ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-UBND | Thái Bình, ngày 24 tháng 03 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN, QUẢN LÝ AN TOÀN CÔNG TRÌNH THỦY LỢI, ĐÊ ĐIỀU TRONG MÙA MƯA, LŨ, BÃO NĂM 2016.
Hiện nay, biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai, lụt, bão ngày càng có xu hướng phức tạp, bất thường. Dự báo trong những năm tới: Tần suất các cơn bão hình thành ở ngoài khơi Philippin đạt cấp siêu bão xuất hiện ngày càng nhiều; mưa, lũ cường suất lớn hơn; hạn hán, nắng nóng, rét đậm, rét hại... diễn ra nhiều hơn; nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng. Mặt khác, Thái Bình là một tỉnh ven biển, có địa hình bằng phẳng và thấp hơn mực nước biển dâng từ 1,0 đến 3,0 mét nên nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Để chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, góp phần ổn định xã hội và thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc: Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 03/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2020, Chỉ thị số 2039/CT-BNNPTNT-TCTL ngày 15/3/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lụt năm 2016, và Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 05/3/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020 tỉnh Thái Bình; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa, lũ, bão, úng ngập, thiên tai năm 2015; xây dựng kế hoạch, phương án, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016 cụ thể, sát với tình hình thực tế, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng địa phương (trong đó tập trung xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết ứng phó với bão mạnh, siêu bão, mưa lũ, nắng nóng, hạn hán kéo dài, động đất, sóng thần...); xác định phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên; lồng ghép vào nội dung các đề án, dự án và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương.
- Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ở các cấp, các ngành, các địa phương bảo đảm hoạt động có hiệu lực và hiệu quả. Tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản về phòng chống lũ, bão, giảm nhẹ thiên tai; vận động nhân dân chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống cho gia đình, cộng đồng dân cư và tích cực phòng chống lũ, bão, giảm nhẹ thiên tai của địa phương; tổ chức bổ túc kiến thức, kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai cho cán bộ mới được bổ nhiệm phụ trách lĩnh vực phòng, chống thiên tai; tổ chức tập huấn, hiệp đồng, thực hành triển khai các phương án để xử lý kịp thời các sự cố do lũ, bão, thiên tai gây ra trên địa bàn quản lý; sẵn sàng chi viện cho các địa phương khác theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; tổ chức triển khai Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn đến các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp cơ sở: Thôn, xóm, tổ dân phố.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nghiêm Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành “Quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, bố trí sắp xếp, hướng dẫn và kiểm tra việc neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão, lũ nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình”.
- Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy, Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải: Tập huấn phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực chủ động phòng tránh thiên tai cho nhân dân, đặc biệt là ngư dân và người nuôi trồng thủy, hải sản; giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn kiểm tra và ký cam kết với các chủ hộ nuôi trồng thủy, hải sản ngoài đê chính nghiêm túc thực hiện việc bảo vệ và sơ tán người làm thuê nuôi trồng thủy, hải sản trên biển theo lệnh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, kiên quyết xử lý, thu hồi diện tích nuôi trồng thủy, hải sản của các chủ hộ không nghiêm túc thực hiện; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời, kiên quyết ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ các công trình thủy lợi từ khi mới phát sinh.
- Giám đốc Sở, Thủ trưởng ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho đê, đặc biệt là các vị trí đê xung yếu theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chỉ đạo, kiểm tra các phương án huy động, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện hộ đê, công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các địa phương để có biện pháp xử lý, bổ sung, đảm bảo đủ cơ số cần thiết khi cần huy động; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch tu bổ đê điều và tiến độ thực hiện dự án nâng cấp đê sông, đê cửa sông, đê biển, dự án nạo vét các sông, xây, sửa cống tiêu úng nội đồng, hoàn thành trước mùa lũ, bão theo quy định.
- Khi có thiên tai xảy ra phải chủ động ứng phó và nhanh chóng khắc phục hậu quả ngay từ giờ đầu theo phương châm “Bốn tại chỗ” nhằm giảm thiểu thiệt hại, sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân vùng bị thiên tai gây ra; chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình, Đài Khí tượng thủy văn Thái Bình, Đài Truyền thanh truyền hình các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo thường xuyên, kịp thời về diễn biến mưa, lũ, bão, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về các biện pháp phòng, chống thiên tai, lụt, bão tới các cấp, các ngành và nhân dân biết để thực hiện; chống tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với lũ, bão, thiên tai.
3. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các cấp, các ngành phải thường xuyên theo dõi, nắm tình hình diễn biến của lũ, bão, thiên tai để có quyết định kịp thời; chủ động phòng, chống và chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão, lũ, thiên tai gây ra trong phạm vi ngành mình, địa phương mình phụ trách.
Nhận Chỉ thị này, yêu cầu: Giám đốc Sở, Thủ trưởng ban, ngành, đơn vị trong tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc và thường xuyên báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.