ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-UBND | Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 15 tháng 3 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Trong thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng được triển khai thực hiện, đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng các hoạt động gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng; đã triển khai thực hiện tốt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2015-2016, ngăn ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại do cháy rừng gây ra, góp phần bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp; xây dựng trái phép; khai thác; mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra, diễn biến phức tạp. Trong năm 2015 và năm 2016 đã xảy ra 37 vụ phá rừng, gây thiệt hại 13,325 ha rừng; trọng điểm ở các huyện Xuyên Mộc, huyện Tân Thành, huyện Châu Đức,... Trong mùa khô vừa qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 23 vụ cháy rừng, gây thiệt hại diện tích rừng 2,97 ha.
Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh; tăng cường trật tự kỷ cương pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và sử dụng đất lâm nghiệp theo quy hoạch; đồng thời, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2011 về “Tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ”, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Chỉ thị:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) chỉ đạo, tổ chức quyết liệt các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương:
- Tăng cường lực lượng đủ mạnh triển khai có hiệu quả các biện pháp, giải pháp bảo vệ diện tích rừng hiện có. Huy động các lực lượng Công an, Biên phòng, Quân sự địa phương phối hợp với các Ban Quản lý rừng (gọi tắt là chủ rừng), kiểm lâm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật.
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; rà soát, bổ sung phương án kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng và tổ chức thực hiện ra quân xử lý dứt điểm các vụ phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp cán bộ, đảng viên tham gia phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật.
- Tăng cường công các tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân chấp hành tốt các quy định pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao ý thức đấu tranh các hành vi phá rừng, lấn, chiếm, mua bán, sang nhượng đất lâm nghiệp trái pháp luật; phổ biến rộng rãi, thường xuyên trong nhân dân chủ trương kiên quyết phá bỏ, tháo dỡ ngay: các loại cây trồng sai mục đích, công trình xây dựng trái phép (khi lực lượng tuần tra, kiểm tra của Chủ rừng phối hợp lực lượng Kiểm lâm, Công an, Biên phòng, Quân sự địa phương và chính quyền địa phương sở tại, phát hiện các hành vi vi phạm đến đất lâm nghiệp) trên đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất để nhân dân biết, chấp hành.
- Thu hồi toàn bộ diện tích rừng bị phá; đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái pháp luật giao cho Ban Quản lý rừng quản lý theo phương án:
+ Đối với những diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị phá, lấn, chiếm trái pháp luật thuộc quy hoạch chức năng phòng hộ, đặc dụng thì chủ rừng thống kê cụ thể diện tích cây trồng trước năm 2015 và những diện tích cây trồng đã thành rừng thì tổ chức khoanh nuôi bảo vệ và khai thác theo quy chế quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; còn lại những diện tích cây trồng sau năm 2015 chưa thành rừng thì cương quyết phá bỏ để trồng rừng phòng hộ, đặc dụng (trồng cây gỗ lớn bản địa) phục hồi lại hiện trạng rừng đã mất.
+ Riêng đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng lấn, chiếm xây dựng cơ sở tôn giáo, nhà ở trái pháp luật thì chủ rừng thống kê, cung cấp danh sách, đối tượng cho Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức Đoàn kiểm tra vận động tự tháo dỡ với thời gian quy định không quá 01 tháng, sau kiểm tra nếu các đối tượng nào không thực hiện thì tổ chức huy động lực lượng phối hợp Chủ rừng và Kiểm lâm cưỡng chế tháo dỡ để trồng rừng phòng hộ, đặc dụng (trồng cây gỗ lớn bản địa) phục hồi lại hiện trạng rừng đã mất.
- Phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị này đến Ủy ban nhân dân cấp xã để triển khai thực hiện.
- Chỉ đạo Ban Chỉ đạo các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng phối hợp các cơ quan chức năng tham mưu xây dựng và ban hành quy chế phối hợp xử lý các hành vi lấn, chiếm, mua bán, sang nhượng đất rừng trái pháp luật tại địa phương; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và tăng cường chỉ đạo, kiểm tra trách nhiệm của các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân cấp xã, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn trong việc thực hiện các biện pháp quản lý, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường trách nhiệm bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp theo Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; phối hợp chặt chẽ với các Ban Quản lý rừng và Hạt kiểm lâm sở tại xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm mua bán và vận chuyển lâm sản; chặt phá cây rừng; lấn, chiếm đất rừng trồng các loại cây sai mục đích theo quy định của pháp luật.
- Quan tâm, nghiên cứu các chính sách, khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương tạo công ăn việc làm cho người dân sống gần rừng, ven rừng ổn định cuộc sống để người dân không còn phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.
