ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/CT-UBND | Thanh Hóa, ngày 20 tháng 06 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ PHÁT ĐỘNG XÓA MÙ CHỮ GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
Thực hiện Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005- 2010”, công tác xóa mù chữ (XMC) ở tỉnh ta trong những năm qua đạt kết quả cao. Tuy nhiên, do một số nơi cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, ngành Giáo dục, trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ)… chưa thực sự quan tâm thường xuyên đến công tác xóa mù chữ (XMC), cùng với một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ học XMC nên số người mù chữ và tái mù chữ ở đó còn cao, kết quả thanh toán mù chữ chưa thật sự bền vững; thậm chí có nơi số người mù chữ tăng lên; đặc biệt là ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng bãi ngang, đồng bào sống trên sông, trong đó người tàn tật, phụ nữ, trẻ em gái mù chữ chiếm tỷ lệ cao.
Để thực hiện Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012- 2020”; Quyết định 692/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Chính phủ phê duyệt “Đề án xóa mù chữ đến năm 2020” và Quyết định 1666/2012/QĐ-UBND ngày 01/6/2012 của UBND tỉnh phê duyệt “Đề án xây dựng xã hội học tập ở Thanh Hóa đến năm 2020” đồng thời thực hiện quyền được biết chữ của mọi người, UBND tỉnh phát động đợt thanh toán mù chữ giai đoạn 2013 - 2015, với những nội dung chủ yếu sau:
I. Mục tiêu đến năm 2015:
1. Thanh toán mù chữ cho 97% trở lên số người còn mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 để nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi này lên 99% trở lên.
Số người từ 15 đến 35 tuổi chung của cả tỉnh biết chữ đạt 99,8% trở lên.
2. Đảm bảo cho trên 95% người mới được XMC được học các lớp sau XMC dưới các hình thức linh hoạt để duy trì XMC vững chắc.
3. 100% các huyện, thị xã, thành phố; 100% các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia chống mù chữ giai đoạn 2013 - 2020.
II. Nhiệm vụ và giải pháp
1. Nâng cao nhận thức về chống mù chữ.
- Tổ chức tuyên truyền rộng khắp ở mọi địa bàn dân cư trong tỉnh, đến mọi người dân, nhất là các địa bàn còn nhiều người mù chữ về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đảm bảo quyền được biết chữ của mọi người đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng. Biết chữ là một trong những quyền cơ bản của con người, quan hệ mật thiết với xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các quyền cơ bản khác, góp phần xây dựng xã hội học tập, xây dựng nông thôn mới…
- Kết hợp giữa tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng với tuyên truyền miệng, khẩu hiệu, biểu ngữ, pa nô, áp phích, phát động thi đua…
- Đề cao trách nhiệm tuyên truyền của các tổ chức đoàn thể, hội quần chúng đến hội viên, đoàn viên tự giác XMC và vận động người chưa biết chữ đi học XMC. Xóa mù chữ là giải pháp quan trọng để nâng cao trình độ và chất lượng tổ chức, hội viên, đoàn viên của các đoàn thể nhân dân và lực lượng lao động xã hội.
2. Trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện của UBND cấp huyện, cấp xã
- UBND cấp huyện trực tiếp chỉ đạo công tác XMC trên địa bàn. Ban chỉ đạo XDXHHT huyện đồng thời là Ban chỉ đạo XMC cùng cấp. Kết quả XMC là một trong các chỉ tiêu quan trọng đầu tiên để thực hiện Đề án XDXHHT giai đoạn 2012-2020 và xét thi đua khen thưởng hàng năm.
- UBND cấp xã chỉ đạo BCĐXDXHHT cùng cấp, các trường tiểu học, trung học cơ sở, TTHTCĐ, các trưởng thôn, bản, khu phố phối hợp với các đoàn thể, Hội Khuyến học tổ chức điều tra đến từng hộ gia đình để lập danh sách những người còn mù chữ từ 15 đến 60 tuổi. Việc điều tra, lập danh sách người mù chữ phải được tiến hành chặt chẽ, chu đáo, không được bỏ sót.
Ban chỉ đạo XDXHHT cấp xã, căn cứ danh sách người mù chữ để vận động và phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm xóa mù chữ cho từng người:
+ Tổ chức các lớp XMC tập trung, mỗi lớp khoảng 5 học viên ở các địa bàn thuận lợi hoặc phân công XMC kèm cặp cho 1 - 2 người ở địa bàn khó khăn và người mù chữ không có điều kiện học tập trung.
