ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 3 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUỐC HỘI KHÓA XIV KỲ HỌP THỨ 2
Thực hiện Công văn số 884/VPCP-KTTH ngày 03 tháng 02 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ Quốc hội khóa XIV kỳ hợp thứ 2 giao và Công văn số 40/VPCP-QHĐP ngày 04 tháng 01 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ tại bộ, ngành, địa phương, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Thủ trưởng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan
- Thu hút mạnh đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước và công nghiệp hỗ trợ. Thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại làm nòng cốt, mũi nhọn phát triển kinh tế, cùng với sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, nâng cao sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Làm cầu nối thúc đẩy sự gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
- Triển khai Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.
- Đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh việc thành lập doanh nghiệp, đăng ký đầu tư điện tử theo quy định pháp luật nhằm giảm phiền hà, giảm bớt chi phí và thời gian của doanh nghiệp và nhân dân. Triển khai Kế hoạch đạt 50.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017.
- Rà soát, phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2017 nguồn vốn ngân sách thành phố; bảo đảm bố trí kế hoạch đúng quy định hiện hành.
- Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hình thức đầu tư xã hội hóa; báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải pháp nhằm tạo cơ chế, chính sách thông thoáng, thu hút vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Hướng dẫn, đôn đốc sở - ngành, quận - huyện triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2017 ngay từ những ngày đầu năm. Kiên quyết không để kéo dài việc giao vốn, chậm triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch năm, báo cáo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án cụ thể. Triển khai hệ thống dữ liệu thông tin quản lý nhà nước về đầu tư công, hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư các chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp vận động tài trợ và đẩy nhanh giải ngân vốn ODA. Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay thương mại ưu đãi. Huy động vốn xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; lựa chọn một số dự án thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan
- Khai thác nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; rà soát, yêu cầu đơn vị sử dụng đất nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định; điều chuyển hoặc bán đấu giá quỹ nhà tái định cư đến nay chưa bố trí được để thu hồi vốn ngân sách tạm ứng.
- Điều hành dự toán chi ngân sách theo đúng dự toán được duyệt, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách và tài sản công, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, cắt giảm tối đa các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền. Áp dụng phổ biến hình thức hội nghị, hội thảo trực tuyến để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Không đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, chế độ mới hoặc tăng định mức chỉ dẫn đến tăng chi ngân sách nhà nước mà không có nguồn đảm bảo.
- Theo dõi, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn; tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Mở rộng đấu thầu các hoạt động cung ứng dịch vụ công ích như duy tu cầu, đường, chiếu sáng, vệ sinh môi trường... nhằm tăng hiệu quả sử dụng vốn ngân sách và huy động nguồn vốn xã hội.
- Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương. Trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao, cân đối nguồn tăng lương theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh... và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định.
- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp tình hình thực tế; tham mưu thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3. Sở Công thương chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan
- Phát huy hiệu quả chương trình vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đặc biệt tổ chức nhân rộng dưới nhiều hình thức các chương trình “Phiên chợ hàng Việt” tại các khu dân cư ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất và các tỉnh thành lân cận. Tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp và các đơn vị có hệ thống phân phối lớn mạnh, tăng cường mở rộng mạng lưới phân phối và độ phủ của hàng hóa Việt Nam.
- Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với nâng cao chất lượng xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhất là thị trường ASEAN và những mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng điện tử, từng bước tham gia vào hệ thống sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
- Đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu, ưu tiên phát triển các thị trường trọng điểm gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.
- Xây dựng và thực hiện các phương án, giải pháp ứng phó đối với tình hình xuất nhập khẩu trước các diễn biến liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đối với từng lĩnh vực, ngành hàng, đặc biệt trước diễn biến khó lường của thương mại quốc tế và khu vực.
- Nghiên cứu, dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường; hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại các thị trường Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do.
- Khai thác mở rộng thị trường xúc tiến thương mại và đầu tư; đổi mới cách thức tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại theo hướng chú trọng vào khâu tổ chức và cung cấp thông tin thị trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, hình thành quan hệ đối tác thương mại lâu dài.
- Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng sản phẩm chế biến và chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng thô và sơ chế. Hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng xa xỉ, thiết bị công nghệ lạc hậu, hàng hóa vật tư trong nước đã sản xuất được, ưu tiên nhập khẩu vật tư, thiết bị và công nghệ tiên tiến, phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững, theo dõi biến động giá cả các hàng hóa nhập khẩu thiết yếu và dự báo biến động giá cả để có hướng tập trung xuất khẩu các mặt hàng có nhu cầu lớn, có giá trị cao...
- Hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp tích cực, chủ động thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do. Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), giới thiệu về vấn đề mở cửa thị trường, các Hiệp định đang đàm phán, các Hiệp định đã ký kết để tạo sự chủ động cho các Hiệp hội, doanh nghiệp trong việc chủ động nắm bắt những cơ hội, góp phần phát triển thị trường xuất khẩu.
- Xây dựng cơ chế, điều phối có hiệu quả hoạt động thương mại giữa các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước, bảo đảm cùng phát triển, ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh.
- Phát triển thị trường trong nước, phát triển nhanh mạng lưới phân phối, bán buôn và bán lẻ, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng chuyển đổi thị trường, phát triển thị trường mới.
- Phối hợp sở - ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện quy hoạch phát triển hệ thống phân phối (hệ thống chuyên doanh theo ngành hàng, kinh doanh tổng hợp; phát triển theo địa bàn thành thị, nông thôn, kết hợp các phương thức kinh doanh: trung tâm thương mại hiện đại có quy mô lớn, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các loại chợ đầu mối, chợ bán buôn, bán lẻ...).
- Phối hợp các sở, ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các quận - huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp bình ổn thị trường nhằm bảo đảm ổn định thị trường giá cả, không để tăng giá đột biến, đảm bảo các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân.
- Củng cố, nâng cao chất lượng phục vụ các mặt hàng thiết yếu bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, hàng hóa rõ nguồn gốc và chất lượng, mở rộng thêm ngành hàng, kết nối chặt chẽ giữa nơi sản xuất hàng hóa và nơi tiêu thụ.
- Quản lý thị trường, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại; phối hợp giữa các ngành, các cấp trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát giá hàng hóa, thị trường, tổ chức triển khai cho các doanh nghiệp đăng ký giá một số mặt hàng quan trọng. Theo dõi biến động giá các hàng hóa thiết yếu và dự báo biến động giá trên địa bàn đặc biệt là trong các dịp lễ; xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý giá.
- Phối hợp các đơn vị liên quan triển khai hợp tác với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để tạo ra chuỗi giá trị, giải quyết ổn định đầu ra nguyên liệu có chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ và khuyến khích ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam.
- Tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp để tập trung nắm bắt, giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực hải quan, thuế xuất nhập khẩu, các cam kết về hội nhập quốc tế,... nhằm tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên bước đường hội nhập kinh tế quốc tế.
- Ra mắt hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp thành phố với nhiệm vụ là đơn vị đầu mối, bộ phận một cửa trong việc hướng dẫn cũng như hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ cần thiết cho doanh nghiệp khởi nghiệp, hoạt động và phát triển với mục tiêu là đơn vị luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai hoạt động đường dây nóng thông tin và ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp để tiếp cận thông tin của doanh nghiệp một cách nhanh nhất và xử lý hiệu quả nhất.
- Tổ chức hội thảo phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ với các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh thành phía Nam để khai thác lợi thế địa phương và hợp tác cùng phát triển, kết nối nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất; đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của doanh nghiệp thành phố tại các địa phương khác.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan
- Triển khai thực hiện các Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Ngân hàng Trung ương về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn hiệu quả năm 2017; số 02/CT-NHNN về tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; số 03/CT-NHNN về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ.
- Tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn hoạt động có hiệu quả, bền vững, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, luôn đảm bảo an toàn hệ thống, ngày càng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ ngân hàng.
- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu phát sinh trong quá trình tăng trưởng tín dụng nhằm đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, luôn đảm bảo an toàn hệ thống.
- Quản lý thị trường vàng và thị trường ngoại tệ. Theo dõi tình hình tỷ giá và thị trường ngoại hối, tình hình giá vàng và thị trường vàng, cung cầu ngoại tệ và diễn biến kinh tế vĩ mô. Đảm bảo trật tự thị trường và hỗ trợ vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.
- Phát triển công nghệ ngân hàng và dịch vụ thanh toán, nâng cao hiệu quả và tính an toàn trong hệ thống thanh toán của ngân hàng. Phối hợp với Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý rủi ro, yếu kém, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020.
- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 và Chương trình hành động của ngành ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 2496/QĐ-NHNN ngày 23 tháng 12 năm 2016 của Ngân hàng Trung ương giai đoạn 2016-2021.
- Triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2017.
- Tiếp tục triển khai và chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các Chương trình tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố nhằm phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Tập trung các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và đổi mới mô hình giao dịch. Giữ ổn định mặt bằng lãi suất theo định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay trung và dài hạn.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ hai giao./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.