ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2010/CT-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 03 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC THUẾ
Trong thời gian qua tại thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện một số doanh nghiệp chuyên hoạt động kinh doanh trốn thuế hoặc gian lận về thuế, trong đó có doanh nghiệp làm thủ tục thành lập nhưng không tổ chức sản xuất kinh doanh mà chỉ để mua, bán bất hợp pháp hóa đơn thu lợi bất chính, tiếp tay cho một số doanh nghiệp trốn thuế, gian lận thương mại vừa gây thất thu cho ngân sách nhà nước, vừa ảnh hưởng xấu đến môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Cục Thuế thành phố đã phối hợp với cơ quan Công an phát hiện và xử lý nhiều doanh nghiệp bỏ trốn khỏi trụ sở kinh doanh, doanh nghiệp không hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động kinh doanh trái pháp luật, trong đó thường là mua, bán hóa đơn bất hợp pháp, nhất là làm hồ sơ xuất khẩu khống để hoàn thuế giá trị gia tăng chiếm đoạt tiền từ ngân sách nhà nước. Loại vi phạm khác của một số doanh nghiệp là nhập khẩu nhiều loại hàng hóa giá trị cao và trong thời gian được ân hạn thuế đã bán hàng, không nộp thuế và bỏ trốn.
Các hành vi vi phạm phổ biến trong lĩnh vực thuế như: doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bỏ trốn, mất tích khỏi trụ sở kinh doanh; chây ỳ không nộp đủ tiền thuế, tiền phạt vào ngân sách nhà nước; sửa chữa, tẩy xóa chứng từ kế toán, hủy bỏ chứng từ kế toán, sổ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số thuế miễn, số tiền thuế được giảm; không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán; mua, bán, in ấn sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp, tiếp tay cho hành vi trốn thuế; đặc biệt là hình thức trốn thuế khác rất tinh vi là hoạt động chuyển giá trong các công ty có giao dịch liên kết ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhằm tăng cường thực hiện các giải pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp cấp bách sau:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan cấp giấy chứng nhận kinh doanh thông báo về địa phương nơi doanh nghiệp có văn phòng, chi nhánh, nhà máy sản xuất.
b) Xây dựng cơ chế hậu kiểm để kịp thời phát hiện các doanh nghiệp không triển khai dự án, không triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, không tồn tại nơi đăng ký địa chỉ kinh doanh, thông báo kịp thời các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn cho các cơ quan liên quan để ngăn chặn.
c) Có biện pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.
2. Sở Ngoại vụ:
a) Thông báo các cơ quan đại diện nước ngoài có biện pháp nhắc nhở công dân các nước chấp hành đúng quy định pháp luật Việt Nam;
b) Báo cáo Bộ Ngoại giao để nêu vấn đề về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trốn thuế, gian lận thuế trong các cuộc họp với các cơ quan lãnh sự các nước để có biện pháp giải quyết.
3. Cục Thuế thành phố:
a) Về công tác hướng dẫn, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế:
Khi doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và cấp mã số thuế đến liên hệ kê khai nộp thuế thì Cục Thuế thành phố, Chi cục Thuế các quận - huyện phải tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp (đây là những doanh nghiệp mới được thành lập, chưa hiểu rõ chính sách thuế).
b) Về công tác quản lý hóa đơn, ấn chỉ thuế:
- Đối với các doanh nghiệp thành lập nhằm mục đích mua, bán hóa đơn thu lợi bất chính đã bỏ trốn: cơ quan Thuế chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an đề nghị điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan Thuế các cấp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an và các cơ quan thông tin đại chúng để công khai một số vụ án về mua, bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm mục đích giáo dục trong nhân dân để tránh bị lợi dụng.
c) Về công tác thanh tra, kiểm tra thuế:
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế chống thất thu ngân sách, trong đó chú ý một số ngành nghề, lĩnh vực sau:
- Các doanh nghiệp có nhiều chi nhánh, cửa hàng tại các địa phương, nhất là các ngành hàng ăn uống, dịch vụ, vũ trường, karaoke, massage, cà phê cao cấp, quán bar, dịch vụ cầm đồ.
- Các doanh nghiệp kê khai lỗ nhiều năm liền, các doanh nghiệp có ưu đãi miễn giảm thuế nhất là doanh nghiệp được thành lập trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
- Các doanh nghiệp ngành xây dựng, kinh doanh xây dựng cơ sở hạ tầng và kinh doanh bất động sản.
- Các cửa hàng, chi nhánh, đại lý, kinh doanh xe ô tô và xe gắn máy.
- Các ngân hàng, nhất là các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại thành phố.
- Các doanh nghiệp làm dịch vụ hàng hải, vận tải biển, nhất là vận tải hàng hải quốc tế.
- Các doanh nghiệp đã được hoàn thuế từ 5 kỳ trở lên, nhất là doanh nghiệp có số thuế hoàn lớn và liên tục nhiều kỳ trong năm.
Qua thanh tra, kiểm tra cần tổng hợp, đánh giá, nhận xét và đề xuất cho cơ quan chức năng các giải pháp quản lý hiệu quả hơn.
4. Về công tác phối hợp giữa hai cơ quan Thuế và Công an:
Công an thành phố và Cục Thuế thành phố tăng cường các hoạt động phối hợp trong công tác phòng, chống các hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực thuế như trốn thuế, gian lận thuế, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, in ấn, mua, bán và sử dụng trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, chây ỳ không nộp đủ tiền thuế, tiền phạt vào ngân sách nhà nước và các tội phạm khác về thuế theo Quy chế phối hợp số 1527/QCPH/TCT-TCCS ngày 31 tháng 10 năm 2007 của Tổng Cục thuế - Bộ Tài chính và Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an về việc đấu tranh phòng chống các hành vi tội phạm trong lĩnh vực thuế.
5. Các Ngân hàng có trụ sở, chi nhánh đóng trên địa bàn thành phố:
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện thanh toán các khoản tiền lớn, nhất là các khoản thanh toán bất thường, thông báo cho Ngân hàng Nhà nước và cơ quan chức năng để có biện pháp phối hợp, xử lý.
6. Chi cục Quản lý thị trường thành phố:
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn, nhất là hàng gian, hàng lậu, hàng quá hạn sử dụng không có chứng từ, hóa đơn, hoặc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, đồng thời phối hợp cùng cơ quan Thuế, cơ quan Công an và các ngành chức năng xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật.
7. Cục Hải quan thành phố:
Phối hợp với Cục Thuế thành phố xây dựng và thực hiện Quy chế phối hợp giữa Cục Hải quan và Cục Thuế trong việc ngăn ngừa và chống các hoạt động gian lận thương mại.
8. Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã:
Có biện pháp theo dõi, giám sát các doanh nghiệp được cấp phép trên địa bàn, định kỳ báo cáo tình hình hoạt động của các doanh nghiệp theo phân cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
9. Phối hợp giữa Cục Thuế thành phố với các cơ quan truyền thông:
Cục Thuế thành phố phối hợp với các cơ quan báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh và báo mạng internet tuyên truyền, vận động người dân khi mua hàng hóa, dịch vụ phải yêu cầu cung cấp hóa đơn tài chính, góp phần nâng cao ý thức người dân đối với việc mua hàng phải có hóa đơn là nghĩa vụ và quyền lợi công dân góp phần xây dựng đất nước. Đồng thời cơ quan truyền thông và cơ quan Thuế xây dựng các chuyên mục phổ biến các thủ đoạn trốn thuế của một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để nhân dân hiểu rõ và thực hiện đúng pháp luật.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ đạo nêu trên. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Cục Thuế thành phố để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo giải quyết.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.