BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 12-CT/TW | Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 2007 |
CHỈ THỊ CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG - AN NINH TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Thực hiện chỉ thị số 62/CT-TW, ngày 12-02-2001 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về “Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trước tình hình mới, công tác giáo dục quốc phòng đã được triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ đến mọi cấp, mọi ngành và toàn dân, từng bước đi vào nền nếp. Hội đồng Giáo dục quốc phòng từ Trung ương đến địa phương được củng cố và kiện toàn, phát huy tốt trách nhiệm làm tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giáo dục quốc phòng, an ninh. Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng được các cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng nội dung chương trình; đối tượng được mở rộng; đạt được một số kết quả nhất định. Giáo dục quốc phòng đối với học sinh, sinh viên ở các loại hình đào tạo được triển khai thực hiện trong chương trình đào tạo chính khóa; thông qua giáo dục quốc phòng và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhận thức và trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Kết quả đạt được trong những năm qua đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục quốc phòng, an ninh.
Tuy vậy, trong tổ chức thực hiện công tác giáo dục quốc phòng, an ninh còn bộc lộ một số yếu kém:
Nhận thức và trách nhiệm đối với nhiệm vụ giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới của một số cấp ủy, chính quyền, bộ, ngành Trung ương và cơ sở, của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong đó có cả cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành chưa sâu sắc, do đó tránh nhiệm chưa cao, chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư đúng mức cho công tác này, cá biệt còn có cán bộ chủ chốt ngại đi học bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh. Tỉ lệ cán bộ, đảng viên được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh chưa cao, nhất là các doanh nghiệp lớn của Nhà nước. Tuyên truyền giáo dục quốc phòng toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa được coi trọng, hiệu quả thấp. Giáo viên giáo dục quốc phòng, an ninh chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng; phương pháp tổ chức thực hiện ở nhiều cơ sở giáo dục - đào tạo chậm đổi mới nên chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh còn nhiều hạn chế, nhất là ở các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và một số trường cao đẳng, đại học. Tiến độ xây dựng các trung tâm giáo dục quốc phòng cho sinh viên thực hiện chậm.
Để khắc phục những yếu kém, khuyết điểm nêu trên, đưa công tác giáo dục quốc phòng, an ninh đi vào chiều sâu, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với sự nghiệp quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ sau đây:
1- Tiếp tục nghiên cứu, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với nhiệm vụ giáo dục quốc phòng, an ninh; công tác giáo dục quốc phòng, an ninh phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và vai trò tham mưu của các ban, ngành, nòng cốt là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
2- Thường xuyên tiến hành giáo dục các quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về nhiệm vụ giáo dục quốc phòng, an ninh; hướng dẫn nội dung, phương pháp, kinh nghiệm, cách tổ chức thực hiện theo yêu cầu đặt ra cho từng đối tượng cán bộ các cấp, các ngành, đảng viên và quần chúng nhất là các thế hệ trẻ để có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về nhiệm vụ xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân, thấy rõ trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kiên quyết đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.
3- Giáo dục quốc phòng, an ninh là một bộ phận của nền giáo dục quốc dân, việc phổ cập và tăng cường giáo dục quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, phải được chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng, kết hợp giáo dục thường xuyên với giáo dục tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lịch sử truyền thống của Đảng, của dân tộc, lòng tự tôn dân tộc, ý thức sống và làm việc theo pháp luật, trong đó xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục quốc phòng, an ninh cho phù hợp với từng đối tượng. Chỉnh sửa, bổ sung và biên soạn giáo trình, giáo khoa, tài liệu giáo dục quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
4- Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Công an rà soát cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức, dự nguồn thuộc diện Trung ương quản lý chưa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh tại Học viện Quốc phòng; ban tổ chức cấp ủy các cấp chủ trì, phối hợp với cơ quan quân sự, công an cung cấp rà soát cán bộ lãnh đạo, quản lý do cấp ủy quản lý chưa học bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh tại các trường quân sự quân khu, trường quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để lập kế hoạch bồi dưỡng cho từng năm, bảo đảm trong nhiệm kỳ công tác, cán bộ đều được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh. Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh là tiêu chuẩn bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên, là một trong những tiêu chí để xem xét, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
5- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ sở có liên quan thống nhất nội dung giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên và toàn dân, nhất là thế hệ trẻ, để mọi người có kiến thức cơ bản về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo hướng dẫn báo chí và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục quốc phòng, an ninh cho toàn dân, đặc biệt quan tâm đến nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
6- Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2001/NĐ-CP ngày 01-5-2001 về giáo dục quốc phòng phù hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, bảo đảm và kiểm tra việc thực hiện ngân sách cho công tác giáo dục quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định hiện hành.
Hoàn thiện cơ chế quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện giáo dục quốc phòng, an ninh các cấp, củng cố, phát huy vai trò tham mưu, tư vấn, nâng cao hiệu lực và trách nhiệm hoạt động của Hội đồng Giáo dục quốc phòng, an ninh các cấp từ Trung ương đến cơ sở, xã phường, thị trấn, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng, an ninh.
7- Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan, nghiên cứu nâng cấp, mở rộng các trường quân sự quân khu, trường quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hệ thống các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện để đảm nhận chức năng giáo dục quốc phòng, an ninh cho học sinh, sinh viên và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở.
8- Đảng ủy Quân sự Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương có trách nhiệm giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác giáo dục quốc phòng, an ninh; chủ trì phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ kết quả thực hiện.
Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ.
| T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.