- Tăng cường quản lý nhà nước để quản lý chặt chẽ các xưởng cưa xẻ gỗ hoạt động trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật;
Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức việc rà soát, sắp xếp và phê duyệt quy hoạch lại các xưởng cưa xẻ gỗ trên địa bàn; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc kiểm tra và xử lý, đình chỉ hoạt động thu hồi giấy phép kinh doanh và yêu cầu tháo dỡ toàn bộ các xưởng cưa xẻ gỗ, xưởng mộc có tiêu thụ nguồn nguyên liệu gỗ bất hợp pháp; đặc biệt không để tồn tại ở các vùng trọng điểm như: cửa rừng, ven các tuyến giao thông đường thủy, các điểm nóng, tụ điểm chứa chấp buôn bán, vận chuyển gỗ trái phép,...
Các chủ cơ sở cưa xẻ gỗ cam kết chịu trách nhiệm quản lý và hoạt động đúng quy định của pháp luật, nếu phát hiện vi phạm thì kiên quyết đình chỉ hoạt động.
- Địa phương nào để xảy ra phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải kiểm điểm, bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải kiểm điểm, bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã triển khai hiệu quả Kế hoạch phòng, chống các hành vi vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng hàng năm được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt về tổ chức thực hiện Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 144/2002/TTLT-BNN&PTNT-BCA-BQP ngày 13 tháng 12 năm 2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Công an và Bộ Quốc phòng hướng dẫn phối hợp giữa các lực lượng kiểm lâm, Công an, Quân đội trong công tác bảo vệ rừng; Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định việc phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.
3. Các đơn vị Chủ rừng:
- Giám đốc các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp và thủ trưởng các đơn vị chủ rừng khác có trách nhiệm quản lý bảo vệ diện tích rừng được giao; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến sâu rộng các văn bản liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học để nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư sống gần rừng tích cực tham gia bảo vệ rừng; kiểm tra, đôn đốc các hộ dân, cộng đồng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng thực hiện tốt các cam kết bảo vệ rừng.
- Thường xuyên tổ chức, bố trí lực lượng bảo vệ rừng giữa các lực lượng gồm kiểm lâm, công an, quân sự, biên phòng, địa phương... tuần tra, truy quét để phát hiện, ngăn chặn, nhổ bỏ ngay các loại cây trồng sai mục đích, công trình xây dựng trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp và xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm đất rừng, khai thác, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép ngay tại gốc. Tổ chức lực lượng trực canh gác lửa rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại các vùng trọng điểm cháy theo phương án, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Khi tổ chức cho du khách tham quan trong rừng phải tuyên truyền cho du khách về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và yêu cầu không được sử dụng nguồn lửa, nhiệt ven và trong rừng; đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra cháy rừng trong quá trình tổ chức tham quan. Không được tổ chức tham quan du lịch sinh thái tại các tuyến, điểm, khu vực rừng dễ cháy vào những tháng cao điểm của mùa khô hanh.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện bảo vệ nghiêm ngặt diện tích quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp hiện có.
- Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động lực lượng bảo vệ rừng của các Trạm. Kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng những viên chức vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, làm ngơ, tiếp tay cho các hành vi vi phạm. Khen thưởng các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thực hiện các nhiệm vụ được quy định:
+ Tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh; bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện tốt quy chế phối hợp các lực lượng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
+ Bố trí, phân công công chức Kiểm lâm, đảm bảo tất cả các xã, phường, thị trấn có rừng trên địa bàn tỉnh đều có công chức Kiểm lâm phụ trách địa bàn, làm nhiệm vụ tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có rừng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn, theo quy định tại Quyết định số 83/2007/QĐ-BNN ngày 04/10/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nhiệm vụ công chức kiểm lâm địa bàn cấp xã.
+ Tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập “Đoàn kiểm tra liên ngành” với các thành phần: Công an, Quân sự, Biên phòng, Kiểm lâm, Chủ rừng, Địa phương, Quản lý thị trường, Cảnh sát môi trường,... với lực lượng đủ mạnh để tăng cường ngăn chặn, xử lý kịp thời tại các điểm nóng: Chặt phá rừng; lấn chiếm đất lâm nghiệp, trồng cây, xây cất trái phép trong lâm phần rừng.... Xây dựng kế hoạch theo quy chế phối hợp đã ký kết và tổ chức thực hiện tuần tra, truy quét bảo vệ rừng tại các khu rừng trọng điểm, diễn biến phức tạp, các cơ sở chế biến, gia công cưa xẻ gỗ, các điểm mua bán, kinh doanh lâm sản ở gần rừng, ven rừng.
+ Phối hợp với chính quyền địa phương, Chủ rừng, các lực lượng có liên quan xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng. Tập trung thống kê, điều tra, triệt phá những “đầu nậu”, chủ đường dây mua bán lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật. Quản lý hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ theo đúng quy định, kiên quyết đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở có dấu hiệu tiếp tay cho các đối tượng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.
