ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 01 năm 1991 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN BẢO VỆ MẠNG LƯỚI ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Từ năm 1986 đến nay và nhất là trong 2 năm 1989 và 1990, các vụ trộm cắp thiết bị trên lưới điện thành phố Hồ Chí Minh ngày càng gia tăng làm gián đoạn cung cấp điện, gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cả về chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng. Những nơi bị trộm cắp đáng kể là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, các quận vùng ven và một số huyện ngoại thành. Tổng giá trị vật tư bị mất cắp lên đến hàng trăm triệu đồng, chưa kể thiệt hại do mất điện gây nên.
Để thực hiện nghiêm ngặt Nghị định số 70-HĐBT ngày 30-4-1987 của Hội đồng Bộ trưởng về việc bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm, trộm cắp và xử lý nghiêm minh những vụ trộm cắp thiết bị trên lưới điện, bảo đảm cung cấp điện liên tục, an toàn.
Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu thủ trưởng các sở ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quận (huyện), phường (xã), ngành thông tin đại chúng, lực lượng vũ trang và nhân dân góp công sức cùng ngành điện lực thành phố thực hiện tốt các công việc sau:
1/ Ủy ban nhân dân quận (huyện) kịp thời có những biện pháp cấp bách và hữu hiệu chỉ đạo chính quyền phường (xã), lực lượng vũ trang địa phương (Công an, quân đội, dân quân tự vệ), cơ quan xí nghiệp và dân cư trên địa bàn quản lý hiểu rõ và thực hiện Nghị định số 70-HĐBT ngày 30-4-1987 của Hội đồng Bộ trưởng. Cùng góp công sức với ngành điện lực giữ gìn bảo vệ mạng lưới điện thành phố, bảo đảm cho lưới điện hoạt động bình thường và tuyệt đối an toàn.
2/ Các cơ quan tuyên truyền báo chí, phát thanh, truyền hình tích cực cùng với ngành điện lực thực hiện các đợt tuyên truyền để nhân dân thấy rõ tác hại của việc mất mát các thiết bị điện trên lưới; cùng góp sức phát hiện kịp thời những hành vi phá hoại, trộm cắp và báo ngay cho chính quyền địa phương bắt giữ, điều tra xử lý.
3/ Lực lượng vũ trang (công an, quân đội, dân quân tự vệ) và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành điện lực xây dựng phương án bảo vệ và phòng chống trộm cắp, phá hoại mạng lưới điện.
- Nắm vững các công trình lưới điện thuộc địa phương để đề ra biện pháp bảo vệ chặt chẽ.
- Tổ chức tuần tra, ngăn chặn, phát hiện bắt giữ kịp thời các vụ trộm cắp hoặc phá hoại thiết bị trên lưới điện thuộc địa bàn quản lý.
- Điều tra, truy tìm bọn tội phạm trộm cắp vật tư thiết bị điện còn lẩn trốn đã được ngành điện báo cáo.
4/ Đề nghị ngành kiểm sát và Toà án nhân dân các cấp lập hồ sơ để truy tố, xét xử nghiêm các vụ trộm cắp, phá hoại thiết bị điện, lưới điện.
5/ Để bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, cơ quan quản lý ngành điện có những nhiệm vụ:
- Tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất tình hình bảo quản vận hành của lưới điện, thi hành kịp thời những biện pháp cần thiết để bảo đảm cung cấp điện an toàn và liên tục.
- Hướng dẫn, giám sát các cơ quan, địa phương và cá nhân thực hiện đúng quy định về hành lang bảo vệ an toàn của đường dây tải điện và trạm nguồn. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm theo quy định hiện hành thì phải kiêm quyết xử lý.
- Khi phát hiện những vụ mất cắp vật tư, thiết bị trên lưới điện cần báo ngay cho công an và chính quyền sở tại biết để truy tìm thủ phạm.
- Cung cấp cho chính quyền địa phương nắm vững các công trình lưới điện nằm trên địa bàn để có kế hoạch phối hợp bảo vệ.
- Ngành điện dành một khoản kinh phí để khen thưởng kịp thời cho tổ chức hoặc cá nhân có thành tích phát hiện những vụ phá hoại, trộm cắp thiết bị trên lưới điện.
- Nhanh chóng chuẩn bị văn bản quy định cụ thể hoá việc thực hiện Nghị định số 70-HĐBT ngày 30-4-1987 của Hội đồng Bộ trưởng trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.