TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 139/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 21 tháng 4 năm 1995 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC PHỐI HỢP GIỮA BA LỰC LƯỢNG: KIỂM HOÁ - TÁI KIỂM HOÁ - KIỂM SOÁT HẢI QUAN
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, các quyết định của Tổng cục trưởng về công tác kiểm hoá - tái kiểm và kiểm soát chống buôn lậu nhằm ngăn ngừa và khắc phục những sai xót, sơ hở, tiêu cực trong kiểm hoá và làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất, nhập khẩu, đồng thời phải tạo thuận tiện cho khách hàng, tránh được sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa ba lực lượng: Kiểm hoá, tái kiểm hoá và kiểm soát hải quan.
TỔNG CỤC TRƯỞNG CHỈ THỊ:
1. Tất cả các lực lượng: kiểm hoá, tái kiểm hoá và kiểm soat thuộc hải quan tỉnh, thành phố phải đạt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Cục trưởng Hải quan tỉnh, thành phố. Cấp phó được phân công phụ trách phải thông qua cục trưởng và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với nhau để chỉ đạo thống nhất, tránh mạnh ai nấy làm.
2. Trong quá trình công tác, các lực lượng trên phải phối kết hợp chặt chẽ, hài hoà với nhau, hỗ trợ được cho nhau đảm bảo việc kiểm hoá, kiểm tra hải quan chặt chẽ, đúng chính sách, đúng pháp luật, chống được phiền hà, tiêu cực, nội bộ đoàn kết. Mỗi lực lượng phải chịu trách nhiệm độc lập về việc làm của mình.
3. Việc kiểm hoá, tái kiểm hoá và kiểm soát hải quan phải tuyệt đối tuân thủ theo đúng các nội dung và tinh thần các quy định của Tổng cục trưởng trong các văn bản đã ban hành. Nghiêm cấm việc Hải quan tỉnh, thành phố và lãnh đạo các lực lượng trên tự đặt ra những quy định riêng cho địa phương mình, lực lượng mình trái với quy định của Tổng cục.
4. Phân định trách nhiệm giữa 3 lực lượng:
a) Đối với lực lượng kiểm hoá: Phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về kết quả kiểm hoá của mình. Kết quả kiểm hoá này phải xác định được chính xác tên hàng, mã số, số lượng, trọng lượng, phẩm chất, xuất xứ của hàng hoá thực nhập, thực xuất. Kết quả kiểm hoá phải ghi cụ thể, chính xác, không được ghi chung chung. Việc kiểm hoá phải đảm bảo các nguyên tắc như phải kiểm hoá hai người, phải kiểm hoá đúng thời gian và địa điểm đã được chủ hàng đăng ký, chỉ được kiểm hoá những lô hàng được phân công. Khi có những vấn đề phát sinh ngoài thẩm quyền trong quá trình kiểm hoá phải kịp thời báo cáo lãnh đạo, không được tự động giải quyết.
b) Đối với lực lượng tái kiểm hoá: phải nắm chắc thông tin về những lô hàng xuất nhập khẩu có nghi vấn gian lận, có nghi vấn tiêu cực, móc nối giữa cán bộ kiểm hoá với chủ hàng, báo cáo Cục trưởng để quyết định việc tái kiểm hoá kịp thời, ngay sau khi kiểm hoá viên kết thúc và ghi kết quả kiểm hoá vào tờ khai. Chỉ tiến hành kiểm hoá với những lô hàng trọng điểm nghi vấn và có dấu hiệu là việc kiểm hoá không chính xác. Cấm tái kiểm hoá tất cả, tràn lan; tuỳ tiện, không có hiệu quả, gây sách nhiễu, phiền hà cho chủ hàng.
c) Đối với lực lượng kiểm soát hải quan: Nhiệm vụ chính của lực lượng kiểm soát là đi sâu điều tra, nắm tình hình, khám phá phát hiện những đường dây buôn lậu có tổ chức theo các phương án đã xây dựng, đi sâu vào các trọng điểm. Trong nhiệm vụ kiểm tra hàng hoá xuất, nhập khẩu, lực lượng kiểm soát chủ yếu kiểm tra trước những trường hợp hàng chuyển tiếp có nghi vấn là xuất nhập khẩu hàng cấm, khai sai tên hàng, số trọng lượng và phẩm cấp hàng. Việc kiểm tra của kiểm soát phải có sự cân nhắc, thận trọng, đã đánh là trúng, tuyệt đối không làm tràn lan, tuỳ tiện. Trường hợp nào đã có lực lượng hải quan kiểm hoá hoặc tái kiểm rồi thì lực lượng kiểm soát hải quan không được kiểm tra lại nữa trừ khi tin chắc rằng lô hàng đã kiểm hoá, tái kiểm kết quả vẫn sai lệch nhiều so với hàng thực xuất, thực nhập.
Giữa các đội kiểm soát phải có sự phân công rõ ràng về nhiệm vụ, địa bàn. Nghiêm cấm đội kiểm soát này kiểm soát lại việc làm của đội kiểm soát khác, gây phiền hà, tốn kém cho chủ hàng, và gây mất đoàn kết nội bộ.
5. Khi một trong ba lực lượng trên đang kiểm hoá hoặc tái kiểm hoá, kiểm soát thì hai lực lượng còn lại không được có mặt. Việc tái kiểm hoá, kiểm soát chỉ được tiến hành sau khi đã kết thúc việc kiểm hoá hoặc tái kiểm hoá.
6. Những điểm liên quan đến công tác kiểm hoá, tái kiểm hoá và kiểm soát trong các văn bản trước đây của Tổng cục, nếu không phù hợp với chỉ thị này thì thực hiện theo chỉ thị này.
7. Cục trưởng Hải quan các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo kiểm tra sâu sát công tác kiểm hoá, tái kiểm hoá và kiểm soát hải quan của đơn vị mình, đồng thời chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng về những việc làm của ba lực lượng nói trên.
8. Giao cho Cục trưởng Cục giám sát quản lý theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này. Hàng tháng có tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Tổng cục kết quả thực hiện.
Nhận được Chỉ thị này, Cục trưởng cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị, cục, vụ, viện trực thuộc Tổng cục và Hiệu trưởng trường Hải quan Việt Nam khẩn trương triển khai và thực hiện tốt những yêu cầu đã nêu trên.
| Phan Văn Dĩnh (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.