ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 24 tháng 01 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP HẠN CHẾ SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN RỪNG TỰ NHIÊN
Thực hiện Chị thị số 1685/CT-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ. Trong thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương, các ban ngành trong tỉnh và các chủ rừng đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên rừng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép làm suy giảm tài nguyên rừng và ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái; đặc biệt là tình trạng sử dụng gỗ rừng tự nhiên vào các công trình xây dựng của nhà nước, tập thể và nhân dân trên địa bàn tỉnh còn phổ biến đã gây áp lực rất lớn cho công tác bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng và chủ rừng.
Để giảm thiểu sức ép vào rừng tự nhiên, thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, chủ động thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, phòng ban liên quan, phối hợp với mặt trận, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến sâu rộng những quy định của Nhà nước về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; hạn chế sử dung gỗ và các sản phẩm từ gỗ, lâm sản lấy từ rừng tự nhiên; khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm vật liệu thay thế gỗ vào các công trình xây dựng cơ bản, đồ gia dụng.
b) Tổ chức triển khai và thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Chỉ đạo chính quyền và cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, vận chuyển, chế biến lâm sản, phát hiện và chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về Quản lý rừng, Bảo vệ rừng và Quản lý lâm sản trên địa bàn quản lý.
2. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các chủ rừng, các Ban quản lý rừng phòng hộ, Khu bảo tồn, Vườn quốc gia, các Công ty Lâm nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép lâm sản; tham mưu UBND tỉnh kế hoạch hạn chế khai thác rừng tự nhiên hướng đến tạm thời đóng cửa rừng tự nhiên nhằm đảm bảo tái sinh, phục hồi rừng bền vững.
Cơ quan Kiểm lâm các cấp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động sử dụng gỗ; kinh doanh chế biến lâm sản có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, xử lý và tham mưu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, các ban ngành có liên quan khi xây dựng kế hoạch, đầu tư xây dựng các công trình, bố trí nguồn lực, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị bằng nguồn vốn nhà nước đối với các hạng mục có vật liệu khác thay thế gỗ cần tham mưu phê duyệt theo hướng hạn chế tối đa việc sử dụng gỗ rừng tự nhiên, nhằm giảm sức ép xâm hại tài nguyên rừng.
c) Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền các quy định về hạn chế và sử dụng tiết kiệm gỗ và lâm sản từ rừng tự nhiên, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu do mất rừng.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các Sở, ban, ngành liên quan và các Chủ rừng nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện. Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh để theo dõi và chỉ đạo kịp thời./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.