ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/CT-UBND | Cần Thơ, ngày 27 tháng 12 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HỒ SƠ, BẢN ĐỒ; MỐC, TUYẾN ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH CÁC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Trong những năm qua, công tác quản lý hồ sơ, bản đồ; mốc, tuyến địa giới hành chính các cấp trên địa bàn thành phố Cần Thơ cơ bản được thực hiện theo đúng Nghị định số 119/CP ngày 16 tháng 9 năm 1994 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng hồ sơ địa giới, bản đồ địa giới và mốc địa giới hành chính các cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước theo lãnh thổ ở địa phương.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” (gọi tắt là Dự án 513 của thành phố) đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý địa giới hành chính như: Một số xã, phường, thị trấn chưa quản lý tốt tuyến địa giới hành chính, để người dân lấn chiếm xây dựng; một số mốc địa giới bị vùi lấp, hư hỏng, xê lệch; đoạn, tuyến địa giới hành chính bị phá vỡ, biến dạng,… do quá trình đô thị hóa, đầu tư phát triển kinh tế xã hội; việc quản lý địa bàn, dân cư không đúng theo bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính đã được thiết lập năm 2005. Vì vậy, quá trình thực hiện Dự án 513 của thành phố gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện Dự án. Những vấn đề này một số địa phương chưa kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để chỉ đạo.
Đến nay, việc triển khai, thực hiện Dự án 513 của thành phố đã hoàn thành, được Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 2494/QĐ-BNV ngày 13 tháng 11 năm 2018 về việc công nhận số lượng, chất lượng hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp của thành phố Cần Thơ; đồng thời, đã được hoàn thiện, hiện đại hóa theo quy định tại Quyết định 513/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ sở pháp lý mới nhất trong việc khai thác, sử dụng và quản lý địa giới hành chính các cấp trên địa bàn thành phố. Để tăng cường công tác quản lý địa giới hành chính, đặc biệt là quản lý hồ sơ, bản đồ; mốc, tuyến địa giới hành chính các cấp, giúp công tác này đi vào nề nếp, ổn định, tránh tình trạng làm ảnh hưởng đến mốc, tuyến địa giới hành chính trong thời gian tới. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn:
a) Thực hiện nghiêm việc quản lý hồ sơ, bản đồ; mốc, tuyến địa giới hành chính trên địa bàn quản lý theo Nghị định số 119/CP ngày 16 tháng 9 năm 1994 của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng hồ sơ địa giới, bản đồ địa giới và mốc địa giới hành chính các cấp, Thông tư số 28/TCCP-ĐP ngày 17 tháng 3 năm 1995 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 119/CP ngày 16 tháng 9 năm 1994 của Chính phủ;
b) Thường xuyên tuyên truyền cho người dân ở những nơi có mốc, tuyến địa giới hành chính có ý thức bảo vệ tốt, không làm xê lệch, hư hỏng mốc địa giới; thay đổi hiện trạng tuyến địa giới hành chính;
c) Tổ chức bàn giao quyền và trách nhiệm quản lý đất đai, dân cư theo hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính đã được Bộ Nội vụ công nhận tại Quyết định số 2494/QĐ-BNV ngày 13 tháng 11 năm 2018. Đồng thời, chủ động thực hiện việc chuyển đổi các giấy tờ liên quan đến tổ chức, cá nhân ở những nơi có thay đổi về địa giới hành chính (không thu phí) như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, giấy tờ về hộ tịch…;
d) Có kế hoạch hoặc dự án để khôi phục lại các tuyến địa giới hành chính các cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương đang bị người dân, tổ chức tự ý lấn chiếm như: San lấp đoạn kênh thủy lợi, rạch, đường giao thông để cất nhà, kho, bến, bãi, xây dựng các hạng mục công trình làm thay đổi đoạn, tuyến địa giới hành chính so với bộ hồ sơ, bản đồ được thiết lập năm 2018; báo cáo kết quả khôi phục đường địa giới hành chính các cấp (nếu có) về Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Nội vụ);
đ) Định kỳ trước ngày 20 tháng 6 và ngày 20 tháng 12 hàng năm, Ủy ban nhân dân quận, huyện báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Nội vụ) tình hình quản lý hồ sơ, bản đồ; mốc, tuyến địa giới hành chính theo quy định.
2. Các cơ quan, đơn vị và địa phương khi lập, thực hiện quy hoạch có ảnh hưởng đến mốc, tuyến địa giới hành chính các cấp phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến mốc, tuyến địa giới hành chính. Trường hợp bất khả kháng làm ảnh hưởng đến mốc, tuyến địa giới hành chính phải báo cáo Sở Nội vụ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Giám đốc Sở Nội vụ:
a) Quản lý, lưu trữ bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp của thành phố; theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ quản lý nhà nước về địa giới hành chính;
b) Tổ chức chuyển giao, hướng dẫn và sử dụng bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính cho các địa phương theo quy định;
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết các vấn đề tranh chấp đất đai có liên quan đến đường địa giới hành chính các cấp theo quy định.
Yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Trường hợp có khó khăn vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.
| CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.