+ Lực lượng XMC thực hiện theo phương châm “Người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ”. TTHTCĐ đưa nhiệm vụ XMC vào kế hoạch hoạt động và coi là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của các năm 2013-2015.
3. Thời gian điều tra lập danh sách người mù chữ và báo cáo:
- Cấp xã: Tổ chức điều tra xong trước ngày 10/9/2013. Chủ tịch UBND cấp xã báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện trước ngày 15/9/2013 (qua Ban chỉ đạo XDXHHT huyện) theo mẫu hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Chủ tịch UBND cấp huyện báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 25/9/2013. (qua Ban chỉ đạo XDXHHT tỉnh) theo mẫu hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Ban chỉ đạo XDXHHT tỉnh tổng hợp và xây dựng kế hoạch chỉ đạo từng năm báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
4. Kế hoạch tổ chức XMC được chia làm hai đợt.
Đợt I: Từ tháng 10/2013 - đến tháng 9/2014. Lấy ngày 02/10/2013 khai mạc tuần lễ học tập suốt đời là ngày phát động xóa mù chữ giai đoạn 2013- 2015. Sơ kết đợt I vào ngày Khuyến học Việt Nam 02/10/2014.
Đợt II: Từ ngày 02/10/2014 đến tháng 10/2015: Tiếp tục XMC cho những người chưa được XMC hoặc XMC chưa đạt yêu cầu, tiếp tục mở các lớp sau XMC.
Huyện, xã tổng kết XMC giai đoạn 2013-2015 vào ngày Khuyến học Việt Nam 02/10/2015, báo cáo kết quả XMC giai đoạn 2013-2015 lên cấp trên; tổ chức khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng. Tổng kết XMC cấp tỉnh giai đoạn 2013-2015 vào cuối năm 2015.
5. Kinh phí XMC giai đoạn 2013-2015 chủ yếu từ kinh phí chương trình mục tiêu Quốc gia giáo dục đào tạo và ngân sách sự nghiệp giáo dục hàng năm theo hướng dẫn của Sở Tài chính.
6. Tổ chức thực hiện.
a) Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh hướng dẫn kế hoạch thực hiện, mẫu danh sách người chưa biết chữ, các mẫu báo cáo, cung cấp tài liệu XMC, xác định chuẩn công nhận thanh toán mù chữ, chương trình tài liệu sau XMC; tổng hợp kết quả thực hiện hàng năm, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, hướng dẫn công nhận xã, huyện đạt chuẩn Quốc gia XMC giai đoạn 2013-2020, đề nghị khen thưởng v.v...
Ngành Giáo dục và Đào tạo là lực lượng chủ công của công tác XMC giai đoạn 2013-2015, nên cần huy động tất cả các cơ sở giáo dục, giáo viên các ngành học, cấp học, học sinh THCS, THPT, BTTHPT; học sinh, sinh viên các trường dạy nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học tham gia xóa mù chữ.
b) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo lập dự toán kinh phí XMC cho toàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh và trình HĐND tỉnh hàng năm; hướng dẫn các định mức chi và phân bổ kinh phí cho cấp huyện.
c) Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn Biên phòng và tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ tiếp tục tham gia XMC tại địa bàn đứng chân, nhất là các xã vùng cao, biên giới và ven biển.
d) Đề nghị Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo và Hội Khuyến học các cấp tham gia điều tra, thống kê người từ 15 đến 60 tuổi mù chữ, vận động người mù chữ, nhất là hội viên, đoàn viên của đoàn thể mình đi học XMC và vận động cán bộ, hội viên dạy XMC. Đoàn Thanh niên CSHCM, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Sinh viên vận động thanh thiếu niên biết chữ dạy cho người mù chữ và tổ chức các đội thanh niên tình nguyện đến các xã vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn dạy XMC.
Hội Khuyến học các cấp phát huy vai trò nòng cốt trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo trong mọi mặt hoạt động XMC, coi công tác XMC là một nhiệm vụ Khuyến học trọng tâm và chỉ đạo TTHTCĐ thực hiện.
Ban chỉ đạo XDXHHT tỉnh giúp UBND tỉnh thực hiện chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả XMC giai đoạn 2013-2015./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.