ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND | Hà Tĩnh, ngày 27 tháng 03 năm 2014 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ GIẾT MỔ, KINH DOANH GIA SÚC, GIA CẦM
Trong những năm gần đây, công tác quản lý giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm đã được Chính phủ, các Bộ, Ngành quan tâm chỉ đạo; UBND tỉnh đã phê duyệt các quy hoạch, đề án và ban hành các chính sách, quy định đối với hoạt động này nhằm đảm bảo cung cấp sản phẩm thịt an toàn cho cộng đồng, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Tuy vậy, thực trạng hiện nay trên địa bàn tỉnh có ít cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; việc giết mổ còn tùy tiện, nhỏ lẻ, chủ yếu là tự phát tại hộ gia đình trong các khu dân cư, không đảm bảo quy trình theo quy định, bên cạnh đó công tác quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương còn buông lỏng nên nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh cao, công tác vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Để tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, bảo vệ sức khỏe người dân và vệ sinh môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chỉ sử dụng sản phẩm thịt đã được kiểm soát giết mổ, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; đồng thời yêu cầu người hành nghề kinh doanh, giết mổ phải ký cam kết và nghiêm chỉnh chấp hành việc giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;
- Quản lý chặt chẽ các hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn; việc giết mổ động vật để kinh doanh phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung, điểm giết mổ, được cơ quan thú y kiểm soát trước, trong và sau giết mổ; chấm dứt ngay tình trạng kiểm tra, lăn dấu và thu phí, lệ phí tại chợ; đồng thời bố trí lực lượng kiểm tra phúc kiểm thường xuyên, liên tục tại các chợ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm;
- Khẩn trương xây dựng các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch và quy định tại Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 04/5/2012, Quyết định số 1744/QĐ-UBND ngày 18/6/2012 và Quyết định số 4466/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh. Giai đoạn 2014 - 2015, mỗi huyện, thành phố, thị xã xây dựng mới 01 cơ sở giết mổ gia súc tập trung có công suất từ 70 con/ngày đêm trở lên và 05 điểm giết mổ gia súc có công suất từ 05 con/ngày đêm trở lên. Các cơ sở giết mổ phải đảm bảo định hướng lâu dài, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho người và động vật;
- Tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, tổ chức và quản lý hoạt động kinh doanh giết mổ. Tùy điều kiện cụ thể, ngoài chính sách của tỉnh, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi để khuyến khích việc đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn;
- Tăng cuờng công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các hoạt động kinh doanh, giết mổ trái quy định. Xử lý thật nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm trong quản lý, thực thi nhiệm vụ chuyên môn; các trường hợp giết mổ nhỏ lẻ, không qua kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường;
- Giao cơ quan quản lý nhà nước về thú y trên địa bàn tổ chức việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y theo quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BTC ngày 05/01/2012 của Bộ Tài Chính. Cơ quan thu phí, lệ phí được trích 100 % trên số tiền phí, lệ phí thu được để chi phí cho công tác quản lý thu phí, lệ phí theo các nội dung chi quy định tại Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006; trong đó ưu tiên để chi thanh toán tiền công đảm bảo cho cán bộ trực tiếp thực hiện công tác kiểm soát giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung, điểm giết mổ.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức rà soát, đánh giá lại hệ thống cán bộ thực hiện công tác kiểm soát giết mổ, đề xuất giải pháp củng cố, đào tạo số cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y có chuyên môn, Trách nhiệm, tâm huyết, đồng thời thay đổi, nghỉ việc số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiện, buông lỏng quản lý nhằm tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo quy định;
- Chỉ đạo Chi cục Thú y và các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước và hướng dẫn quy trình kỹ thuật, giúp các địa phương trong việc tập huấn, đào tạo cán bộ kiểm dịch, kiểm soát giết mổ;
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thành lập các Tổ công tác để kiểm tra, thanh tra thường xuyên, giám sát việc tổ chức thực hiện và quản lý hoạt động kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm tại các địa phương.
3. Sở Y tế: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với những sản phẩm thực phẩm và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đồng thời thường xuyên cập nhật bổ sung danh mục quy định chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến dùng trong giết mổ động vật; sơ chế, chế biến sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm;
4. Sở Tài chính: Xây dựng cơ chế chính sách, hỗ trợ về tài chính để phục vụ công tác, quản lý giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và tăng cường kiểm tra, huớng dẫn quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong hoạt động kinh doanh, giết mổ.
5. Các Sở, ngành: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh. (Cảnh sát Môi trường) theo chức năng, nhiệm vụ chủ động tham mưu, chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh để các hoạt động kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo quy định nhằm cung cấp sản phẩm thịt an toàn cho người dân, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
6. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân chỉ sử dụng các sản phẩm động vật được kiểm soát giết mổ, bảo đảm vệ sinh; người hành nghề nghiêm chỉnh chấp hành việc giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng cuộc sống.
7. Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn đã phân công chủ động theo dõi, chỉ đạo và kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng các cơ sở, điểm giết mổ tập trung và công tác quản lý kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm tại các địa phương.
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp kết quả thực hiện của các địa phương, định kỳ tháng, quý, năm báo cáo UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; những tổ chức cá nhân có thành tích sẽ được khen thưởng, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.