ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 05 năm 1991 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÔNG TÁC TRỒNG CÂY, GÂY RỪNG, BẢO VỆ RỪNG NĂM 1991
Sau gần 16 năm thành phố thực hiện “Tết trồng cây”, toàn thành phố đã trồng được trên 95 triệu cây phân tán và gần 27.000 ha rừng tập trung các loại. Đặc biệt năm 1990 thành phố phát động phong trào trồng cây kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch và 38 năm ngày Bác Hồ khởi xướng “Tết trồng cây”. Kết quả đã trồng được 5.014.000 cây phân tán trên 5 triệu kế hoạch, đạt 100,3% kế hoạch/năm và 704 ha rừng tập trung trên 500 ha kế hoạch, đạt 141%/năm. Phong trào trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng của thành phố ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia, đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người trồng rừng.
Bên cạnh kết quả đạt được năm 1990, vẫn còn một số thiếu sót tồn tại lập lại của các năm trước, chưa khắc phục được. Nạn chặt phá rừng vẫn gia tăng, xảy ra nhiều nơi, nhất là ở Củ Chi, Duyên Hải, Thủ Đức một số cây trục đường giao thông… Việc xử lý những vi phạm vẫn chưa nghiêm túc và kịp thời. Công tác giao đất giao rừng cho các hộ dân làm chậm (mới được 25 hộ/1990). Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng chưa định rõ. Bản thân rừng (rừng phòng hộ) không thể lấy khai thác tỉa thưa mà đủ chi cho công tác chăm sóc bảo vệ rừng.
Để khắc phục những thiếu sót, đồng thời đẩy mạnh công tác trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chỉ tiêu kế hoạch năm 1991, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành, các cấp, các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị sản xuất lâm nghiệp thực hiện một số công việc trong năm 1991 như sau:
1/ Sở Nông nghiệp thành phố và các quận huyện, các đơn vị sản xuất lâm nghiệp cần tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả công tác trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng vừa qua. Đồng thời tổ chức lễ phát động phong trào trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng năm 1991 ở thành phố và huyện ngoại thành nhân ngày sinh nhật của Bác Hồ 19/5 để cổ vũ, thúc đẩy phong trào trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh của thành phố. Phấn đấu đến năm 1995 hoàn thành căn bản phủ xanh đất lâm nghiệp hoang trống của thành phố, hình thành hệ thống cây xanh và rừng phòng hộ môi trường thành phố theo Chỉ thị số 53/CT-HĐBT ngày 24-2-1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
2/ Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Sở Nông nghiệp có trách nhiệm cùng với quận huyện, các ban ngành, các đơn vị sản xuất lâm nghiệp sớm phân bổ chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện: vốn, vật tư, giống, phương tiện, kỹ thuật cho kế hoạch trồng rừng, kịp triển khai vào đầu mùa mưa. Năm 1991 ngoài những loại cây trồng chính như các năm (tràm, đước, dừa nước, keo lá tràm, tre trúc…) cần chú ý động viên bà con phát triển trồng cây song mây quanh vườn nhà để bảo vệ và đan lát xuất khẩu, trồng xoan làm nhà. Đồng thời phải khoanh nuôi các loại cây rừng tự nhiên hiện có để rừng phòng hộ đa dạng, phát huy tác dụng bảo vệ môi trường.
3/ Về nguồn vốn, Trung ương và thành phố cố gắng giải quyết vốn trồng rừng năm 1991, nhưng do nguồn vốn có hạn, cần tập trung các nguồn vốn theo từng đối tượng sau đây:
- Đối với diện tích trồng rừng phòng hộ môi trường do vốn ngân sách cấp.
- Đối với diện tích trồng rừng kinh tế, bằng vốn tự có, vốn liên doanh và vốn vay ngân hàng theo lãi suất quy định cho từng loại cây con.
- Trồng cây phân tán trong nhân dân, bằng nguồn vốn tự có của các đơn vị cơ sở, hộ gia đình tự trồng.
Ủy ban Kế hoạch thành phố, Sở Tài chánh, Ngân hàng đầu tư và Sở Nông nghiệp khẩn trương duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật, giao chỉ tiêu kế hoạch và vốn cho các đơn vị kịp thời triển khai đúng thời vụ.
4/ Về công tác giao đất giao rừng và kiểm tra bảo vệ rừng, cần làm tốt các mặt sau đây:
Thúc đẩy nhanh tiến độ công tác giao đất giao rừng cho các đơn vị và hộ dân, làm cho rừng thật sự có chủ, phải thực hiện đầy đủ, đúng quy định thủ tục, chế độ chính sách đã ban hành.
- Tăng cường công tác kiểm tra phòng chống cháy và chặt phá rừng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân và biểu dương, khen thưởng bằng tinh thần, vật chất đối với những đơn vị, cá nhân có thành tích bảo vệ rừng. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với những đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm pháp lệnh bảo vệ rừng. Ủy ban nhân dân các huyện, xã, các đơn vị kiểm lâm, nông lâm trường kiên quyết ngăn chặn nạn chặt phá rừng tràn lan như hiện nay.
5/ Về tổ chức thực hiện
- Ngành nông nghiệp thành phố chịu trách nhiệm phối hợp với các ngành kế hoạch, tài chính, ngân hàng, giáo dục, thống kê, các quận, huyện, các đơn vị sản xuất lâm nghiệp, đoàn thể, lực lượng vũ trang thành phố triển khai ngay nội dung chỉ thị này, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả. Hàng tháng, quý, tổ chức kiểm tra đôn đốc thực hiện và báo cáo những kết quả đã làm được và những vướng mắc khó khăn về Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời giải quyết.
- Các cơ quan như Sở Văn hoá thông tin, các báo, đài phát thanh, truyền hình, ban thi đua khen thưởng thành phố có kế hoạch đưa tin, biểu dương khen thưởng vật chất, tinh thần cho những cá nhân, tập thể, đơn vị có thành tích trong phong trào trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng ở thành phố đạt kết quả tốt.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.