ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 6 năm 2020 |
VỀ TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ THI HÀNH TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ CỦA NHÀ NƯỚC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG PHÒNG, CHỐNG VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀ TỘI PHẠM
Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố, công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm của Thành phố đã đạt được những kết quả khả quan. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật và tội phạm đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh, một số vụ án tồn đọng kéo dài được xử lý dứt điểm, góp phần quan trọng xây dựng bộ máy Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tính tiên phong gương mẫu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm chưa cao. Việc tự phát hiện hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Một số vụ việc, vụ án xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân. Tình trạng sa sút phẩm chất, nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ vẫn còn diễn ra tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị.
Để khắc phục những tồn tại, yếu kém, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong ngăn chặn, từng bước đẩy lùi vi phạm pháp luật và tội phạm, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, liêm chính và góp phần đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của Thành phố,
Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở - ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện và cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Thành phố tập trung thực hiện một số công việc sau:
1. Đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị:
a) Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các quy định và văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm[1] gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng[2] và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức[3].
b) Gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định về quyền và nghĩa vụ của công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đã được quy định tại Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và tại Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành công vụ. Người đứng đầu phải là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống "cần, kiệm, liêm, chính", "chí công vô tư", thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện tốt quy chế dân chủ, văn hóa công sở.
c) Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện và phường - xã, thị trấn chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định. Xác định công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và đưa vào nội dung kiểm điểm định kỳ của các ngành, các cấp và đưa vào chương trình kiểm tra thường xuyên của cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
d) Thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ. Đề cao tinh thần trách nhiệm và quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành quy chế làm việc. Nâng cao trách nhiệm giải trình, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, đạo đức nghề nghiệp của viên chức. Quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng và kết quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý. Thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật.
đ) Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm về phòng, chống vi phạm pháp luật kết hợp với chương trình hành động và việc làm cụ thể của mỗi ngành, mỗi cấp, cá nhân, đơn vị, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng tuyên truyền các nội dung phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm được nêu trong Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025; định hướng đến năm 2030.
e) Tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Đảm bảo thực hiện đủ các giải pháp đồng bộ để phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm theo hướng tăng cường công khai, minh bạch; trách nhiệm đi đôi với khen thưởng; đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Trong chỉ đạo cần lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực thường dê xảy ra vi phạm pháp luật và tội phạm như: quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng cơ bản; mua sắm tài sản công; thuế; hải quan; khai thác tài nguyên -khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và công tác tổ chức cán bộ.
g) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Kịp thời xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức:
a) Tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tích cực đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng.
b) Trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ phải thực hiện đầy đủ và đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ của công chức, viên chức quy định tại Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Luật Phòng, chống tham nhũng.
c) Tuân thủ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Nâng cao ý thức trách nhiệm, tận tâm, tận tụy trong công việc, giải quyết nhanh chóng, kịp thời yêu cầu chính đáng của tổ chức, công dân. Không được kéo dài thời gian giải quyết hoặc hách dịch, cửa quyền, tự ý đặt ra quy định trái pháp luật, trái với quy định của cấp có thẩm quyền để gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu cho nhân dân và các cơ quan, tổ chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.
d) Tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ, công việc được giao. Phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp để nâng cao hiệu quả, chất lượng và đảm bảo tiến độ công việc.
a) Đẩy mạnh công tác thanh tra, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; chú trọng theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị, khắc phục hậu quả, xử lý sai phạm sau thanh tra, nhất là việc thu hồi tài sản, xử lý kỷ luật hành chính, xử lý hình sự đối với các vụ việc đã chuyển cơ quan điều tra.
b) Tăng cường phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy và các cơ quan tố tụng trong việc nâng cao hiệu quả đấu tranh, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm theo các quy định của Đảng và Nhà nước.
a) Phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy và đơn vị liên quan rà soát lại quy chế, tổ chức hoạt động của từng cơ quan, đơn vị để xác định rõ vai trò, trách nhiệm quản lý, điều hành cụ thể. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, người đứng đầu và các cá nhân vi phạm hoặc thiêu nghiêm túc trong tổ chức thực hiện các quy định về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố:
a) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc khối Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với giám sát công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc khối Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội vận động, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và
Nhà nước về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm cho các tầng lớp nhân dân và cho các đoàn viên, hội viên đang sinh hoạt, công tác thuộc thẩm quyền quản lý.
a) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được biết và nghiêm túc chấp hành thực hiện. Đồng thời, chịu trách nhiệm Người đứng đầu phải làm gương trong việc thực hiện và phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nội dung của Chỉ thị này.
b) Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Thanh tra Thành phố, Ban Tổ chức Thành ủy và đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra, thanh tra quá trình thực hiện Chỉ thị này của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề xuất hoặc có ý kiến khác, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân Thành phố (thông qua Sở Nội vụ) để xem xét, giải quyết./.
| CHỦ TỊCH |
[1] Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07 tháng 12 năm 2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 05-KL/TW ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới.
[2] Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 12 tháng 01 năm 2011 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
[3] Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07 tháng 6 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.