ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2014/CT-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 05 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG TIẾN TỚI KỶ NIỆM “NGÀY HỘI TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC”
Thực hiện Quyết định số 521/2005/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 19 tháng 8 hàng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, trong thời gian qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã quan tâm chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, mang lại hiệu quả góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tổ chức các hoạt động sôi nổi, thiết thực kỷ niệm “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp trực thuộc Thành phố chủ động xây dựng kế hoạch hàng năm, tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động tiến tới kỷ niệm “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở các đơn vị, địa phương, cụ thể như sau:
1. Tiếp tục chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01 tháng 12 năm 2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Kết luận số 86-KL/TW ngày 05 tháng 11 năm 2010 của Bộ Chính trị về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 14 tháng 10 năm 2006 của Bộ Chính trị về “Tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới”; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Nghị định số 06/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” và các văn bản khác của Đảng và Nhà nước có liên quan đến an ninh trật tự và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
2. Tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng kết hợp với tổ chức hoạt động kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước như: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930); Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975); Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890); Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945); Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945)... nhằm tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; khẳng định vai trò to lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nâng cao ý thức trách nhiệm công dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng các khu dân cư, cơ quan, đơn vị an toàn. Nội dung sinh hoạt cần gắn với các hoạt động đẩy mạnh phong trào “Thi đua yêu nước”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào cách mạng của Đảng, Nhà nước và của các đoàn thể.
3. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên và nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; đồng thời tuyên truyền, thông báo, phổ biến cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông, tai nạn cháy nổ tại địa bàn và các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội... nhằm nâng cao ý thức cảnh giác và vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng các khu vực dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”.
4. Chú trọng rà soát, củng cố tổ chức, nhân sự, trang thiết bị, điều kiện, phương tiện làm việc cho lực lượng an ninh cơ sở như Công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, dân phòng và các mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự. Phát triển và nhân rộng các mô hình tự quản, tự phòng về an ninh trật tự tại cơ quan, doanh nghiệp và khu dân cư, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Huy động lực lượng quần chúng nhân dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở các khu dân cư, các cơ quan, đơn vị.
5. “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 8 đến ngày 19 tháng 8 hàng năm với các hoạt động như: tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong công tác đảm bảo an ninh trật tự; tổ chức giao lưu, họp mặt, tặng quà, tuyên dương, khen thưởng cho cán bộ, chiến sĩ Công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thăm hỏi động viên gia đình cán bộ làm công tác phong trào có hoàn cảnh khó khăn, lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và gia đình có người đã hy sinh, bị thương trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tổ chức các hoạt động triển lãm, hội thi văn nghệ, thể dục, thể thao... để tạo khí thế sôi nổi, động viên nhân dân tham gia giữ gìn an ninh, trật tự.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình có các nội dung, hình thức thích hợp để tổ chức tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác và động viên nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, biểu dương những mô hình, điển hình, tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cơ quan thường trực Ban Tổ chức lễ Thành phố phối hợp Công an Thành phố vào những lần kỷ niệm năm tròn (số năm kỷ niệm của sự kiện có chữ số cuối cùng là 0), năm lẻ 5 (số năm kỷ niệm của sự kiện có chữ số cuối cùng là 5) có kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động kỷ niệm “Ngày thành lập Công an nhân dân” và “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại Thành phố và các quận, huyện theo quy định tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ ban hành “Quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài”. Lễ kỷ niệm phải được tổ chức trọng thể, chu đáo, tiết kiệm, có ý nghĩa thiết thực.
8. Giao Công an Thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các Nghị quyết liên tịch và Chương trình phối hợp đã được ký kết về an ninh trật tự nhằm vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia tố giác, truy bắt các loại tội phạm, giải quyết tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự an toàn giao thông đô thị, phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn dân cư. Công an Thành phố có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện Chỉ thị này, báo cáo kết quả thực hiện cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và các cơ quan Trung ương theo quy định.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký và được phổ biến đến các Sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Thành phố, các doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các quận - huyện để triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.