BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2007/CT-BXD | Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG, GIẢM NHẸ THIÊN TAI NĂM 2007 ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ XÂY DỰNG
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Trên phạm vi toàn cầu, trong những năm gần đây, thiên tai xảy ra ngày càng nhiều, đa dạng với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Hàng năm trên thế giới trung bình có hơn 200 triệu người bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Trong năm 2006, tình hình thời tiết ở đất nước ta diễn biến hết sức phức tạp, thiên tai xảy ra với tần suất và mức độ ngày càng cao, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến tài sản và tính mạng của nhân dân. Theo tổng kết của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm làm 339 người chết, 274 người bị mất tích, về dân sinh có 75.000 ngôi nhà bị đổ, 554.000 ngôi nhà khác bị ngập, hư hại, 5.500 phòng học, hơn 100 cơ sở y tế bị đổ trôi, hư hại... Tổng thiệt hại lên tới 18.566 tỷ đồng.
Trong những năm qua các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng đã có nhiều cố gắng trong việc lập và thực hiện các kế hoạch phòng chống lụt bão, lũ quét, sạt lở, đã chủ động thực hiện và phối hợp với chính quyền các địa phương, tiến hành các biện pháp phòng chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, một số đơn vị chưa thực sự quan tâm, coi trọng đến việc thực hiện công tác này; việc tổ chức phổ biến các kiến thức, quán triệt các biện pháp thực hiện về công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai chưa đầy đủ; chất lượng, hiệu quả chưa cao. Công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai còn bị động, nặng về giải quyết các tình huống cụ thể.
Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, để có thể chủ động giải quyết mọi tình huống, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, về tài sản của doanh nghiệp cũng như của xã hội do ảnh hưởng của thiên tai gây ra. Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các Tổng công ty, Thủ trưởng các đơn vị và Giám đốc các công ty thuộc Bộ Xây dựng tổ chức thực hiện các nội dung sau:
1. Khẩn trương thành lập và kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai
( trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão).
2. Chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống và giảm nhẹ thiên tai cho đơn vị mình trên cơ sở bảo đảm các nội dung: An toàn cho người, phương tiện thi công, nhà ở, doanh trại, nhà xưởng, kho tàng, bến bãi..., đặc biệt đối với các công trình thuỷ điện, giao thông, nhà ở và đô thị, các nhà máy sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, đồng thời kết hợp việc bảo đảm an toàn cho dân cư và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu vực đóng quân và thi công. Đối với các đơn vị hiện đang đóng quân hoặc đang thi công trên các khu vực dễ bị ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở phải đặc biệt chú ý xây dựng phương án cho các trường hợp cần thiết để khẩn trương sơ tán người và các loại máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở.
3. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, kịp thời huy động lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống, tìm kiếm, cứu nạn theo yêu cầu của địa phương.
4. Khi nghiên cứu lập dự án đầu tư cần chú ý hơn nữa ảnh hưởng của thiên tai trong thi công cũng như trong suốt quá trình vận hành dự án.
5. Thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuân theo sự chỉ dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cũng như Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của Bộ Xây dựng. Trong trường hợp có thiên tai xảy ra phải tổ chức trực chỉ huy, trực ban trong suốt thời gian thiên tai ảnh hưởng. Thường xuyên báo cáo về Bộ Xây dựng tình hình, diễn biến ảnh hưởng của thiên tai đối với đơn vị mình.
6. Tổ chức hoặc cử người theo học tại các khoá tập huấn về biện pháp ứng phó với mọi hình thức thiên tai. Phổ biến rộng rãi các kiến thức về phòng chống giảm nhẹ thiên tai cho toàn bộ cán bộ, công nhân trong đơn vị. Nếu điều kiện cho phép thì tổ chức lực lượng ứng phó chuyên trách của đơn vị.
7. Các đơn vị có trụ sở tại địa bàn các địa phương xảy ra thiên tai cần có phương án cung ứng kịp thời các vật tư, vật liệu chủ yếu để khắc phục tình trạng đầu cơ, nhằm bình ổn giá, góp phần khắc phục hậu quả sau thiên tai.
8. Giao Vụ Khoa học Công nghệ chủ trì phối hợp với các Vụ Xây lắp, Khảo sát thiết kế, các Viện nghiên cứu tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đáp ứng yêu cầu phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.
9. Giao Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Bộ Xây dựng chỉ đạo tổng hợp các kiến thức khoa học về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai thuộc lĩnh vực xây dựng, đặc biệt về nhà ở, tổ chức in ấn phát hành tài liệu hướng dẫn cho các đơn vị, địa phương.
10. Các Doanh nghiệp, đơn vị Báo cáo về tình hình thành lập và kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, phương án, kế hoạch phòng chống, giảm nhẹ thiên tai của đơn vị mình gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 25/04/2007.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty, Thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc các công ty thuộc Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Giao Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch thống kê, Vụ Tổ chức cán bộ, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp tình hình báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.