cấp cần tập trung mở rộng nhiều loại hình hoạt động để các cháu lựa chọn rồi tự nguyện tham gia. Đây là sự tự nguyện có định hướng. Tuyệt đối tránh các hình thức bắt buộc. Cố gắng tập trung tổ chức sinh hoạt hè thiết thực cho các cháu gia đình công nhân viên chức, lao động nghèo nhất là những cháu có nhiều giờ rỗi. Tùy điều kiện từng nơi mà tổ chức loại hình phù hợp với nhu cầu sở thích và thời gian của các cháu. Ban Chỉ đạo hè có thể làm phiếu điều tra nhu cầu hoạt động cho phụ huynh và các em đăng ký.
IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO.
1/ Ở thành phố và quận huyện :
Thành lập Ban Chỉ đạo hè do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phụ trách văn xã làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng làm Phó ban thường trực; Chủ tịch Hội đồng Đội hoặc Trưởng Ban thiếu nhi trường học của Đoàn Thanh niên cộng sản làm Phó Ban; đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ, Văn hóa Thông tin, Thể dục Thể thao, Giáo dục và Chữ thập đỏ làm ủy viên.
Bộ phận chuyên trách của Ban Chỉ đạo do Ủy ban Thiếu niên nhi đồng và Đoàn Thanh niên cử, ít nhất bằng 2/3 số chuyên trách của Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng và Hội đồng Đội của Đoàn Thanh niên cộng sản.
2/ Ở cơ sở :
Cấp phường, xã hình thành Ban Chỉ đạo hè do Ủy viên văn xã của Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban và các ngành Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng, Đoàn Thanh niên cộng sản, Hội Phụ nữ là thành viên chuyên trách. Ở khu phố, ấp thì nên lập tổ chuyên lo tổ chức hè sao cho thiết thực, hiệu quả.
Đơn vị để tổ chức các hoạt động hè là khu phố, ấp. Mỗi khu phố, ấp cử một cán bộ chuyên trách hè từ nguồn học sinh cấp 3, sinh viên có nhiệt tình với công tác thiếu nhi, có tập huấn và bồi dưỡng trước và được hưởng phụ cấp theo dạng hợp đồng.
Các Ban Chỉ đạo hè có chế độ giao ban từng tuần. Hàng tháng, Ban Chỉ đạo hè có giao ban với các ngành. Nửa tháng, thành phố có thông tin để giới thiệu những cách làm hay, kịp thời tháo gỡ khó khăn và điều chỉnh chỉ đạo cho phù hợp.
V. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM.
1/ Ủy ban Thiếu niên nhi đồng : là Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo hè các cấp, cử cán bộ làm chuyên trách hè. Vận động, phối hợp và kiểm tra các ngành trong việc lo hè cho các cháu.
2/ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh : Cử cán bộ làm phụ trách hè. Tập huấn và bồi dưỡng cho cán bộ phụ trách hướng dẫn các nội dung hoạt động. Các Nhà Thiếu nhi, Trung tâm Thanh thiếu nhi mở rộng nhiều loại hình cho thanh thiếu nhi tham gia.
3/ Văn hóa Thông tin : Các rạp chiếu phim, điểm chiếu vidéo, các đoàn nghệ thuật có chỉ tiêu phục vụ cho các cháu học sinh và thầy cô giáo nhất là các cháu ở vùng xa. Mở rộng các phòng đọc sách ở cơ sở. Tổ chức các cuộc thi kể chuyện sách, chuyện phim, kể chuyện về Bác Hồ…
4/ Thể dục thể thao : Hướng dẫn các loại hình thể thao quần chúng cho các cháu tham gia. Các trận đấu thể thao, các sân bãi thể thao có chỉ tiêu phục vụ các cháu, cho các cháu vào tập luyện…
5/ Hội Liên hiệp Phụ nữ : Động viên con em tham gia sinh hoạt hè, góp kinh phí để con em học các lớp năng khiếu, học thêm, tham quan, cắm trại, ôn tập. Khuyến khích những gia đình có điều kiện tự lo hè cho con em mình và giúp đỡ các gia đình nghèo có điều kiện cho con em tham gia hoạt động.
6/ Công ty Công viên và cây xanh : Các công viên miễn vé vào cửa cho các cháu học sinh vào sinh hoạt, tham quan, cắm trại với điều kiện là đi tập thể, có giấy giới thiệu của Ban Chỉ đạo hè quận huyện và đăng ký trước. (Đối với các công viên thuộc thành phố quản lý, do Ban Chỉ đạo hè thành phố cấp giấy giới thiệu).
7/ Liên đoàn Lao động : Tổ chức nghỉ hè cho thầy cô giáo và trại hè cho các em cháu ngoan Bác Hồ.
8/ Giáo dục : Mở các lớp học thêm, phụ đạo học sinh yếu. Mở cửa Câu lạc bộ thể dục thể thao và thư viện các trường cho các em vào sinh hoạt. Hướng dẫn học sinh ôn tập trên hệ thống báo đài thành phố.
9/ Chữ Thập đỏ : Phổ biến các kiến thức phòng chống bệnh thông thường, hướng dẫn các em thực hành sơ cấp cứu, xử lý tai nạn đơn giản. Phối hợp với Sở Y tế tổ chức các đoàn khám và chữa bệnh miễn phí cho thiếu nhi những vùng xa, nghèo.
10/ Tài chánh : Dành kinh phí thỏa đáng cho các hoạt động hè và phụ cấp cho chuyên trách hè ở khu phố, ấp.
VI. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN.
- 3/1990 : dự thảo hướng dẫn hoạt động cho các ngành góp ý, chuẩn bị nhân sự Ban Chỉ đạo hè.
- 4/1990 : thành lập Ban Chỉ đạo hè ở thành phố. Dựa vào chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố, các ngành, các quận huyện xây dựng kế hoạch hè và triển khai thực hiện theo ngành dọc, đồng thời gởi kế hoạch cho bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo hè cùng cấp để theo dõi, phối hợp và kiểm tra thực hiện .
- 5/1990 : chuẩn bị cán bộ phụ trách ở cơ sở. Tổ chức trại tập huấn kỹ năng cho phụ trách, triển khai các điều kiện hoạt động.
- 01/6/1990 : khai mạc hè 1990 bằng Đại hội cháu ngoan Bác Hồ thành phố và ngày hội “hạnh phúc tuổi thơ”. Cuối tháng 6/1990 tổ chức cho thiếu nhi thành phố về thăm quê Bác và Thủ Đô (những em tham gia tốt “Hành trình về quê Bác”).
- 7/1990 : sơ kết hè. Tổ chức Trại sẵn sàng 1990 (dành cho những em rèn luyện theo chương trình bậc và nghi thức Đội mới).
- 8/1990 : Tổng kết hè. Triển khai các hoạt động sau hè.
Nhận được chỉ thị này Ủy ban nhân dân các cấp, các sở ngành liên quan chuẩn bị ngay kế hoạch phục vụ hè ở địa phương đơn vị mình.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.