ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/CT-UBND | Đắk Lắk, ngày 11 tháng 11 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI AN TOÀN SINH HỌC VÀ KIỂM SOÁT TÁI ĐÀN TRONG CHĂN NUÔI LỢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Từ đầu năm 2019 đến nay, ngành chăn nuôi của cả nước nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt với lĩnh vực chăn nuôi lợn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xảy ra trên phạm vi toàn tỉnh, đến nay vẫn tiếp tục phát sinh.
Thời gian gần đây, giá lợn hơi có xu hướng tăng cao do nguồn cung thịt lợn đang khan hiếm, dẫn đến nhu cầu tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh gia tăng. Để chủ động trong việc kiểm soát dịch bệnh đồng thời nhằm ổn định và phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, trọng tâm sau:
1. Đối với việc triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học:
a) UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:
- Tăng cường công tác chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan chuyên môn tại địa phương thực hiện có hiệu quả áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh DTLCP tại các cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 5329/BNN-CN ngày 25/7/2019 về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh DTLCP; Công văn số 2694/SNN-CNTY ngày 25/9/2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học để ổn định và phát triển chăn nuôi.
- Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất, hỗ trợ triển khai thực hiện các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học sử dụng chế phẩm sinh học phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương theo khuyến cáo của Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông quốc gia...Trên cơ sở đó, tuyên huyền, phổ biến, nhân rộng các mô hình có hiệu quả.
- Thực hiện việc rà soát, thống kê, theo dõi tổng đàn lợn tại địa phương, số lượng các trang trại và hộ chăn nuôi lợn, tình hình dịch bệnh. Tùy theo tình hình thực tế của địa phương để định hướng, khuyến khích phát triển các loại vật nuôi khác có thế mạnh (gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản…) song song với việc hướng dẫn áp dụng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nhằm đa dạng hóa vật nuôi và nguồn cung cấp các loại thực phẩm khác cho tiêu dùng, phấn đấu khắc phục những ảnh hưởng từ chăn nuôi lợn, góp phần ổn định chăn nuôi và phát triển kinh tế - xã hội.
c) Giao Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm áp dụng, thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học (QCVN 01-14:2010/BNNPTN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học; QCVN 01- 15:2010/BNNPTN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học). Khuyến cáo người chăn nuôi chấp hành các quy định của nhà nước trong công tác phòng chống dịch bệnh (Đặc biệt là phải báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y khi phát hiện vật nuôi có dấu hiệu bị bệnh, tuyệt đối không bán chạy, không vứt xác gia súc, gia cầm chết ra môi trường).
2. Đối với việc thực hiện các biện pháp kiểm soát tái đàn trong chăn nuôi lợn:
a) Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, giám sát chặt chẽ việc tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi lợn tại địa phương, cụ thể như sau:
+ Đối với các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, cơ sở chăn nuôi khép kín và thực hiện tốt biện pháp an toàn sinh học tại những vùng không có dịch hoặc vùng bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái phát dịch đủ điều kiện thì cho phép thực hiện tái đàn, nhưng phải bảo đảm con giống có nguồn gốc rõ ràng, có đầy đủ hồ sơ giống và các hồ sơ có liên quan theo Hướng dẫn số 4249/HD-BNN-TY ngày 18/6/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn kiểm soát vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh DTLCP.
+ Đối với các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ chuồng trại không đảm bảo, tạm bợ, không có khả năng thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh hoặc chăn nuôi an toàn sinh học thì khuyến cáo không nên tái đàn.
b) Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan:
- Trong công tác kiểm dịch động vật (đặc biệt với kiểm dịch lợn giống nhập tỉnh với mục đích tái đàn) bảo đảm con giống cho phép nhập tỉnh phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của pháp luật đồng thời phải được chuyển đến đúng cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện nuôi tái đàn và đã thực hiện việc khai báo với chính quyền địa phương để thuận lợi cho công tác quản lý, theo dõi.
- Hướng dẫn, chỉ đạo công tác kiểm tra điều kiện chăn nuôi đối với các cơ sở chăn nuôi lợn có nhu cầu tái đàn theo quy định.
c) Đối với các cơ sở chăn nuôi lợn; cơ sở sản xuất, kinh doanh lợn giống:
- Cơ sở chăn nuôi lợn khi có nhu cầu tái đàn cần thực hiện khai báo với UBND cấp xã và Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện; đồng thời, chịu trách nhiệm về thông tin khai báo; phối hợp với chính quyền, cơ quan chăn nuôi và thú y trong thời gian thực hiện việc nhập lợn tái đàn theo quy định.
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh lợn giống ở tỉnh khác khi xuất bán lợn giống đến tỉnh Đắk Lắk phải chấp hành nghiêm các quy định hiện hành về kiểm dịch; đồng thời, chịu trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác về địa chỉ cơ sở chăn nuôi nhập lợn giống.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc thì báo cáo kịp thời về UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo, giải quyết./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.