ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/CT-UBND | Gia Lai, ngày 21 tháng 04 năm 2016 |
CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC HUY ĐỘNG HỌC SINH ĐẾN TRƯỜNG VÀ HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG HỌC SINH BỎ HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
Trong những năm qua, việc huy động học sinh đến trường, lớp và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học được các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành giáo dục - đào tạo nỗ lực, phối hợp triển khai thực hiện; nhiều đơn vị đã có những cách làm tích cực, vận dụng nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nên tỉ lệ huy động học sinh đến trường khá cao đặc biệt là ở bậc tiểu học.
Tuy nhiên, so với chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, tình hình huy động học sinh đến trường ở các cấp, bậc học là chưa đạt; tình trạng học sinh bỏ học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông vẫn còn nhiều; nhất là giai đoạn đầu học kỳ II của năm học; công tác vận động học sinh bỏ học trở lại trường, lớp còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.
Để tăng cường công tác huy động học sinh đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, nhằm tăng tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi và nâng cao hiệu quả đào tạo ở các cấp, bậc học trong thời gian tới; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nhà trường, hội khuyến học tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc vận động trẻ trong độ tuổi đến trường, tạo điều kiện cho con em đi học đầy đủ. Xem việc huy động học sinh đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Các cấp, các ngành liên quan cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình huy động trẻ đến trường, tình trạng học sinh bỏ học trong thời gian qua và tổ chức huy động học sinh đến trường đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Hướng dẫn cụ thể các hoạt động trong ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường” qua đó nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân về việc đưa con em đến trường, lớp học đúng độ tuổi; khuyến khích, tạo điều kiện cho con em đi học, không bỏ học giữa chừng và chuẩn bị mọi điều kiện để khai giảng năm học mới đạt kết quả tốt. Tiếp tục triển khai cuộc vận động “Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì đang gặp khó khăn trong học tập”.
- Chỉ đạo cụ thể việc tổ chức dạy và học đối với những đơn vị trường học bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt, khô hạn kéo dài, vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi tập quán làm ăn theo mùa vụ. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, vận động các em bỏ học trở lại trường lớp, có sự cam kết giữa nhà trường và gia đình. Đồng thời phân công giáo viên phụ trách các thôn, làng, tổ dân phố để vận động học sinh ra lớp.
- Hướng dẫn quy trình quản lý học sinh để thực hiện công tác chống bỏ học; phổ biến các biện pháp, giải pháp chống bỏ học đã thực hiện có hiệu quả đến các đơn vị trong toàn ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương để vận dụng; tăng cường công tác kiểm tra thực tế đối với các đơn vị trường học có số học sinh bỏ học nhiều để bàn biện pháp chấn chỉnh ngay tình trạng học sinh bỏ học. Thực hiện khen thưởng, kỷ luật kịp thời và đúng quy định.
- Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo thường xuyên quán triệt cho cán bộ, giáo viên về mục đích, ý nghĩa của việc huy động học sinh trong độ tuổi đi học và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng; theo dõi việc huy động học sinh và tình trạng học sinh bỏ học tại các đơn vị trường học, thường xuyên kiểm tra nắm tình hình để tham mưu hoặc uốn nắn kịp thời. Xây dựng chương trình phù hợp với năng lực của học sinh; kế hoạch dạy học theo hướng phát triển năng lực và thực hiện đúng chương trình giảm tải theo quy định của Bộ; bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp.
- Chỉ đạo các đơn vị trường học cần tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức tốt việc phụ đạo học sinh yếu kém, tăng cường giảng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích, thiếu trung thực trong đánh giá, thi cử; đẩy mạnh các hoạt động phong trào trong nhà trường phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, nhằm thu hút các em đến lớp.
- Thực hiện miễn, giảm các khoản đóng góp đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn theo quy định và tham mưu UBND tỉnh xử lý các khoản hỗ trợ cần thiết, phù hợp.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phải có trách nhiệm trong việc huy động học sinh và chống bỏ học ở các trường thuộc các phường, xã, thị trấn để bảo đảm việc thực hiện chỉ tiêu huy động học sinh đến trường; thực hiện các giải pháp tích cực để tất cả các học sinh có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học đến trường ngay từ đầu năm học mới và thường xuyên quan tâm để ngăn ngừa hiện tượng học sinh bỏ học.
- Có trách nhiệm chỉ đạo ngành văn hóa thông tin phối hợp với ngành giáo dục huyện và các ngành, đoàn thể liên quan tổ chức tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ nghĩa vụ, lợi ích của việc học tập để nâng cao dân trí, tạo điều kiện để xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện "Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường", thống nhất và đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch huy động học sinh ra lớp.
- Phân công trách nhiệm cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể và nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên tham gia công tác huy động học sinh đến trường, lớp và chống bỏ học tại địa phương. Tổ chức sơ, tổng kết, kiểm điểm, phê bình, rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời những tổ chức cá nhân làm tốt công tác này.
- Thực hiện quản lý tốt về nhân khẩu, khai sinh, đăng ký tạm trú, tạm vắng đối với trẻ trong độ tuổi đi học, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có nguy cơ buộc con em bỏ học giữa chừng. Gắn việc thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo ở địa phương với nghĩa vụ học tập đối với con em trong gia đình. Thực hiện các biện pháp phối hợp như: Đưa tiêu chí huy động học sinh đến trường, lớp và chống bỏ học vào việc xét công nhận gia đình, thôn, làng văn hóa, đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh... Xây dựng "Gia đình, dòng họ hiếu học" để tạo điều kiện, giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập; tổ chức tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng những tổ chức, dòng họ, gia đình, cá nhân tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương.
- Tranh thủ các nguồn lực xã hội cùng với nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn để được tiếp tục đến trường.
4. Tỉnh đoàn Thanh niên chỉ đạo các tổ chức cơ sở đoàn trực thuộc phối hợp với các trường thực hiện tốt công tác tuyên truyền, trực tiếp vận động học sinh đến trường; vận động giúp đỡ về vật chất, tinh thần đối với học sinh có nguy cơ bỏ học (do học yếu không theo kịp chương trình học, lưu ban rồi bỏ học; do kinh tế gia đình khó khăn; do nhà xa trường, phương tiện đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt...) để các em có điều kiện tiếp tục đến trường.
5. Các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục, Luật Giáo dục, cũng như việc huy động học sinh đến trường và chống bỏ học... Kịp thời đưa tin tuyên truyền, giới thiệu các tập thể và cá nhân điển hình, kể cả gương tốt và chưa tốt trong việc vận động học sinh đến trường, lớp và chống bỏ học. Vào tháng 8 và đầu tháng 9 hàng năm, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các đài truyền thanh, truyền hình địa phương tăng thời lượng tuyên truyền về "Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”.
6. Các ngành Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực cho giáo dục theo chủ trương của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, đặc biệt là ở các vùng khó khăn về điều kiện dạy-học; tham mưu đề xuất các chế độ, chính sách có tác động trực tiếp đến việc huy động học sinh đến trường, chống bỏ học và phục vụ nâng cao chất lượng giảng dạy va học tập.
Việc huy động học sinh đến trường, lớp, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học nhằm phục vụ yêu cầu nâng tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục trong ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh. Vì vậy Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.