ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2004/CT-UB | Hà Nội, ngày 10 tháng 03 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN LUẬT THỐNG KÊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.
Luật Thống kê đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI thông qua ngày 17/6/2003, đã được Chủ tịch nước ký lệnh công bố số 13/2003/L/CTN, ngày 26/6/2003 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2004.
Luật Thống kê là một văn bản pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác thống kê, bảo đảm thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời phục vụ các cơ quan Nhà Nước trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức cá nhân khác, đồng thời tăng cường hiệu lực pháp lý Nhà Nước về công tác Thống kê.
Để đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và công tác tuyên truyền Luật Thống kê nói riêng làm cho Luật Thống kê sớm đi vào cuộc sống, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt một số công tác sau đây:
1- Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, UBND các cấp trên địa bàn Thành phố Hà Nội phải xác định rõ tầm quan trọng của Luật Thống kê và có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Luật Thống kê trong phạm vi ngành mình, cấp mình. Trước mắt, năm 2004 cần tập trung chỉ đạo, tổ chức tốt công tác tuyên truyền phổ biến Luật Thống kê tại các cấp, các ngành gắn với công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết khác trên địa bàn Thủ đô.
Việc phổ biến, tuyên truyền Luật Thống kê cần có nội dung, phương pháp, hình thức thích hợp. Mỗi cán bộ, công chức phải xác định việc tìm hiểu, học tập pháp luật nói chung và học tập tìm hiểu Luật Thống kê là nhiệm vụ thường xuyên để phục vụ công tác chuyên môn.
2- Thủ trưởng các cơ quan hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có trách nhiệm tổ chức công tác thống kê trong phạm vi đơn vị mình và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và điều tra thống kê theo yêu cầu của các cấp, các ngành có thẩm quyền.
3- Các đơn vị sản xuất kinh doanh, các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin xác thực cho cơ quan thống kê theo quy định của pháp luật.
4- UBND Thành phố giao cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Thành phố và của các cấp, các cơ quan có liên quan đến việc thực hiện Luật Thống kê tổ chức triển khai tuyên truyền sâu rộng Luật này đến mọi tầng lớp cán bộ, nhân dân Thủ đô đảm bảo Luật được triển khai và thực hiện có hiệu quả trên địa bàn Thủ đô.
5- Sở Tài chính bố trí một khoản ngân sách cần thiết cho việc biên soạn tài liệu và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và công tác phổ biến tuyên truyền Luật Thống kê nói riêng phù hợp với các đối tượng cần được giáo dục phổ biến Luật trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
6- Các cơ quan thông tin đại chúng của Hà Nội: Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế - Đô thị, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội... phối hợp với Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Thành phố và Cục Thống kê Thành phố Hà Nội xây dựng và thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng các chuyên mục về tìm hiểu pháp luật Thống kê với hình thức phong phú, sinh động và thiết thực.
7- Cục Thống kê chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp ( thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật) xây dựng Kế hoạch liên ngành để triển khai tuyên truyền Luật Thống kê đến các cấp, các ngành trên địa bàn Thành phố đảm bảo hiệu quả thiết thực, đồng thời theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo UBND Thành phố.
| TM.UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.