CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03-CT | Hà Nội, ngày 11 tháng 1 năm 1982 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH 5 NĂM 1981 - 1985
Kế hoạch 5 năm 1981 - 1985 có vị trí rất quan trọng, phải được tổ chức xây dựng chặt chẽ để cụ thể hoá chính xác đường lối chung và đường lối kinh tế của Đảng nhằm ổn định và cải thiện một bước đời sống nhân dân; xây dựng có trọng điểm cơ sở vật chất - kỹ thuật của Chủ nghĩa xã hội; hoàn thành về cơ bản cải tạo Xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới trong cả nước; bảo đảm nhu cầu củng cố quốc phòng và an ninh, bảo vệ đất nước.
Để bảo đảm việc xây dựng kế hoạch 5 năm có chất lượng tốt, vừa tích cực, vừa vững chắc, theo yêu cầu cải tiến quản lý kinh tế, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các ngành, các cấp quán triệt những điểm chủ yếu sau đây:
1. Phải thực hiện việc đổi mới nội dung và phương pháp kế hoạch hoá:
a) Thực hiện ba cấp cơ bản làm kế hoạch, tiến hành xây dựng và tổng hợp kế hoạch từ cơ sở và huyện; vừa mở rộng quyền chủ động của cơ sở, địa phương và ngành, vừa bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất của Trung ương. Trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, phát triển sự nghiệp y tế, văn hoá, giáo dục cũng như bảo đảm nhu cầu đời sống, cần quán triệt tinh thần Trung ương và địa phương cùng làm, Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Ở Trung ương, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước tổng hợp nội dung chính của kế hoạch các ngành, các địa phương, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế chiến lược, các chỉ tiêu chủ yếu, các công trình và sản phẩm quan trọng của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm các cân đối lớn, lập các bảng cân đối kinh tế quốc dân. Các Bộ, Tổng cục, theo chức năng quản lý toàn ngành, tổ chức việc xây dựng kế hoạch từ cơ sở và địa phương lên và tổng hợp thành kế hoạch của ngành kinh tế - kỹ thuật do mình phụ trách, nhằm khai thác đến mức cao nhất các năng lực sản xuất hiện có.
Các tỉnh, thành phố có trách nhiệm xây dựng và tổng hợp kế hoạch 5 năm từ cơ sở và từ huyện lên. Kế hoạch địa phương (kế hoạch tỉnh, thành phố và kế hoạch huyện) phải nhằm khai thác các khả năng của địa phương, phát huy thế mạnh của mình, mở rộng quan hệ trao đổi với các ngành, các địa phương khác và thông qua xuất nhập khẩu, để tự cấn đối các nhu cầu sản xuất và đời sống của địa phương, và phục vụ trước tiếp các cơ sở kinh tế Trung ương tại địa phương, bảo đảm giao nộp sản phẩm cho Trung ương, tạo tích luỹ cho địa phương và Trung ương.
Kế hoạch cơ sở (xí nghiệp hoặc xí nghiệp liên hợp, hợp tác xã và nông trường...) phải thể hiện sự sáng tạo và tính chủ động trong sản xuất, kinh doanh trên nguyên tắc tự chủ về tài chính và tôn trọng đầy đủ chính sách, chế độ quản lý thống nhất của Nhà nước, bảo đảm thực hiện tốt các chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước, bù đắp được chi phí sản xuất và có lãi, để đóng góp ngày càng nhiều cho cả nước, tăng cường phúc lợi tập thể và khuyến khích vật chất đúng mức cho người lao động.
b) Phải gắn chặt kế hoạch kinh tế với kế hoạch tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từng bước xây dựng các căn cứ khoa học của kế hoạch. Coi trọng công tác điều tra cơ bản, dự đoán kinh tế và xã hội, lập quy hoạch, xây dựng hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật tiến bộ, lập và lựa chọn các phương án kinh tế - kỹ thuật có hiệu quả kinh tế thiết thực.
c) Kế hoạch phải xây dựng trên tinh thần kinh doanh Xã hội chủ nghĩa và hạch toán kinh tế, coi trọng năng xuất, chất lượng và hiệu quả trong tất cả các khâu từ xây dựng cơ bản đến tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Với tiền vốn và vật tư nhất định của Nhà nước, từng ngành, từng cấp phải biết kinh doanh, tạo thêm nguồn vốn, khai thác thêm vật tư để đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Nâng cao tính pháp lệnh của kế hoạch, đồng thời sử dụng rộng rãi các đòn bẩy kinh tế để chỉ đạo và hướng dẫn các thành phần kinh tế chấp hành đúng kế hoạch Nhà nước.
