CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 106-CT | Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 1991 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC TRỒNG RỪNG ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỌC
Trải qua nhiều thế hệ, do các nguyên nhân khác nhau tác động đã làm cho rừng và thảm thực vật của nước ta bị tàn phá khánh kiệt, gây cho mọi người có tật xấu không biết quý trọng cây xanh đối với sự sống. Hiện nay chúng ta đã bắt đầu thấy đó là tác hại trực tiếp uy hiếp đến cuộc sống, môi trường, sinh thái, đến kinh tế hàng hoá từ rừng. Trước đây Bác Hồ và hiện nay Đảng và Nhà nước đã và đang có các dự án lớn để từng bước khôi phục rừng và thảm cây xanh, trong đó hệ thống nhà trường là một chỗ dựa cực kỳ quan trọng cả về kiến thức, lao động và địa bàn.
Trong thời gian qua có nhiều trường học đã coi trọng trồng cây, trồng hoa ngay tại trường mình và cũng có nhiều trường nhận đất trồng, đồi trọc gần trường để trồng rừng. Đó là những mô hình tốt cần lập danh sách, nêu rõ địa chỉ để biểu dương trong toàn hệ thống nhà trường cả nước.
Nhưng nhìn chung hệ thống nhà trường chưa nhận rõ đây là nhiệm vụ tất yếu không thể thiếu trong chương trình giáo dục của nhà trường dù ở cấp nào và cũng là nơi có sức lực, có thế mạnh để trồng cây, trồng rừng. Các cấp, các ngành có liên quan chưa chăm lo chỉ đạo, kiểm tra, chưa tạo môi trường, điều kiện cho Nhà trường trồng cây, trồng rừng.
Để nhà trường tham gia có hiệu quả chương trình chung về trồng rừng, bảo vệ thảm thực vật, môi trường và cảnh quan, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng chỉ thị:
1. Ở đâu có các loại hình nhà trường đóng (thành thị, nông thôn, miền núi, trung du, ven biển) đều phải nhất nhất giáo dục, sử dụng lao động của học sinh và thầy giáo trồng cây, trồng hoa ở ngay tại trường mình, coi đây là một công viên không thể thiếu được của nhà trường. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm.
- Tổ chức trồng cây, có đất ít trồng ít, có đất nhiều trồng nhiều, không để một tấc đất trống trong trường học mà không trồng cây, trồng hoa.
- Làm cho học sinh và thầy giáo coi việc bẻ một cành cây, một nhánh hoa như là bẻ một cánh tay của mình.
2. Căn cứ vào quy hoạch chung của ngành lâm nghiệp, của các địa phương và tuỳ theo khả năng của từng trường trên địa bàn, hàng năm giao một số diện tích cho nhà trường ở những nơi có đất trống, đồi trọc, bãi cát, núi đá để trồng rừng. Cây trồng thì tuỳ theo khí hậu, đất đai, thời tiết từng vùng mà có cơ cấu nhiều loại cây hỗn hợp.
3. Chính quyền các cấp căn cứ vào quỹ trồng rừng của mọi nguồn vốn, hàng năm hỗ trợ cho các trường nhận đất trồng rừng một số tiền để mua giống và phân; với những trường ở những địa bàn có điều kiện trồng rừng tập trung thì được hỗ trợ đầu tư thoả đáng. Còn lao động, nhà trường sử dụng học sinh, thầy giáo, tính trong chương trình giáo dục vừa học, vừa làm để trồng, chăm sóc và bảo vệ.
4. Sản phẩm rừng đến khi thu hoạch được Nhà nước cho đưa vào quỹ của nhà trường. Trước khi khai thác phải trồng cây mới; khi khai thác phải để lại một tỷ lệ cây làm nhiệm vụ phòng hộ, bảo vệ môi trường và cảnh quan.
5. Tất cả các nhà trường phải luôn luôn giáo dục và giao nhiệm vụ cho thầy giáo và học sinh tham gia bảo vệ, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm, phá hoại cây xanh bất luận ở đâu và của ai.
6. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lâm nghiệp và chính quyền các cấp, căn cứ điều kiện cụ thể hàng năm, giao nhiệm vụ cho các trường học trồng cây; luôn luôn theo dõi, kiểm tra công việc trồng cây của các trường; kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị và cá nhân có thành tích, phê bình nghiêm túc những trường học không trồng cây, trồng hoa.
Nhận được Chỉ thị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lâm nghiệp, chính quyền các cấp tổ chức phổ biến, triển khai bắt đầu từ năm 1991 trở đi.
| Đồng Sĩ Nguyên (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.