BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-BYT | Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TƯ NHÂN
Trong thời gian qua, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trong toàn quốc đã đóng góp một phần quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người dân trong cộng đồng, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp dịch vụ cho người dân. Đến nay, toàn quốc đã có 206 Bệnh viện tư nhân và trên 30.000 phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, bên cạnh các đóng góp tích cực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, hiện nay qua báo cáo của các Sở Y tế và thực tế Bộ Y tế kiểm tra cho thấy một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, đặc biệt là các phòng khám tư nhân còn vi phạm các quy định về pháp luật khám bệnh, chữa bệnh như: mời bác sỹ người nước ngoài hành nghề khi chưa có chứng chỉ hành nghề; hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép; sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; quảng cáo quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép; không công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc có niêm yết giá nhưng thu phí cao hơn giá đã niêm yết; việc lưu đơn thuốc, hồ sơ bệnh án chưa đúng theo quy định của Bộ Y tế.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế, chấn chỉnh các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn các tỉnh, thành phố, cung cấp các dịch vụ có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn cho người bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện những nội dung sau đây:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và các quy chế chuyên môn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn quản lý.
2. Tăng cường quản lý người hành nghề thông qua việc đăng ký hành nghề, bảo đảm tất cả người hành nghề phải được cấp chứng chỉ hành nghề và hành nghề đúng phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép.
3. Đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn, kèm theo phạm vi hoạt động chuyên môn, thời gian hoạt động, danh sách và phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề tại các cơ sở này để người dân tiện tìm hiểu thông tin trước khi khám bệnh, chữa bệnh.
4. Yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở (nếu có) và tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các thông tin sau: Giấy phép hoạt động bao gồm phạm vi hoạt động chuyên môn, thời gian hoạt động; danh sách, văn bằng chuyên môn và phạm vi hoạt động chuyên môn của người chịu trách nhiệm chuyên môn và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tên và địa chỉ cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp để người dân biết và phản ánh khi có sai phạm.
5. Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất để kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Thường xuyên kiểm tra biển hiệu quảng cáo, người hành nghề hoạt động chuyên môn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, việc thực hiện các quy chế chuyên môn. Khi kiểm tra, thanh tra phát hiện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sai phạm phải xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật, không bao che sai phạm, thực hiện xử phạt hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, kết hợp với các hình thức phạt bổ sung theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ như: tước chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, tước giấy phép hoạt động hoặc đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân theo quy định của pháp luật.
Thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân có vi phạm pháp luật về y tế, tính chất, mức độ vi phạm, hình thức xử phạt để nhân dân biết nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa tái phạm.
6. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp phường, xã và cấp quận, huyện trong công tác quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn quản lý, khuyến khích nhân dân cùng giám sát, phát hiện các sai phạm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thông báo cho Sở Y tế và chính quyền địa phương xử lý kịp thời.
7. Phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, thực hiện quản lý chặt chẽ việc quảng cáo về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại địa phương. Khi thực hiện xác nhận nội dung quảng cáo phải thẩm định các nội dung quảng cáo, đối chiếu với phạm vi hoạt động chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cho phép, bảo đảm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không quảng cáo quá mức quy định, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép.
8. Tăng cường công tác truyền thông để người dân nêu cao cảnh giác khi nghe các quảng cáo quá mức về khả năng khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
9. Trách nhiệm thực hiện:
a) Cục Quản lý khám, chữa bệnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế.
b) Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.