ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/CT-UBND | Quy Nhơn, ngày 08 tháng 10 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh tại một số tỉnh đã xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa chưa được chính quyền các địa phương, các ngành, các cấp quan tâm đúng mức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn thấp, các lực lượng tuần tra, kiểm soát chưa kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện.
Ở tỉnh ta, mặc dù chưa có vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng nào xảy ra, nhưng tình trạng người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm kỹ thuật; nhiều bến đò không đảm bảo an toàn, không có cầu cập phương tiện tàu thuyền còn nhiều. Để đề phòng tai nạn giao thông đường thủy nội địa xảy ra, đồng thời tăng cường công tác quản lý phương tiện, bến bãi và người điều khiển phương tiện thủy nội địa nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật Giao thông đường thủy nội địa, Chỉ thị số 31/2005/CT-TTg ngày 29/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các ngành chức năng có liên quan thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ sau:
1. UBND các huyện, thành phố
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa đối với các tầng lớp nhân dân của địa phương mình, bằng nhiều hình thức sát thực, phù hợp với từng đối tượng.
- Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý đối với các bến đò, kể cả bến đò phát sinh trong mùa mưa lũ, các phương tiện thuyền, đò của các tổ chức cá nhân trên địa bàn; tăng cường kiểm tra các tổ chức cá nhân khai thác bến đò phải thực hiện nghiêm quy định về bến đò, trong đó phải có cầu cập tàu thuyền đảm bảo an toàn. Phương tiện thủy khi hoạt động phải đảm bảo đầy đủ các thủ tục theo quy định hiện hành: phải được đăng kiểm kỹ thuật, đăng ký hành chính; người điều khiển phương tiện phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; người đi đò phải mặc áo phao hoặc mang, đeo các vật dụng nổi.
- Có biện pháp yêu cầu người điều khiển phương tiện tham gia các lớp học bồi dưỡng pháp luật về giao thông đường thủy nội địa để được cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ chuyên môn hoặc các lớp đào tạo để được cấp bằng thuyền trưởng thủy nội địa.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường và các phòng, ban chức năng kiểm tra, rà soát lại công tác xây dựng, quản lý các bến đò dọc, bến khách ngang sông trên địa bàn phường, xã thuộc địa phương mình quản lý.
- Kiên quyết không cho phép hoạt động đối với các bến bãi, các phương tiện thủy, người điều khiển phương tiện không đầy đủ các giấy tờ theo quy định, phương tiện thủy không có công năng vận tải hành khách làm phương tiện chở khách.
- Tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành chức năng giải tỏa các đăng đáy, chồ, rớ, lấn, chiếm luồng chạy tàu, thuyền, nhất là luồng chạy tàu thuyền ra vào Cảng Quy Nhơn, Cảng Thị Nại.
2. Đài Phát thanh –Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định
Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thực hiện các chuyên mục, xây dựng phóng sự truyền hình, thông tin tuyên truyền sâu, rộng đến các tầng lớp nhân dân việc thực hiện quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; cảnh báo các bến đò, đò chở khách không đảm bảo an toàn, hậu quả của những vụ chìm đò do chấp hành không nghiêm pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa...
3. Sở Giao thông Vận tải
- Tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện đến đăng ký hành chính, đăng kiểm kỹ thuật cho các phương tiện theo đúng quy định tại Điều 24, 25 Luật Giao thông đường thủy nội địa; hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép hoạt động bến khách thủy nội địa. Tham mưu cho UBND tỉnh quy định điều kiện đảm bảo an toàn cho các phương tiện thuộc diện không phải đăng ký hành chính, đăng kiểm kỹ thuật khi hoạt động trên đường thủy nội địa, theo Khoản 4, Điều 24 Luật Giao thông đường thuỷ nội địa.
- Có kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn và giấy chứng nhận học tập pháp luật giao thông đường thủy nội địa cho người tham gia giao thông đường thủy nội địa theo quy định; phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố xử lý triệt để các phương tiện không thực hiện đăng ký hành chính, đăng ký kỹ thuật.
- Chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các phương tiện, người lái phương tiện tại các cảng, bến. Kiên quyết xử lý những bến bãi không có giấy phép hoạt động, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa. Không để các phương tiện không đủ điều kiện an toàn rời cảng, bến.
- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra hoạt động vận tải khách, đặc biệt đối với các bến và phương tiện vận tải khách ngang sông.
4. Công an tỉnh
- Chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của các phương tiện thủy nội địa, nhất là các tuyến, các tụ điểm có mật độ phương tiện thủy lớn và các tuyến đò ngang; phối hợp có hiệu quả với các ngành, đặc biệt là ngành giao thông vận tải trong việc kiểm tra phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông. Kiên quyết xử lý nghiêm các phương tiện chở quá tải, chở quá số người quy định, phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa không có đăng ký hành chính, đăng kiểm kỹ thuật; thuyền viên, người lái phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn; các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông không có giấy phép hoạt động.
- Giao Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thành lập các Đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động của các bến đò, đò chở khách và việc triển khai thực hiện Chỉ thị này của các địa phương trong tỉnh, báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo, xử lý.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu UBND các huyện, thành phố, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh và các ban, ngành liên quan khẩn trương có biện pháp tổ chức triển khai thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.