2. Để bảo đảm yêu cầu và thời hạn xây dựng kế hoạch 5 năm 1981 - 1985, cần khẩn trương làm tốt một số công tác sau đây:
a) Từng ngành, từng cấp cần tổng kết việc thực hiện kế hoạch 5 năm 1976 - 1980, đánh giá đúng thực trạng của ngành, địa phương và cơ sở mình, làm rõ chỗ mạnh chỗ yếu, phân tích sâu sắc nguyên nhân của tình hình, rút ra những bài học kinh nghiệm.
b) Hệ thống hoá các số liệu của thời kỳ 1976 - 1980 và năm 1981, tài nguyên và các cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có (chú trọng làm rõ tình hình sử dụng ruộng đất, lao động, tài nguyên, năng lực sản xuất, xây dựng, vận tải...)
c) Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phối hợp với các ngành có liên quan soát xét, điều chỉnh, bổ sung một số định mức về sử dụng tiền vốn, xăng dầu, than, điện, nguyên liệu ... theo hướng tiết kiệm để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch.
d) Các tổ chuyên đề phải xúc tiến công việc nhằm xác định các nội dung của mục tiêu, các chỉ tiêu và phương án kinh tế kỹ thuật để đưa vào kế hoạch 5 năm 1981 - 1985 và phục vụ việc nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội dài hạn. Các Bộ và Tổng cục, tuỳ theo nhu cầu công tác cần chấn chỉnh và kiện toàn các tổ chuyên đề, có chế độ làm việc đúng để thật sự thu hút cho được những người am hiều kinh tế, khoa học - kỹ thuật và quản lý tham gia tích cực vào việc xây dựng và chọn lựa phương án kinh tế - kỹ thuật của Bộ và Tổng cục.
3. Về tiến độ xây dựng kế hoạch, tháng 12 năm 1981, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước đã phổ biến phương hướng nhiệm vụ và số kiểm tra kế hoạch 5 năm 1981 - 1985; sau đó mở các hội nghị hướng dẫn phương pháp xây dựng kế hoạch 5 năm cho các Bộ, các Tỉnh, Thành phố và cấp huyện.
Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1982, các Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố hướng dẫn các huyện và cơ sở kế hoạch và tổng hợp kế hoạch từ huyện và cơ sở lên. Cuối tháng 6 năm 1982, các Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố gửi dự án kế hoạch của mình lên Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, trong đó bao gồm phần Nhà nước Trung ương giao và phần tự làm thêm của mình.
Tháng 7 năm 1982, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước tổng hợp kế hoạch của các Bộ, Tổng cục và các địa phương thành kế hoạch kinh tế quốc dân và sẽ trình Hội đồng Bộ trưởng, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội thông qua và ban hành kế hoạch 5 năm 1981 - 1985.
4. Xây dựng kế hoạch 5 năm 1981 - 1985 là một công việc rất quan trọng; quá trình xây dựng kế hoạch là quá trình sắp xếp lại nền kinh tế, bố trí lại nền sản xuất, cải tiến cơ chế quản lý, và kế hoạch hoá. Vì vậy, cần có sự lãnh đạo và chỉ đạo chặt chẽ của Đảng của Nhà nước.
Ở Trung ương, Ban bí thư và thường vụ Hội đồng Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo các ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch. Các tổ chức tham mưu như Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, các Ban kinh tế của Đảng ... có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, kiểm tra kịp thời phát hiện và đề xuất ý kiến về những vấn đề cần giải quyết. Đặc biệt Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cần phải làm tốt việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch của các ngành và các địa phương. Làm tốt việc tổng hợp kế hoạch kinh tế quốc dân để kế hoạch có chất lượng.
Ở các Bộ, Tổng cục, đồng chí Bộ trưởng và tổng cục trưởng phải thực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và tổng hợp kế hoạch, thật sự mở rộng dân chủ, động viên cho hết ý kiến đóng góp của mọi cán bộ, nhất là cán bộ kinh tế, khoa học kỹ thuật có năng lực.
Ở các địa phương, thành uỷ, tỉnh uỷ, huyện uỷ và Uỷ ban nhân dân phải trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và tổng hợp kế hoạch từ cơ sở.
Trong quá trình xây dựng và tổng hợp kế hoạch, nếu phát sinh vấn đề gì cần giải quyết thì các ngành, các cấp kịp thời báo cáo lên Ban bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, đồng thời thông báo cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước biết để xử lý.
| Tố Hữu (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.