ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/CT-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 4 năm 1980 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT SỐ NGƯỜI CƯ TRÚ KHÔNG HỢP PHÁP TẠI THÀNH PHỐ
Để đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 44/CT-TU ngày 21 tháng 11 năm 1979 của Thường vụ Thành ủy và các nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố (khóa 1) kỳ họp thứ 5 và kỳ họp bất thường ngày 24-11-1979 về chủ trương giải quyết vấn đề trật tự an toàn xã hội ở thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố chủ trương giải quyết dứt điểm số người cư trú không hợp pháp ở thành phố trong năm 1980 theo hướng sau đây:
I. – CHÍNH SÁCH GIẢI QUYẾT CỤ THỂ:
1. Đối với số hộ hoặc nhân khẩu ghi ở phần C trong bản đăng ký hộ khẩu cuối năm 1976:
a) Xét cho đăng ký thường trú ở thành phố:
– Số hộ hoặc nhân khẩu (độc thân) đã có nhà ở và đang có việc làm chính đáng, ổn định (đã được thu nhận vào làm trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước hoặc trong các cơ sở kinh tế tập thể, hay đang làm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được Nhà nước cho phép đăng ký sản xuất kinh doanh).
– Số hộ hoặc nhân khẩu (độc thân) tuy không có nhà ở, nhưng đang có việc làm chính đáng, ổn định như trên và được người thân là nhân khẩu thường trú ở thành phố cho ở đậu.
– Người già yếu hoặc bị bệnh mãn tính hết khả năng lao động, không còn nơi nương tựa ở nơi thường trú cũ và được cha mẹ, vợ chồng, con cái là nhân khẩu thường trú ở thành phố bảo lãnh nuôi dưỡng.
b) Không cho đăng ký thường trú ở thành phố, bắt buộc trở về quê cũ hoặc đưa ra các vùng kinh tế mới:
– Số hộ hoặc nhân khẩu có khả năng lao động, nhưng không có việc làm chính đáng ở thành phố, đang kiếm sống bằng những nghề không hợp pháp.
– Số hộ hoặc nhân khẩu có cơ sở sinh sống ở các tỉnh, thành phố khác, nhưng chạy vào thành phố cư trú không hợp pháp để kiếm sống bằng con đường làm ăn phi pháp hoặc trốn tránh pháp luật.
2. Đối với số đồng bào thành phố bỏ kinh tế mới trở về:
Nguyên tắc chung là người ở đâu ra đi thì nay trở về nơi đó để Ủy ban Nhân dân phường, xã xem xét đề xuất ý kiến và Ủy ban Nhân dân quận, huyện xét quyết định đối với từng trường hợp cụ thể:
a) Xét cho đăng ký thường trú ở thành phố:
– Số hộ hoặc nhân khẩu thuộc gia đình thương binh, liệt sĩ hoặc gia đình có công với cách mạng; số gia đình có chồng, con đang tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân, Thanh niên xung phong, vì thiếu sức lao động không thể tiếp tục sinh sống ở vùng kinh tế mới phải trở về thành phố.
– Số hộ hoặc nhân khẩu vì không còn khả năng lao động, gặp nhiều khó khăn không thể tiếp tục sinh sống ở vùng kinh tế mới phải trở về thành phố và được cha, mẹ, vợ hoặc chồn, con cái là nhân khẩu thường trú ở thành phố đang có việc làm chính đáng, ổn định trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước hoặc trong các cơ sở kinh tế tập thể hay đang làm các ngành nghề thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp, được Nhà nước cho phép đăng ký sản nuất kinh doanh cá thể tại thành phố đứng ra bảo lãnh nuôi dưỡng.
– Số hộ hoặc nhân khẩu, tuy không còn cha mẹ, vợ hoặc chồng, con cái là hộ khẩu thường trú ở thành phố, nhưng họ đã tìm kiếm được việc làm chính đáng, ổn định trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước hoặc trong các cơ sở kinh tế tập thể tại thành phố và được người thân hoặc người chủ nhà có hộ khẩu thường trú ở thành phố cho ở đậu để họ đi làm trong các cơ sở đó.
b) Không cho đăng ký thường trú ở thành phố và đưa trở lại vùng kinh tế mới (nơi cũ hoặc mới được xây dựng sau này):
– Số hộ hoặc nhân khẩu có khả năng lao động và tuy được cha mẹ, vợ hoặc chồng, con cái có hộ khẩu thường trú ở thành phố đứng ra bảo lãnh nuôi dưỡng, nhưng chính bản thân cha mẹ, vợ hoặc chòng, con cái của họ lại không có việc làm chính đáng ổn định và làm ăn phi pháp ở thành phố.
