ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-UBND | Thanh Hóa, ngày 26 tháng 6 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA TIÊU CỰC, THAM NHŨNG TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG VỤ
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sơ hở của chính sách, pháp luật, lợi dụng lòng tin, thiếu hiểu biết về chính sách pháp luật của người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, thậm chí tiêu cực, tham nhũng khi thực hiện hoạt động công vụ, gây bức xúc trong nhân dân.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp sau:
1. Tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 và Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng, chống tham nhũng. Người đứng đầu sở, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng; nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan mình thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
2. Giám đốc các sở, Thủ trưởng ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải xây dựng và triển khai kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật của ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương mình; tổ chức thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn nghiệp vụ, ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường...bảo đảm ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, "vòi vĩnh", "chung chi", phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ.
3. Từng cơ quan, đơn vị phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc; xây dựng lộ trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm.
4. Người đứng đầu sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị, bộ phận trực thuộc, đặc biệt là các cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật có yếu tố nhạy cảm cao trong việc chấp hành những quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật; định kỳ luân chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm, phức tạp theo đúng quy định; đồng thời, lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm, nhất là đối với các trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, điều tra viên...
5. Đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa (VCCI Thanh Hóa) tuyên truyền phổ biến cho các doanh nghiệp khi yêu cầu các cơ quan giải quyết các thủ tục hành chính phải nắm chắc các quy định của pháp luật, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ (nếu cần thì phải thuê tư vấn để hoàn chỉnh hồ sơ và bảo vệ quyền lợi của mình) đúng quy định, nộp vào Trung tâm phục vụ hành chính công để được giám sát thời gian giải quyết, nếu giải quyết xong nhưng doanh nghiệp thấy chưa hợp tình, hợp lý, chưa đúng quy định pháp luật, chủ doanh nghiệp trực tiếp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị tiếp doanh nghiệp vào ngày 20 hàng tháng để được giải quyết đảm bảo khách quan minh bạch. Nghiêm cấm đại diện doanh nghiệp gặp gỡ “tranh thủ” cán bộ, công chức giải quyết sai quy định pháp luật. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan chức năng và nhân dân tăng cường giám sát việc phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ của các cơ quan, đơn vị.
Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này; định kỳ hàng năm báo cáo tình hình thực hiện về Thanh tra tỉnh để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Thanh tra tỉnh theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này; kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh các vấn đề phát sinh./.
| CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.