ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/CT-UBND | Thái Bình, ngày 14 tháng 06 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM
An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến sức khỏe con người, được xã hội rất quan tâm. Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, bảo đảm ATTP.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về ATTP vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân chủ yếu do một số sở, ngành, địa phương chưa ưu tiên quan tâm, sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo. Các vụ việc vi phạm về ATTP trên địa bàn chưa được xử lý nghiêm minh. Hằng năm, chưa xem xét, đánh giá trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác quản lý nhà nước, chuyên môn về ATTP.
Nhằm đề cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đảm bảo ATTP, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Giám đốc sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện trách nhiệm được giao.
2. Sở Y tế: Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh (BCĐ tỉnh) chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng Kế hoạch đảm bảo ATTP, giai đoạn 2016-2020 trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và hướng dẫn tổ chức thực hiện. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng từ tỉnh tới xã, phường, thị trấn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo ATTP trong ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, lễ hội và các sự kiện lớn tổ chức trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tập trung chỉ đạo, ưu tiên lựa chọn các hoạt động trọng tâm, trọng điểm để thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm hành động năm ATTP trong lĩnh vực Nông nghiệp theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 03/12/2015. Đồng thời phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quyết định số 1123/QĐ-UBND ngày 29/5/2015 về phân công, phân cấp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát chuyên ngành về ATTP thuộc lĩnh vực ngành Nông nghiệp quản lý. Phấn đấu ngăn chặn có hiệu quả và tiến tới việc không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi; hóa chất và kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng trên rau quả, góp phần tạo niềm tin và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
4. Sở Công thương: Tăng cường quản lý, thanh tra kiểm tra các loại hình sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc ngành quản lý. Phát hiện, ngăn chặn rượu, nước giải khát giả, kém chất lượng nhập lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh; bảo đảm ATTP tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ đạo các Đội quản lý thị trường huyện, thành phố mở các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trong năm 2016. Tiếp tục tổ chức triển khai các đoàn kiểm tra liên ngành theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, chú trọng kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán các mặt hàng bao gồm: Gia súc, gia cầm, sản phẩm gia cầm và thủy sản không có nguồn gốc, kiểm dịch; rượu, bia, nước giải khát, sữa, đường, bánh, kẹo... Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
5. Công an tỉnh: Tăng cường điều tra, nắm tình hình và phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp, các đoàn thể quần chúng nhân dân phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp và các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản kém chất lượng; đặc biệt tập trung việc phát hiện các trường hợp sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng, nhập lậu.... Điều tra, xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ATTP theo quy định của pháp luật.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình: Ưu tiên, tăng cường phát sóng, đăng tải các phóng sự, tin, bài, hình ảnh, các chuyên mục chuyên đề về ATTP trên phạm vi toàn tỉnh. Thông tin công khai, khách quan, trung thực, kịp thời các điển hình trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm an toàn để người dân lựa chọn, sử dụng nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời công khai tên, địa chỉ các cơ sở vi phạm pháp luật về ATTP để người tiêu dùng biết, tẩy chay không sử dụng các sản phẩm thực phẩm không an toàn.
7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn: Chịu trách nhiệm về đảm bảo ATTP trên địa bàn; xác định việc đảm bảo ATTP là nhiệm vụ cấp thiết cần tập trung chỉ đạo điều hành; chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý. Tập trung tuyên truyền vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo ATTP, ký cam kết thực hiện. Phải xác định việc đảm bảo ATTP là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn kiện toàn Ban Chỉ đạo ATTP của địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
8. Các ngành thành viên BCĐ liên ngành ATTP tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu, chỉ đạo các đơn vị trong ngành và phối kết hợp với các ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP, trong đó chú trọng hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành trong các đợt hoạt động mạnh và đột xuất theo chỉ đạo của Bộ, ngành chủ quản và của Ủy ban nhân dân tỉnh.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội: Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp chỉ đạo các chi hội, hội viên của mình cùng các tầng lớp nhân dân là những người sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn, đồng thời cũng là những giám sát viên, phát hiện thông tin cho các cơ quan chức năng, tố giác những cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm không an toàn, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, ngoài danh mục, nhập lậu... để ngăn chặn, xử lý kịp thời nhằm hạn chế việc lưu thông ra thị trường các sản phẩm thực phẩm không an toàn.
Nhận Chỉ thị này, yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn khẩn trương triển khai thực hiện. Hằng năm, các Sở, ban, ngành và địa phương báo cáo kết quả về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.