– Số hộ hoặc nhân khẩu có cơ sở sinh sống ổn định ở vùng kinh tế mới, nhưng bỏ về thành phố, hoặc một nửa ở lại làm ăn ở vùng kinh tế mới, một nửa chạy về thành phố kiếm sống bằng con đường làm ăn phi pháp.
– Số đồng bào của các tỉnh, thành phố khác đi kinh tế mới chạy về thành phố Hồ Chí Minh.
3. Đối với các trường hợp thuộc gia đình cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước và gia đình cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang:
Xét cho đăng ký thường trú ở thành phố các trường hợp sau:
– Cha mẹ già không còn nơi nương tựa ở chỗ thường trú cũ, vợ hoặc chồng, con cái cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước và trong các lực lượng vũ trang thuộc loại công tác ổn định, lâu dài ở thành phố, được cấp ủy Đảng và cơ quan chính quyền cấp quận, huyện hoặc sở chủ quản, các ban, ngành chuyên môn và Ban Chấp hành các đoàn thể cấp thành phố chứng thực đề nghị cho phép đăng ký hộ khẩu thường trú ở thành phố.
– Cán bộ hưu trí hoặc mất sức lao động không còn nơi nương tựa ở chỗ thường trú cũ, nay xin về ở với cha mẹ, vợ hoặc chồng, con cái là hộ khẩu thường trú ở thành phố.
– Con của thương binh, liệt sĩ hoặc con của gia đình có công với cách mạng không còn cha mẹ, anh chị em ở nơi thường trú cũ nuôi dưỡng và được người thân có hộ khẩu thường trú ở thành phố đứng ra bảo lãnh nuôi dưỡng cho tới tuổi trưởng thành, nhưng phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương.
4. Đối với sĩ quan hoặc viên chức của chế độ cũ học tập cải tạo trở về thành phố.
a) Xét cho đăng ký trở lại thành phố.
– Số người nằm trong tiêu chuẩn hướng dẫn của Ban Quản lý thành phố trước đây (số người thuộc loại cán bộ khoa học, kỹ thuật, chuyên môn, bản thân họ hoặc gia đình họ có công với cách mạng) và được Trại cải tạo giới thiệu về thành phố.
– Số người già yếu hoặc bị bệnh mãn tính không còn khả năng lao động và được cha mẹ, vợ hoặc chồng, con cái là nhân khẩu thường trú ở thành phố đứng ra bảo lãnh nuôi dưỡng.
– Số người thành thạo tay nghề tương đương với công nhân từ bậc 4 trở lên và đang có việc làm chính đáng ổn định trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước hoặc trong các cơ sở kinh tế tập thể.
b) Không cho đăng ký thường trú ở thành phố, bắt buộc trở về quê cũ hoặc đưa ra các khu sản xuất kinh tế:
– Số người trước đây được thành phố gởi đi học tập cải tạo và thể theo yêu cầu của họ, sau khi tiến bộ được các Trại cải tạo cho về quê cũ hoặc giới thiệu đến làm việc tại các công, nông, lâm trường quốc doanh ngoài thành phố, nhưng sau khi ra Trại họ bỏ về cư trú không hợp pháp ở thành phố.
– Số người ở các tỉnh, thành phố khác sau khi học tập tiến bộ được các Trại cải tạo trả về nơi thường trú cũ, nhưng họ chạy vào cư trú không hợp pháp ở thành phố Hồ Chí Minh:
5. – Đối với quân nhân đào ngũ hoặc thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự:
– Giao cho đơn vị cũ hoặc giao cho đơn vị mới tiếp nhận, giáo dục cho trở lại quân đội.
Nếu người nào không chịu trở lại quân đội và có những hành vi xấu, không đủ tiêu chuẩn trở lại quân đội thì bắt buộc lao động tập trung.
– Đối với những người vì hoàn cảnh gia đình có những khó khăn đặc biệt (cha mẹ hoặc vợ con đang bị bệnh nặng, không có người nuôi dưỡng, … và chỉ có người đó là lao động chính trong gia đình) cần được chiếu cố cho tạm hoãn trở lại quân đội hoặc tạm hoãn lệnh gọi nhập ngũ, hay cho phép phục viên trở về địa phương thì Ủy ban Nhân dân quận, huyện xét quyết định cho đăng ký hộ khẩu trở lại thành phố.
