UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2008/CT-UBND | Thái Bình, ngày 10 tháng 12 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH CHỐNG BUÔN LẬU, KINH DOANH HÀNG CẤM, HÀNG GIẢ VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI
Thực hiện Chỉ thị số 28/2008/CT-TTg ngày 08/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 18/BCĐ-QLTT ngày 8/7/2008 của Ban chỉ đạo 127/TW về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, trong thời gian qua các ngành, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cố gắng tổ chức lực lượng, tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại còn nhiều bất cập, chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại trong tỉnh còn gia tăng và diễn biến phức tạp. Đặc biệt thời gian gần đây lợi dụng biến động thất thường về cung cầu, giá cả hàng hoá trên thị trường, xuất hiện nhiều hành vi gian lận thương mại tinh vi đã và đang gây tác hại nghiêm trọng đến sản xuất, an sinh xã hội, an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân và môi sinh môi trường.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do một số ngành, địa phương và lực lượng chức năng chưa chủ động phối hợp trong nắm bắt thông tin, tổ chức kiểm tra, phát hiện và đấu tranh kiên quyết với nạn buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại. Việc xử lý các vi phạm chưa kiên quyết, chưa đủ răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và thương nhân còn lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, vì lợi ích cục bộ cố tình vi phạm.
Để công tác chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại đạt hiệu quả cao và khắc phục những hạn chế trên, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng ban ngành, Chủ tịch UBND huyện, Thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp cần quán triệt và thực hiện một số biện pháp cấp bách sau đây:
1. Các ngành, các địa phương, các đơn vị và các cơ quan thông tin báo chí, phát thanh truyền hình, đoàn thể, hiệp hội vừa phải trực tiếp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vừa phải phối hợp chặt chẽ cung cấp thông tin, nâng cao khả năng nhận biết và ý thức cảnh giác của người tiêu dùng tạo dư luận mạnh mẽ lên án các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại, biểu dương những điển hình, gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
2. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ. Tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, các phương án của Ban chỉ đạo 127/TW đối với xăng dầu, sắt thép, gia súc, gia cầm, phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tân dược và đông dược, sữa, thực phẩm công nghệ, mũ bảo hiểm và pháo. Các hành vi vi phạm được phát hiện phải được xử lý kiên quyết, kịp thời theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.
3. Các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp chặt chẽ nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, cụ thể:
- Sở Công thương: Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng các kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn. Chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các ban ngành liên quan triển khai kế hoạch kiểm tra vào những tháng cuối năm 2008 và tháng giáp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu. Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường làm lực lượng nòng cốt trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, chủ trì tổ chức và tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành, tổng hợp báo cáo và tham mưu xử lý các vụ điển hình.
- Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng và Hải quan Thái Bình: Trinh sát, điều tra, phát hiện, triệt phá các đường dây, các ổ nhóm buôn lậu, xử lý nghiêm minh việc sản xuất, đóng gói, sang chiết trái phép, buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn, đặc biệt là trên biển, các tuyến giao thông đường bộ. Phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các ngành tiến hành các cuộc kiểm tra chuyên đề, liên ngành, đặc biệt chủ trì chủ động tổ chức các biện pháp chống sản xuất buôn bán và đốt pháo theo chỉ đạo của Ban 127/TW và Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 31/10/2008 của UBND tỉnh.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ: Rà soát, công bố danh mục các loại phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi cây trồng, thuốc chữa bệnh, sữa và các sản phẩm có chứa sữa, các loại hình dịch vụ văn hoá, văn hoá phẩm, các thương hiệu, nhãn hàng hoá, sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp đã đăng ký và được phép sản xuất, nhập khẩu, đóng gói, sang chiết, buôn bán và sử dụng tại Việt Nam; công bố các tiêu chuẩn đo lường, chất lượng làm cơ sở kiểm tra, xử lý và phối hợp tổ chức các cuộc kiểm tra liên ngành. Quản lý chặt chẽ việc cấp và sử dụng các loại giấy phép, giấy chứng nhận hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
- Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về xây dựng giá; đăng ký, niêm yết công khai và thực hiện bán hàng theo giá đăng ký của các cơ sở sản xuát kinh doanh. Triển khai và hướng dẫn thực hiện Thông tư 59/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
- Uỷ ban nhân dân các huyện, Thành phố: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về tác hại nhiều mặt do buôn lậu, hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại trong cán bộ đảng viên và nhân dân. Chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp chống buôn lậu, chống sản xuất kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng cấm để ổn định thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh góp phần kiềm chế lạm phát và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội của địa phương
- Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn: Phải chấp hành nghiêm túc các quy định về sản xuất kinh doanh theo pháp luật hiện hành, cung cấp thông tin trung thực, kịp thời và phối hợp để các cơ quan kiểm tra thực hiện nhiệm vụ. Chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng và pháp luật đối với sản phẩm hàng hoá dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh.
4. Giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với các sở ban ngành và UBND các huyện, Thành phố tổ chức thực hiện Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả về UBND tỉnh. Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình thông báo toàn văn Chỉ thị này trên sóng phát thanh truyền hình để nhân dân biết và thực hiện.
Giám đốc các Sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này, tổ chức phổ biến sâu rộng chỉ thị tới mọi tầng lớp nhân dân và có kế hoạch thực hiện tốt ở địa phương, đơn vị mình./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.