ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-UBND | Trà Vinh, ngày 29 tháng 02 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ GIỐNG, THỨC ĂN, THUỐC THÚ Y, HÓA CHẤT, CHẾ PHẨM SINH HỌC DÙNG TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản từng bước có nhiều chuyển biến tích cực nhằm tạo điều kiện cho kinh tế thủy sản của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, việc quản lý vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con giống tại một số địa phương trong tỉnh còn thiếu chặt chẽ, quyết liệt; công tác tuyên truyền, lựa chọn con giống và vật tư đầu vào chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến con giống thả nuôi kém chất lượng, không qua kiểm dịch. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu vụ nuôi đến nay đã có 542 triệu con giống tôm sú và 356 triệu con giống tôm thẻ chân trắng được thả nuôi; trong đó, số lượng giống được kiểm dịch còn rất thấp chỉ đạt khoảng 20% đối với tôm sú và 70% đối với tôm thẻ chân trắng.
Để thực hiện công tác quản lý Nhà nước, nhất là về con giống trong nuôi trồng thủy sản hiệu quả, đúng quy định, phục vụ tốt cho người nuôi trên địa bàn tỉnh, hạn chế thiệt hại và tổn thất trong mùa vụ nuôi năm 2015 - 2016, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh chỉ thị:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp với các địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định có liên quan đến nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn người nuôi tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng thuốc và ngừng sử dụng thuốc kháng sinh trước khi thu hoạch, đặc biệt là không dùng kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh trên tôm, cá nuôi nhằm hạn chế tối đa dư lượng tồn dư trong sản phẩm.
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nội dung Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm và các văn bản khác có liên quan nhằm thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, đề nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh đối với những cơ sở không đủ điều kiện.
- Chỉ đạo thực hiện tốt chức năng thanh tra và thanh tra chuyên ngành, chủ động thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu sản phẩm, hàng hóa là thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi trồng thủy sản để phân tích, kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng hàng hóa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương thanh tra, kiểm tra và xử lý các đối tượng sản xuất, kinh doanh, vận chuyển tôm giống, cá giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường cán bộ chuyên môn xuống địa bàn tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn người nuôi phương pháp phòng, trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.
- Công bố danh sách và cập nhật thông tin các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh vào trang website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để các tổ chức, cá nhân biết và có thêm thông tin trong việc lựa chọn giống có chất lượng.
- Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, hướng dẫn người nuôi áp dụng quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo Phòng chuyên môn tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định có liên quan đến nuôi trồng thủy sản cho người nuôi thủy sản trên địa bàn; ban hành lịch thời vụ cụ thể cho từng tiểu vùng trên cơ sở khung lịch thời vụ chung của tỉnh, giám sát, kiểm tra việc tuân thủ lịch thời vụ nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng mùa vụ 2015 - 2016 nhằm đảm bảo thời gian cải tạo môi trường nuôi thủy sản, hạn chế phát sinh dịch bệnh.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, vận chuyển giống trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
- Khuyến cáo người nuôi tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi, sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, hạn chế tối đa việc sử dụng chất kháng sinh trong việc phòng, trị bệnh tôm, cá.
- Tiếp tục duy trì, phát huy vai trò của Đội kiểm tra liên ngành cấp huyện, chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra để nắm tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn và cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đúng theo quy định, không chủ quan, trông chờ việc thanh tra, kiểm tra, xử lý của lực lượng cấp tỉnh.
- Tăng cường quản lý chặt chẽ việc tổ chức hội thảo của các công ty, doanh nghiệp kinh doanh giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; kiểm tra, xử lý nghiêm các hình thức kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường nuôi thủy sản, giống thủy sản, không có cơ sở, địa chỉ rõ ràng.
- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản khác có liên quan, đề nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh đối với những cơ sở không đủ điều kiện.
3. Tiếp tục thực hiện nghiêm theo phân cấp quản lý được quy định tại Quyết định số 12/2013/QĐ-UBND ngày 09/5/2013 và Quyết định số 19/2015/QĐ-UBND ngày 10/8/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm đúng theo quy định. Nếu để xảy ra tình trạng tôm giống, cá giống không qua kiểm dịch được lưu hành hoặc bán cho dân để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố nơi đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để có sự chỉ đạo kịp thời./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.