6. Đối với Thanh niên Xung phong bỏ đơn vị trở về thành phố:
–Vận động giáo dục và cho phép trở lại đơn vị cũ hoặc giao cho đơn vị mới tiếp nhận, quản lý.
Nếu những người nào không chịu trở lại đơn vị Thanh niên xung phong để tiếp tục công tác và có những hành vi xấu mà đơn vị hoặc địa phương không quản lý được thì bắt buộc lao động tập trung.
– Đối với những người vì hoàn cảnh gia đình có những khó khăn đặc biệt (cha mẹ hoặc vợ con đang bị bệnh nặng, không có người nuôi dưỡng… và chỉ có người đó là lao động chính trong gia đình), thì Ủy ban Nhân dân quận, huyện xét quyêt định cho ở lại địa phương và cho đăng ký hộ khẩu thành phố.
7. Đối với người nước ngoài cư trú không hợp pháp tại thành phố:
Tất cả người nước ngoài cư trú không hợp pháp tại thành phố Hồ Chí Minh đều bị bắt buộc cư trú theo quyết định số 1464/QĐ-UB ngày 8-8-1979 của Ủy ban Nhân dân thành phố và sẽ bị xử lý theo pháp luật nếu có hành vi chống đối.
8. Đối với người bỏ nhà trốn ra nước ngoài bị bắt lại hoặc nay thấy trở lại thành phố:
Người bỏ trốn đi nước ngoài là phạm pháp luật và đều bị bắt buộc định cư tại các khu vực sản xuất do Ủy ban Nhân dân quận, huyện chỉ định.
9. Đối với số người ở các tỉnh, thành phố khác vào cư trú không hợp pháp tại thành phố Hồ Chí Minh:
– Đối với số hộ hoặc nhân khẩu đã được cơ quan công an cấp tỉnh, thành phố khác cấp giấy di chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh nhưng chưa được Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh cho phép đăng ký hộ khẩu thường trú và họ đang có việc làm chính đáng, ổn định trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước hoặc trong các cơ sở kinh tế tập thể tại thành phố Hồ Chí Minh thì xét cho đăng ký hộ khẩu thường trú ở thành phố.
– Đối với số hộ khẩu và nhân khẩu tự ý bỏ nơi thường trú cũ chạy vào cư trú không hợp pháp tại thành phố Hồ Chí Minh thì bắt buộc phải ra khỏi thành phố, trở về nơi ở cũ. Nếu người nào trốn tránh hoặc vì hoàn cảnh đặc biệt nào đó họ không thể trở về nơi ở cũ được nữa, thì bắt buộc định cư ở khu vực sản xuất ngoài thành phố do Ủy ban Nhân dân quận, huyện chỉ định, hay bắt buộc lao động tập trung.
– Đối với những tên tội phạm (kể cả tội phạm về chính trị, kinh tế, hình sự), đều phải bắt giữ giao ngay cho cơ quan công an hoặc chánh quyền địa phương nơi gần nhất của thành phố để xét hình thức xử lý theo pháp luật.
– Học sinh tốt nghiệp các trường đại học, trung học chuyên nghiệp hoặc các trường dạy nghề trong và ngoài nước, … trước là nhân khẩu ở các tỉnh, thành phố khác đến lưu trú học tập tại thành phố Hồ Chí Minh, hoặc học sinh gốc hộ khẩu ở thành phố, nay không chịu sự điều động của các cơ quan chủ quản đi công tác tại các tỉnh, thành phố khác, ở lại cư trú không hợp pháp tại thành phố, sống lêu lổng hoặc làm ăn phi pháp thì trước hết thông báo cho các trường Đại học, Trung học, … xét việc rút lại bằng tốt nghiệp và đưa đi lao động tập trung như người dân bình thường khác.
10. Đối với các trường hợp cư trú không hợp pháp:
a) Đối với số hộ khẩu hoặc nhân khẩu chuyên sống lang thang trên các lề đường hoặc ở những nơi công cộng trong thành phố (bến xe, nhà ga, chợ, công viên, rạp hát,…), không có việc làm chính đáng ở thành phố và đang làm ăn phi pháp thì tùy theo đối tượng, khả năng lao động và hoàn cảnh gia đình của từng trường hợp mà vận dụng 1 trong những hình thức xử lý sau đây;
– Vận động họ trở về quê cũ làm ăn sinh sống (nếu có).
