ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-UBND | Hà Tĩnh, ngày 22 tháng 6 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
Thời gian qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều ngày, nhiệt độ luôn ở mức cao 37 - 39°C, cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV - V (Cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm), nguy cơ cháy rừng, cháy lớn rất dễ xảy ra trên tất cả các loại rừng và có thể gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động phòng chống và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo về Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2016-2020 (BCĐ tỉnh) và các chủ rừng có liên quan thực hiện ngay một số nhiệm vụ cấp bách sau đây:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng. Nghiêm cấm các chủ rừng, người dân địa phương tự ý xử lý thực bì bằng lửa trong thời gian cao điểm nắng nóng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có),
- Ban Chỉ đạo các cấp, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng các đơn vị cơ sở, phát hiện, bổ cứu kịp thời các tồn tại; thực hiện triệt để phương châm "4 tại chỗ", nhằm chủ động và sẵn sàng ứng cứu, kịp thời các vụ cháy rừng khi mới phát sinh; duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ trong suốt thời gian cao điểm nắng nóng.
- Sau các vụ cháy rừng (nếu xảy ra) phải bố trí lực lượng dập tắt hết tàn lửa, tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; tổng họp báo cáo nhanh diễn biến tình hình vụ việc cháy rừng theo đúng quy định; đồng thời, tổ chức họp rút kinh nghiệm, kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, nếu không triển khai thực hiện, thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy rừng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2018 theo Chương trình mục tiêu Phát triển Lâm nghiệp bền vững; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Chủ động phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng nhân dân và chủ rừng thực hiện tốt quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân, chủ rừng có hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt là việc xử lý thực bì bằng hình thức đốt lửa trong các đợt cao điểm nắng nóng.
- Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tình hình thời tiết hàng ngày, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng đến mọi người dân biết để chủ động phòng ngừa; tổng hợp tình hình thực hiện của các đơn vị, diễn biến tình hình cháy rừng trên địa bàn tỉnh, báo cáo kịp thời Trưởng Ban Chỉ đạo và Chủ tịch UBND tỉnh.
- Tham mưu BCĐ tỉnh triển khai phương án huy động lực lượng, phương tiện, chỉ huy, hậu cần chữa cháy rừng, trong các trường hợp xảy ra cháy lớn theo Phương án số 160/PA-UBND ngày 15/5/2018 của UBND tỉnh.
- Chỉ đạo các chủ rừng rà soát, bổ sung kịp thời các tồn tại trong việc thực hiện Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2018 đảm bảo chủ động sẵn sàng “4 tại chỗ” kịp thời tham gia chữa cháy rừng khi mới phát sinh không để cháy lây lan sang diện rộng; bố trí đủ lực lượng tuần tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đối tượng ra vào rừng, trực canh gác lửa rừng, thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn trong phòng cháy, chữa cháy rừng.
3. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Rà soát quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đã ký kết; chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh theo Phương án số 160/PA-UBND ngày 15/5/2018 của UBND tỉnh; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương các cấp tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra. Đặc biệt, Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, thị xã chủ trì, phối hợp với chủ rừng, chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm tổ chức điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng (nếu có), xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục, phòng ngừa.
4. Các sở: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
5. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Hà Tĩnh, các cơ quan báo chí Trung ương và các tỉnh bạn hoạt động trên địa bàn phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy định về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời nêu gương các điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm để cập nhật cấp dự báo, cảnh báo cháy rừng hàng ngày để tuyên truyền trên hệ thống Trạm truyền thanh cơ sở.
6. Các sở: Giáo dục và đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định về sử dụng lửa an toàn cho học sinh, cho du khách du lịch tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh có rừng, khu vực lễ hội gần rừng, chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi có lệnh huy động.
7. Các thành viên Ban Chỉ đạo về Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bám sát địa bàn được phân công, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của địa phương; tổng hợp, báo cáo kết quả và tham mưu kịp thời cho Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh xử lý các trường hợp khẩn cấp theo quy định.
8. Khi có cháy rừng xảy ra, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã báo cáo kịp thời cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh theo số điện thoại: 0913 310 611 để phối hợp, chỉ đạo và huy động lực lượng ứng cứu kịp thời trong trường hợp cần thiết.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ với cơ quan Kiểm lâm, chính quyền địa phương, chủ rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng để mọi người hiểu rõ, tự giác chấp hành; sẵn sàng tham gia ứng phó chữa cháy rừng, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; kịp thời biểu dương khen thưởng “người tốt, việc tốt” và thực hiện xã hội hóa trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh (Chi cục Kiểm lâm) theo dõi, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này; chủ động bố trí phương tiện phục vụ công tác chỉ đạo, kiểm tra bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh; tổng hợp tình hình báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh; báo cáo định kỳ, đột xuất cho Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững theo quy định.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các chủ rừng thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.