ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07 /CT-UBND | Yên Bái, ngày 14 tháng 03 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI
Năm 2012, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, bệnh dại trên đàn chó nuôi diễn biến rất phức tạp, nhiều người bị chó dại cắn gây chết người. Nguyên nhân do chăn nuôi chó, mèo thả rông; việc kiểm soát nuôi nhốt, vận chuyển, giết mổ chó, mèo chưa chặt chẽ; một phần do người dân chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh dại nên chủ quan lơ là, bị chó cắn không đi tiêm phòng vắc xin dại, không thực hiện tiêm phòng bắt buộc vắc xin phòng dại cho chó, mèo.
Năm 2013, thời tiết nắng nóng dễ dẫn đến dịch bệnh dại trên động vật có nguy cơ phát triển. Để ngăn chặn khả năng bệnh dại bùng phát trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người trong cộng đồng và tiếp tục thực hiện Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ về việc phòng, chống bệnh dại ở động vật; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái chỉ thị:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về nguy cơ, tính chất nguy hiểm của bệnh dại ở động vật khi lây sang người để nhân dân hiểu và thực hiện cam kết 5 không: Không nuôi chó, mèo khi chưa khai báo với chính quyền và cơ quan chức năng; Không nuôi chó, mèo nếu không tiêm phòng bệnh dại; Không nuôi chó, mèo thả rông; Không để chó, mèo cắn người; Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễ môi trường. Khi bị chó, mèo cắn tự giác đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng.
- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo theo nội dung chỉ đạo tại Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ; đặc biệt là những nơi có bệnh dại xảy ra năm 2012, tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin dại năm 2013 cho đàn chó, mèo trên địa bàn toàn tỉnh.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình bệnh dại đến tận thôn, bản, tổ dân phố, hộ nuôi chó, mèo; giao trách nhiệm giám sát, phát hiện bệnh dại ở súc vật cho cán bộ thú y cấp xã, phường, thị trấn và các trưởng thôn, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố, đồng thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể cùng tham gia giám sát tình hình bệnh dại; thực hiện các hướng dẫn về phòng bệnh dại của cơ quan thú y.
- Củng cố và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp, phân công từng thành viên phụ trách các địa bàn cụ thể; khi phát hiện dịch bệnh cần huy động các lực lượng xử lý triệt để các ổ dịch theo quy định, không để lây lan ra diện rộng.
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó, mèo trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc ngành phối hợp với các cơ quan liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn chó, mèo; tuyên truyền hướng dẫn người dân về triệu chứng và mức độ nguy hiểm của bệnh dại ở động vật để người dân phát hiện và khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan thú y.
- Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nuôi nhốt, vận chuyển, giết mổ chó, mèo theo đúng quy định hiện hành.
- Triển khai các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả; xây dựng kế hoạch và chiến lược phòng, chống dịch bệnh dại ở động vật.
3. Sở Y tế
- Tuyên truyền về các phương pháp phòng bệnh dại trên người giúp nhân dân hiểu, tự giác đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng vắc xin khi bị súc vật nghi dại cắn; không chữa bệnh dại bằng thuốc không rõ nguồn gốc.
- Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh:
+ Chuẩn bị đầy đủ số lượng, chất lượng vắc xin bệnh dại và huyết thanh kháng dại để tiêm phòng và chữa trị kịp thời cho người bị chó, mèo nghi dại cắn; tổ chức tốt khám, tư vấn, chữa trị theo Quy định của Bộ Y tế.
+ Lập sổ theo dõi các trường hợp người tiêm vắc xin phòng dại, thông báo kịp thời với cơ quan Thú y địa phương để phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật nhằm hạn chế thấp nhất lây bệnh dại lây sang người.
- Báo cáo Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế, tranh thủ sự hỗ trợ, chỉ đạo về chuyên môn để kịp thời đưa ra các biện pháp phòng, chống bệnh dại phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
4. Chi cục Thú y tỉnh:
- Trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai và thực hiện công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
- Hướng dẫn chuyên môn về các biện pháp phòng chống bệnh, tổ chức triển khai giám sát dịch bệnh dại trên động vật, thực hiện chế độ báo cáo về công tác phòng, chống bệnh dại, công tác giám sát bệnh dại và quản lý chó nuôi trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.
5. Sở Tài chính, Sở kế hoạch và Đầu tư chủ động cân đối, bố trí nguồn kinh phí kịp thời để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
6. Các cơ quan Thông tin và Truyền thông
Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Yên Bái, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh và các ngành, đơn vị liên quan phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế thường xuyên thông tin, tuyên truyền về bệnh dại, đặc biệt là mối nguy hiểm của bệnh dại ở người để người dân nâng cao nhận thức trong phòng, chống bệnh dại trên người; hợp tác với cơ quan Thú y trong phòng, chống bệnh dại ở động vật.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triể nông thôn, Sở Y tế tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.