BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04-CT/KHKT | Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 1995 |
CHỈ THỊ
CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ SỐ 04-CT/KHKT NGÀY 9 THÁNG 6 NĂM 1995 VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH QUẢN LÝ NHÃN HIỆU HÀNG HOÁ
Sử dụng nhãn hiệu hàng hoá một cách trung thực, theo đúng pháp luật là yêu cầu không thể thiếu được đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, để bảo vệ quyền lợi của người sở hữu nhãn hiệu hàng hoá đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, chống lại việc làm và tiêu thụ hàng giả, góp phần nâng cao trình độ văn minh trong kinh doanh.
Trong lĩnh vực này, Nhà nước đã ban hành một số văn bản pháp quy, gồm:
- Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ngày 11-2-1989;
- Điều lệ về nhãn hiệu hàng hoá, ban hành theo Nghị định số 197-HĐBT ngày 14-12-1982, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 84-HĐBT ngày 20-3-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ);
- Điều lệ về mua bán li-xăng ban hành theo Nghị định số 201-HĐBT ngày 18-12-1988 của Chính phủ;
- Thông tư số 163-TT/SHCN ngày 15-11-1994 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn việc phê duyệt và đăng ký hợp đồng chuyển nhượng li-xăng;
- Nghị định số 140-HĐBT ngày 25-4-1991 của Hội đồng Bộ trưởng quy định về kiểm tra, xử lý việc sản xuất và buôn bán hàng giả.
Về mặt quốc tế, Nhà nước ta đã ký kết tham gia Công ước Paris về sở hữu trí tuệ và Thoả ước Madrid về nhãn hiệu hàng hoá.
Trong hai năm vừa qua Bộ đã lần lượt tổ chức tập huấn những văn bản pháp quy nói trên.
Mấy năm gần đây, hàng tiêu dùng sản xuất trong nước ngày càng phong phú và đa dạng. Thực hiện các quy định của Nhà nước, hầu hết các sản phẩm đã có nhãn hiệu hàng hoá. Nhiều sản phẩm có chất lượng cao và ổn định đã được thị trường tín nhiệm.
Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện một số hiện tượng không lành mạnh, như: làm hàng giả nhãn hiệu, "nhại" nhãn hiệu, chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu không đúng thủ tục pháp lý... gây tác hại cho người tiêu dùng và cho doanh nghiệp có nhãn hiệu bị lợi dụng.
Để chấn chỉnh tình hình trên, thi hành đúng những quy định của Nhà nước về nhãn hiệu hàng hoá, Bộ Công nghiệp nhẹ yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện các việc sau:
1. Các sản phẩm công nghiệp phải đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và kiểu dáng công nghiệp tại Cục Sở hữu công nghiệp thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
2. Mọi sản phẩm lưu hành trên thị trường đều phải có ghi tiêu chuẩn chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh được đăng ký tại các Trung tâm, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng ở các khu vực và các tỉnh.
3. Việc chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá phải được tiến hành trên cơ sở hợp đồng hoặc giấy phép sử dụng, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và đăng ký tại Cục Sở hữu công nghiệp. Các thủ tục khác phải tuân theo Điều lệ về mua bán li-xăng.
4. Các nhãn hiệu đã được cấp bằng độc quyền còn hiệu lực và đăng ký tại Cục Sở hữu công nghiệp được coi là một tài sản đặc biệt. Đơn vị hoặc cá nhân có quyền sở hữu nhãn hiệu đó phải tự bảo vệ, kịp thời phát hiện những vi phạm, thu thập các chứng cứ, đề nghị toà án kinh tế xét xử, buộc người vi phạm phải đình chỉ hành vi, bồi thường thiệt hại.
Bộ yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ, các Sở Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp thường xuyên kiểm tra, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn để mọi cơ sở sản xuất và lưu thông hàng tiêu dùng thi hành đúng pháp luật về nhãn hiệu hàng hoá.
| Đặng Vũ Chư (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.