THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/1999/CT-TTg | Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 1999 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC KIỂM TRA ĐẢM BẢO AN TOÀN CÁC CẦU ĐANG SỬ DỤNG TRÊN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG TRONG CẢ NƯỚC
Hiện nay trên các tuyến đường do Trung ương và địa phương quản lý (cả đường bộ, đường sắt) còn nhiều cây cầu cũ đã xuống cấp; một số cầu xây dựng từ thời Pháp thuộc, một số cầu xây dựng từ thời chiến tranh chống Mỹ, số còn lại xây dựng từ đầu thời kỳ thống nhất đất nước với quy mô nhỏ và tải trọng thấp. Tải trọng và lưu lượng xe thông qua hệ thống cầu ngày càng tăng với mức độ nhanh theo nhịp độ tăng trưởng, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Thời gian gần đây do công tác quản lý kiểm tra, khai thác sử dụng hệ thống các cầu còn nhiều thiếu sót, công tác bảo trì sửa chữa chưa được quan tâm đúng mức nên đã để xảy ra một số sự cố sập cầu khá nghiêm trọng như sập cầu Bình Điền, cầu Đắk Rông..., năm 1999 có xu hướng sự cố tăng lên.
Để bảo vệ tính mạng của nhân dân, tài sản của Nhà nước và đảm bảo giao thông thông suốt, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần làm ngay các công việc sau:
- Tiến hành khẩn cấp kiểm ta, thống kê những cầu yếu thuộc phạm vi quản lý của mình và phân ra các loại sau (nêu rõ vị trí, quy mô trên tuyến đường, mức độ quan trọng về giao thông, tình trạng kỹ thuật tại công trình):
a) Loại cần phải thay thế ngay.
b) Loại cần phải sửa chữa, tăng cường ngay để tiếp tục khai thác an toàn tuy có nhiều hạn chế về năng lực thông qua và cần phải xây dựng mới trong thời gian tới.
c) Loại sẽ phải sửa chữa, tăng cường và thay thế từ năm 2000 đến năm 2005.
Sau khi kiểm tra thống kê, phân loại các loại cầu, cần lập ngay một kế hoạch sửa chữa khẩn cấp những cầu hư hỏng nặng, trong lúc chưa cân đối ngay được vốn thì ngành giao thông và địa phương phải tạm sử dụng nguồn vốn khác, không vì chưa cân đối được vốn mà để sập cầu. Nếu hiện tượng sập cầu còn xảy ra, trách nhiệm trước nhất thuộc ngành giao thông vận tải và địa phương quản lý trực tiếp.
Cùng với thống kê có kèm theo dự tính kinh phí cần đầu tư thay thế, tăng cường, sửa chữa để có khái toán cho việc chuẩn bị bố trí vốn trong khi chưa lập được các dự án cụ thể. Đối với các cầu thuộc mục a và b nói trên, Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí triển khai ngay việc thay thế, sửa chữa hoặc tăng cường.
- Thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý để ngăn chặn sự cố sập cầu và đưa công tác đảm bảo an toàn cầu vào nề nếp:
+ Tiến hành các biện pháp tổ chức giao thông cần thiết như phân luồng, giảm tải, đặt các biển báo nguy hiểm, bố trí tuần tra nghiêm ngặt và có phương án đảm bảo giao thông trong trường hợp bất trắc.
+ Xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm định cầu định kỳ, bảo trì sửa chữa thường xuyên và tổ chức thực hiện nghiêm túc các kế hoạch này.
+ Bộ Giao thông vận tải cần hệ thống lại và bổ sung các quy định về quản lý các công trình giao thông đang khai thác, đặc biệt là các công trình cầu. Tổ chức hướng dẫn và kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện các quy định nói trên cũng như việc lập và thực hiện kế hoạch kiểm tra, kiểm định, bảo trì sửa chữa thường xuyên các cầu của các địa phương.
2. Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, rà soát để báo cáo Chính phủ trong tháng 4 năm 1999 kết quả kiểm tra, thống kê phân loại và phương án xử lý các cầu yếu của toàn ngành giao thông vận tải.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trên cơ sở báo cáo tổng hợp của Bộ Giao thông vận tải bố trí bổ sung vốn đáp ứng cho yêu cầu đầu tư sửa chữa và thay thế trong năm 1999; đồng thời cân đối bố trí vốn kế hoạch thích hợp theo yêu cầu từ năm 2000 trở đi.
| Ngô Xuân Lộc (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.