– Đưa ra các vùng kinh tế mới của thành phố.
– Bắt buộc lao động (nếu là người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động nhưng lười biếng không chịu lao động, sống lang thang lêu lỏng và làm ăn phi pháp).
– Bắt tập trung cải tạo (nếu là lưu manh chuyên nghiệp hoặc tội phạm có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội).
– Đưa vào trường phổ thông công nghiệp (nếu là thiếu niên hư, phạm pháp hoặc trẻ bụi đời).
b) Đối với người tàn tật, già yếu không còn nơi nương tựa phải đi ăn xin, ăn mày hoặc số người nghiện xì ke nặng, gái mãi dâm chuyên nghiệp thì đưa vào các trại cứu tế xã hội nuôi dưỡng và chữa bệnh.
c) Đối với số người cùi hủi hoặc bị bệnh tâm thần nặng sống lang thang ngoài đường thì gom vào các Trại chuyên khoa của Sở Y tế thành phố trị bệnh.
d) Đối với người số người trốn khỏi các trường trại cải tạo lao động hoặc các trường trại phục hồi nhân phẩm về cư không hợp pháp ở thành phố, thì thu gom lại và phân loại xử lý như sau:
– Giao lại cho các Trường, Trại mới tiếp nhận, quản lý, cải tạo giáo dục và bắt buộc lao động.
– Người nào đã trốn khỏi Trường, Trại từ 3 lần trở lên hoặc trốn ra ngoài hoạt động phi pháp thì bắt tập trung cải tạo.
II. – TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để giải quyết dứt điểm số người cư trú không hợp pháp trong năm 1980, Ủy ban Nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Sở Công anh thành phố có kế hoạch hướng dẫn và cùng các ngành liên quan tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này.
1) Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân, phối hợp với các thể, Công an phường, xã lập danh sách, hồ sơ phân loại số người, số hộ đang cư trú không hợp pháp tại địa phương mình và đưa ra Hội đồng xét duyệt của phường, xã (gồm Công an, phường xã đội, Đoàn Thanh niên cộng sản, Hội Phụ nữ, do Chủ tịch Ủy ban chủ trì) xem xét và đề xuất với Ủy ban Nhân dân quận, huyện biện pháp giải quyết đối với từng trường hợp theo đúng tinh thần của chỉ thị này (Người cư trú không hợp pháp giải quyết theo chỉ thị này là những người có mặt sinh sống ở thành phố trước ngày 31-12-1979).
2) Ủy ban Nhân dân quận, huyện có trách nhiệm xem xét hồ sơ và quyết định biện pháp giải quyết đối với từng trường hợp trong từng loại đối tượng kể trên và giao trách nhiệm cho UBND phường, xã thông báo quyết định giải quyết của UBND quận, huyện cho từng hộ, từng người và yêu cầu họ chấp hành nghiêm túc.
3) Ban Điều phối định cư và cải tạo lao động thành phố có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban Nhân dân quận, huyện, Sở Công an, Sở Thương binh và xã hội, Ban chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong thành phố, Ban Kinh tế mới thành phố gấp rút củng cố các cơ sở sẵn có hoặc xây dựng thêm các trường giáo dục lao động công – nông nghiệp, các khu định cư và các khu sản xuất để tiếp nhận và quản lý số người bắt buộc lao động tập trung, bắt buộc định cư ngoài phạm vi thành phố.
4) Ban Vận động hồi hương xây dựng kinh tế mới thành phố có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các địa phương chăm sóc đến sản xuất, đời sống ở các vùng kinh tế mới sẵn có, nhằm tích cực ngăn chặn không để người đã đi kinh tế mới về thành phố cư trú không hợp pháp, đồng thời có kế hoạch tiếp nhận số người trước đây bỏ đi nay trở lại theo yêu cầu của các quận, huyện.
5) Bộ Tư lệnh thành phố làm tốt việc thu quân và quản lý tốt số quân nhân đào ngũ hoặc thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự do các quận, huyện gởi đến; đồng thời chỉ đạo các cơ quan quân sự địa phương hợp đồng chặt chẽ với các cấp, các ngành chức năng của thành phố giải quyết tốt số người cư trú không hợp pháp ở thành phố.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.