ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 02 năm 1992 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC TRẺ EM Ở THÀNH PHỐ, QUẬN HUYỆN, PHƯỜNG XÃ .
Tiếp theo Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em ban hành ngày 16 tháng 8 năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định số 362/HĐBT ngày 6 tháng 11 năm 1991 qui định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam.
Để triển khai thực hiện Luật và Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng trên địa bàn thành phố, huy động được các đoàn thể nhân dân, các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội- kinh tế tham gia, phối hợp đẩy mạnh hoạt động thực hiện các mục tiêu, kế hoạch, chế độ, chính sách và chương trình hành động vì trẻ em, Ủy ban nhân dânthành phố đã ra Quyết định số 199/QĐ-UB ngày 30 tháng 01 năm 1992 qui định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em thành phố.
Nay để tạo điều kiện xây dựng hệ thống tổ chức xuống quận huyện, phường xã, thị trấn, nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn và qui định thêm một số điểm sau đây :
1- Đối với sở ban ngành thành phố, Ban lãnh đạo có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở, đơn vị trực thuộc thi hành luật và các qui định về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em ; cần phân công 1 cán bộ kiêm nhiệm theo dõi công tác nầy. Ở những sở phải tiến hành nhiều công tác liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em như : Sở Y tế, Sở Giáo dục- đào tạo, Sở Văn hóa thông tin, Sở Thể dục thể thao, Sở Lao động Thương binh và xã hội, Sở Tư pháp , Công an thành phố cần có 1 cán bộ chuyên trách về công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em của sở để thi hành luật và thực hiện chương trình hoạt động của Ủy ban nhân dân thành phố về trẻ em.
Những sở ban ngành được cấu tạo thành viên Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em thành phố, Ban lãnh đạo có trách nhiệm xây dựng chương trình hoạt động của ngành, sở mình thi hành Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em 5 năm và từng năm ; chỉ đạo các cơ sở, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của ngành, đồng thời có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em cùng cấp tuyên truyền vận động cán bộ nhân viên thực hiện tốt Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.
2- Ở cấp quận huyện, thành lập một tổ chức thống nhứt lấy tên là Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em trực thuộc Ủy ban nhân dân, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phụ trách văn xã làm Chủ tịch Ủy ban.
Các Phó Chủ tịch Ủy ban là đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phòng Y tế, Phòng Giáo dục... Phó Chủ tịch thường trực là cán bộ chuyên trách.
Các Ủy viên là đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội Chữ thập đỏ, Phòng Tư pháp, Phòng Văn hóa thông tin, Phòng Thể dục thể thao, Phòng Lao động- Thương binh xã hội, Phòng Tài chánh, Công an... và một số cá nhân tiêu biểu.
Tùy theo yêu cầu công việc và đặc điểm tình hình của địa phương mà bố trí cán bộ từ 2 đến 5 người, phải chọn người có nhiệt tình và trình độ để bộ máy gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực. Trụ sở làm việc đặt tại Văn phòng Ủy ban nhân dân. Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em quận huyện được sử dụng con dấu và tài khoản riêng để hoạt động.
3- Cấp phường xã, thị trấn thống nhứt lấy tên là Ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em trực thuộc Ủy ban nhân dân do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban. Có một số Phó trưởng ban, trong đó có 1 Phó trưởng ban chuyên trách (được hưởng 1 định xuất do ngân sách đài thọ, nhưng không thuộc biên chế Nhà nước). Các phường xã cần chọn mời 1 đồng chí đã nghỉ hưu, nhưng còn sức khỏe có nhiệt tình với công tác bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em để đảm nhận chức vị Phó trưởng ban chuyên trách.
Ban bảo vệ chăm sóc trẻ em phường xã, thị trấn được sử dụng con dấu và tài khoản riêng, được cấp kinh phí hoạt động (do ngân sách quận huyện phân về cho phường xã), được vận động xây dựng quỹ về tuổi thơ theo qui định của Nhà nước để phục vụ trẻ em ở xã phường, thị trấn. Cấp xã phường, thị trấn cần xây dựng mạng lưới các “Tổ chăm sóc giáo dục trẻ em” gắn với địa bàn khu phố, tổ dân phố ở nội thành và thôn ấp, tổ nhân dân ở ngoại thị.
4- Chức năng nhiệm vụ của Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em quận huyện và của Ban bảo vệ chăm sóc trẻ em phường xã thị trấn dựa vào chức năng nhiệm vụ quyền hạn được qui định trong Quyết định số 199/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân thành phố và sự hướng dẫn chỉ đạo của Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em thành phố để xây dựng cho phù hợp với địa phương mình, trình cho Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt.
Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình thông qua hoạt động tập thể của Ủy ban, hoạt động của từng thành viên trong Ủy ban và hoạt động của thường trực Ủy ban.
Phó Chủ tịch chuyên trách giúp Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo điều khiển bộ máy công tác của Ủy ban, được Chủ tịch ủy nhiệm quyết định một số công việc thuộc nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em.
Các Ủy viên Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em có trách nhiệm tham gia đầy đủ vào công việc của Ủy ban, các cơ quan, đoàn thể có đại diện là thành viên có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức trong ngành thực hiện các chương trình, kế hoạch về bảo vệ chăm sóc trẻ em như đã được phân công, tạo điều kiện để đại diện của cơ quan đoàn thể trong Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em hoạt động đều đặn có hiệu quả.
Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em là sự nghiệp chung có ý nghĩa to lớn của toàn thể nhân dân, của các cơ quan Nhà nước, của các tổ chức xã hội- kinh tế. Vì vậy Ủy ban nhân dân các cấp cũng như các cơ quan Nhà nước cần tạo điều kiện và cùng với đoàn thể quần chúng tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức chung của mọi người, mọi tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.