+ Tiếp tục tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng kiểm lâm, theo tinh thần Chỉ thị số 3714/CT-BNN-TCLN ngày 15 tháng 12 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng kiểm lâm những công chức kiểm lâm vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, bao che, làm ngơ, tiếp tay cho các hành vi vi phạm. Khen thưởng các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc xác định cụ thể vị trí, ranh giới, diện tích rừng và đất lâm nghiệp được cấp thẩm quyền giao cho các Chủ rừng quản lý, sử dụng. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các Chủ rừng, làm cơ sở để thực hiện công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp về đất đai và bảo vệ môi trường.
- Xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về đất đai và bảo vệ môi trường; hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng các quy định pháp luật trong lĩnh vực đất đai và bảo vệ môi trường.
6. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư
Trên cơ sở kế hoạch và dự toán kinh phí hàng năm do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và trình UBND tỉnh. Theo chức năng, nhiệm vụ của Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí kịp thời theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để các đơn vị triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng nhiệm vụ được giao, bảo đảm kịp thời, có hiệu quả.
7. Công an tỉnh
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Kiên quyết xử lý các phương tiện xe gắn máy, xe ô tô tự chế, xe hết niên hạn lưu hành dùng để vận chuyển lâm sản trái phép.
- Chỉ đạo thực hiện công tác điều tra, làm rõ đối tượng, hành vi vi phạm để xử lý các vụ việc đã khởi tố vụ án hình sự, các vụ chống người thi hành công vụ xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
- Chỉ đạo lực lượng Công an cấp huyện, cấp xã quản lý chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu, không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc di dân tự do để phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép.
- Phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, Chủ rừng thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và điều tra xử lý kịp thời các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng theo đúng quy định của pháp luật.
8. Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh
- Chủ trì huy động lực lượng, phương tiện các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh để tổ chức chữa cháy rừng và chỉ huy chữa cháy.
- Phối hợp với lực lượng Kiểm lâm hướng dẫn việc xây dựng, thực tập, diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; tham gia góp ý các kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy.
- Hướng dẫn việc mua sắm, trang bị các phương tiện chuyên dùng về phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng; phối hợp, tham gia cứu chữa các vụ cháy rừng và chỉ huy việc chữa cháy rừng.
9. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị quân sự tại địa phương, lực lượng dân quân tự vệ và các đơn vị đóng quân trên địa bàn tỉnh tích cực và triển khai kế hoạch tham gia vào công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Hỗ trợ, phối hợp với lực lượng kiểm lâm tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Những đơn vị quân đội được giao rừng, đất trồng rừng có trách nhiệm xây dựng các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức đội chữa cháy rừng cơ sở và tổ chức lực lượng tuần tra kiểm tra thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời khi xảy ra cháy rừng.
- Ban Chỉ huy quân sự xã và chỉ huy tự vệ cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức kinh tế chịu trách nhiệm tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ học tập Luật Bảo vệ và phát triển rừng, vận động gia đình và nhân dân không phá rừng làm nương rẫy, khai thác, buôn bán lâm sản, săn bắt trái phép động vật hoang dã. Phối hợp với lực lượng Kiểm lâm đi kiểm tra rừng, truy quét xóa bỏ các tụ điểm khai thác rừng trái phép, buôn bán trái phép lâm sản, chủ động chữa cháy rừng khi phát hiện cháy hoặc tham gia chữa cháy rừng theo lệnh điều động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và người chỉ huy chữa cháy có thẩm quyền.
- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ quy định việc phối hợp của dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
10. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực và có kế hoạch tham gia vào công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng dọc tuyến ven biển; phối hợp, hỗ trợ lực lượng kiểm lâm tuần tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời cáp hành vi vi phạm về bảo vệ rừng tại gốc.
- Quản lý chặt chẽ người và phương tiện ra, vào các cảng trên địa bàn khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật về vận chuyển lâm sản trái phép bằng đường thủy.
11. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Thường xuyên bố trí thời lượng tuyên truyền, đưa tin, viết bài có nội dung về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản, quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Kịp thời đưa tin, bài biểu dương các gương điển hình tiên tiến, các mô hình sản xuất Nông - Lâm nghiệp có hiệu quả; lên án, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
12. Đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể nhân dân phối hợp chặt chẽ với cơ quan Kiểm lâm thực hiện tốt công tác vận động nhân dân thực hiện các biện pháp về phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ rừng.
13. Tổ chức thực hiện:
a) Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
b) Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Chỉ thị, thường xuyên nắm tình hình, báo cáo UBND tỉnh để theo dõi chỉ đạo.
Chỉ thị này có hiệu lực kế từ ngày ký ban hành./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.